Sách xuống đường

20/05/2006 15:33 GMT+7

Sách đang sà xuống đường - tiếp cận, mở ra, chào đón người đọc ở những tư thế thoải mái nhất - đó là bức tranh toàn cảnh về những chiếu sách hè phố Sài Gòn hiện nay. Ngạc nhiên là trong bối cảnh các nhà sách "trăm hoa đua nở" thì sách vỉa hè lại có vẻ bán được, có lượng người đọc riêng, đẩy việc dạo vỉa hè mua sách thành một thú văn hóa. Chỉ có điều băn khoăn: Nguồn gốc sách từ đâu, tại sao giá rẻ? Phóng viên TNCN đã dạo một vòng các chiếu sách, nhà sách để thử tìm hiểu nguyên do.

Dạo chợ sách vỉa hè

Không khó để tìm thấy những chiếu sách ngay trung tâm thành phố trên các đường Trương Định, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu... Có một phát hiện lạ là hầu hết các chiếu sách đều nằm trên vỉa hè của đường ngược chiều, bên phải đường theo hướng lưu thông! Có lẽ bởi ở những đường này vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ, khách đi sát lề cũng có thể dễ dàng dừng xe hỏi mua.

Dừng lại trước một chiếu sách nhỏ gần đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nằm trước Bệnh viện Y học dân tộc, chúng tôi hỏi mua một số sách bán chạy. Bà chủ một tay đang đếm tiền, một tay bồng đứa cháu trông nhếch nhác nhưng có vẻ thính nhạy về thị trường và tình hình thời sự: "Mua Cánh đồng bất tận đi, báo chí viết quá trời!". Trên chiếu sách, ngay sát chỗ bà ngồi là một chồng sách Cánh đồng bất tận được bọc ni-lông cẩn thận. Bà cho biết, chiếu sách này là của con trai bà, dọn hàng từ 4 giờ chiều tới 10 giờ đêm. Theo bà thì khách mua cũng tùy, người thích xem cuốn này, người thích xem cuốn kia. Chúng tôi mua một cuốn Gia Cát Lượng đại truyện, giá bìa 90.000 đồng, bà tính giảm 30% còn 63.000 đồng nhưng sau chỉ bán 60.000 đồng. Sách cũng được bọc ni-lông, mua xong bà cho thêm cái bao để sách vô như trong siêu thị.

Theo ông Lê Nguyên Đại, nhà sách chỉ có thể bán chiết khấu 40% cho hai trường hợp: mối và người bán vỉa hè. Với mối, phải bán như vậy  bởi vì họ còn phải bán cho mối lẻ, nếu bán cho khách vãng lai giảm 40% thì họ sẽ vô nhà sách mua, như vậy "mình giết mối của mình, mình giết mình luôn". Với trường hợp người mua đem bán vỉa hè, ông Đại nói: "Một em sinh viên mua vài ba lần thì mình biết là mua đi bán lại, phải dành cho chế độ khác". Ông Đại cho rằng tâm lý người mua cũng là một nguyên nhân khiến sách vỉa hè đông khách: "Có thể sách bày vỉa hè dễ tiếp cận hơn".

Chúng tôi ghé lại một chiếu sách trên đường Võ Thị Sáu trong buổi tối. Chiếu sách bày cạnh cột điện thoại, một số đầu sách còn được bày trong hộp kính của cột điện thoại, bìa sách quay ra ngoài, nhìn qua tấm gương thấy như sách được bày trong nhà sách hay siêu thị. Chủ chiếu sách là một cô gái người Bắc tên Thu Hương quê Văn Điển, Hà Nội; mới vào Sài Gòn được 7, 8 tháng. Hương mới học xong lớp 12, hiện vô phụ anh bán sách. Cô mới bán được tại đây chừng hai tháng. Khách mua là bạn bè quen biết của cô, nhiều khách là trung niên, có những ông bà 70 - 80 tuổi cũng đi mua sách.

