Rong ruổi những gánh mỳ

24/04/2008 08:32 GMT+7

(TNO) Cứ mỗi sáng sớm, người bán mỳ Quảng gánh lại bắt xe đò quảy theo đủ đầy thực phẩm cho một gánh mỳ. Vật dụng như tô, đũa, nồi niêu…họ đã gởi tại những nhà người quen ở Đà Nẵng. Quang gánh được dọn ra, một góc quê hương đã hiện hữu trong ký ức của người ăn qua những tô mỳ nóng bốc khói thơm lừng.


Những gánh mỳ trên đường phố đã làm thỏa lòng nỗi nhớ quê của nhiều người con xa xứ

Ký ức tảo tần

Bây giờ mỗi người bán đã tự tìm cho mình một chỗ ngồi cố định trên những con phố đông đúc, không còn cực khổ quảy gánh rong ruổi mời chào qua khắp phố phường. Theo chị Cúc - người bán mỳ Quảng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngay trước cơ quan Thanh Tra Nhà Nước - hiện có khoảng trên mười người xuất xứ từ Phú Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) ra bán mỳ Quảng gánh tại Đà Nẵng.

Anh Long, chủ quán cà phê Bảo Nam Trân, một thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Đà Nẵng - dù đã nếm đủ đầy nem công chả phụng - vẫn không thể nào quên cảm giác ngon lành khi được ăn một tô mỳ Quảng của bà Tám tại Điện Phương, trong thời gian anh đi dạy ở vùng quê nghèo này từ 20 năm trước. Mỳ Quảng theo chân những người xa xứ, ít nhiều đã biến đổi theo nhu cầu của người tiêu dùng tại mỗi địa phương. Nhưng những người đã lớn lên trong sự tảo tần của những người đàn bà quảy gánh mỳ “rin” của Quảng Nam thì nhất định không chịu một sự lai tạp nào.

Mỳ Quảng “nguyên chất” phải là những cọng mỳ trắng tinh, rau sống đủ mọi thứ nhưng không bao giờ được thiếu bắp chuối - loại chuối sứ trắng tinh có mùi thơm không thể lẫn với một hương rau nào khác. Nước "nhưng" đậm đặc từ tôm, thịt, có cả vị béo ngậy của đậu phụng sống và trứng vịt. Bánh tráng dày ram qua dầu phụng để có mùi thơm dậy mũi. Bởi thế, từ ngày khai trương quán Bảo Nam Trân, anh Long đã tâm đắc đưa vào thực đơn điểm tâm món mỳ Quảng Phú Chiêm, với nước nhưng do chính người Điện Phương chế biến từ những con  tôm đất nhỏ xíu mang vị ngọt riêng của vùng quê xứ Quảng.

Mỳ Quảng gánh hôm nay đã bước lên những nơi chốn sang trọng, để thực khách qua ăn uống thưởng lãm thêm một nét văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt, ngũ phụng tề phi này.


Gia đình bà Nguyễn Thị Xin - một trong những gia đình sinh sống bằng nghề tráng mỳ Quảng tại Điện Phương

Thỏa lòng nỗi nhớ quê

Từ TP Hồ Chí Minh về Đà Nẵng, nhiều người vẫn rủ người quen đi ăn mỳ gánh. Có bác “thú nhận” rằng, nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng ám ảnh lắm nhưng nỗi khát thèm được ngồi xổm bên gánh mỳ bốc khói ven đường thưởng thức món ăn dân dã, thấm đẫm hương vị quê nhà, nhớ lại một thời xưa cũ đã chế ngự tất cả.

Bây giờ, thói ăn quán gánh của người dân quê đã thay đổi rất nhiều. Những cảnh báo về sự mất vệ sinh từ những hàng quán tạm bợ, trong đó có quán gánh lại được nhắc đến thường xuyên. Thành ra quán gánh đã thưa vắng nhiều. Ngay như làng mỳ gánh Phú Chiêm nổi tiếng một thời, đã không còn nhiều người quảy đi bán nữa, người mê ăn quán gánh cũng thưa vắng hơn trên các ngõ quê. Còn ở Đà Nẵng, không ít người sống ở thành phố mấy chục năm, mọi sinh hoạt đã mang đậm nét “văn minh phố xá”, trong một phút trỗi dậy đột ngột của chất quê đã sà vào những gánh mỳ Quảng ven đường.

Hiện nay, rất nhiều lễ hội hay những buổi tiệc vẫn tổ chức những quán gánh cho khách thưởng lãm. Tên gọi cũng được “Tây hóa” bằng “buffet gánh” cho sang trọng. Nhiều người cho rằng trong một nơi chốn sang trọng như thế  họ vẫn có cảm giác lợn cợn, không “sướng” như cảm giác ăn ở ven đường. Bởi thế, nỗi nhớ thương quán gánh và dáng ngồi quê kiểng càng dùng dằng, thôi thúc, khó dứt, khó phai trong tâm trí nhiều người.

Những người bán mỳ Quảng gánh từ Phú Chiêm ra Đà Nẵng, với họ là một cuộc mưu sinh nhưng đâu biết rằng,  họ đã làm vơi đi nỗi nhớ quê, giúp nhiều người tìm về miền ký ức nơi chôn nhau cắt rốn. Trong một thành phố chộn rộn, tấp nập người qua lại, bắt gặp một gánh mỳ bên đường, đâu đó trong sâu thẳm lòng người, bất chợt gợn lên một nỗi niềm khó tả...

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.