Hương kể ra những đầu sách đang bán chạy: Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, giá bìa 27.000 đồng, bán cho khách 22.000 đồng. Thám tử Sơ-lốc-hôm giá bìa 185.000 đồng, bán 130.000 đồng. Chuyện đặc sắc của giải Nô-bel giá bìa 69.000 đồng, bán 48.000 đồng. Sách phong thủy có hai loại: loại giá bìa 86.000 đồng bán 73.000 đồng; loại giá bìa 140.000 đồng bán 102.000 đồng.

Nỗi niềm người bán sách, người yêu sách

Nguyễn Kim Tuấn Anh là SV ngành kiến trúc năm thứ hai học dưới Vĩnh Long. Lên chơi nhà anh trên thành phố mấy hôm, Tuấn Anh cũng có ý định mua vài quyển sách. Tình cờ đi ngang chiếu sách của Hương, Tuấn Anh dừng lại. Bạn cho biết: "Lần đầu em mới biết chỗ này, ngoài ra em cũng biết thêm một số chỗ ở đường Cách Mạng Tháng Tám". Sau một hồi chọån lựa, Tuấn Anh mua quyển 101 kinh nghiệm thành đạt trong cuộc sống. Sách của NXB Văn hóa thông tin, giá bìa 36.000 đồng. Tuấn Anh kể mình hay mua sách về kinh nghiệm sống, đắc nhân tâm. Bạn cũng hỏi mua sách chuyên ngành nhưng những chỗ như thế này ít bán, nhiều sách văn học của các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... hơn. Tuấn Anh nói: "Mua sách lề đường thoải mái hơn trong nhà sách hay siêu thị, giá cả lại hợp với túi tiền của mình"... Sau một lát trao đổi, Hương bán cho Tuấn Anh với giá 25.000 đồng.

Anh Nguyễn Hồ Không Định (công ty NK may mắn chuyên về thiết bị y khoa) là một khách hàng thường xuyên mua sách cả trong siêu thị lẫn sách vỉa hè. Anh Định nói: "Mình đi ngang qua đây, thấy sách gì hay thì mua. Mua sách vỉa hè cũng là văn hóa của dân thành phố mà". Với anh Định, không có quan niệm sách "trong" hay sách "ngoài", anh không quan tâm lắm đến vấn đề bản quyền và giá cả. Sau một hồi xem xét, anh Định quyết định mua cuốn Nghệ thuật chăm sóc khách hàng vì anh nghĩ nó có lợi cho công việc của mình.

Có thời gian, có thêm một chút đam mê, đi dạo những chiếu sách hè đường cũng có nhiều thú vị. Thật không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến lượng khách đông đảo ghé vào xem hoặc mua sách ở hè đường. Mới biết còn nhiều người yêu sách lắm. Chỉ trong vòng hai phút ngồi lại bên chiếu sách của Hương, chúng tôi đếm không dưới ba chục người tách ra khỏi dòng người xe hối hả để ghé lại mặc dù khi đó đã là buổi tối, sau ngày làm việc gương mặt họ đã bám nhiều bụi bặm, mệt mỏi.

Hương cho biết, thường thì nhà xuất bản hoặc nhà sách xuất bản sách mới, bán chiết khấu cho 35%, cô giảm cho khách 30%, lấy 5% tiền hoa hồng. Vốn bỏ ra cho chiếu sách này cũng lên tới vài ba chục triệu đồng. Mỗi khi dọn hàng, phải có ba xe máy chở sách tới. Sách được dọn ra, sẵän bên là cây phất trần dùng để lau bụi liên tục. Đến tối, dọn hàng, anh em Hương lại cho sách vào thùng rồi chất lên xe gửi đến chỗ quen ở đường Tú Xương cho gần, chiều mai lại chở sách ra.

Hương kể cho đến giờ, mặc dù sách bày ngay lề đường, nhiều người qua lại xem sách dễ dàng nhưng chiếu sách này chưa xảy ra hiện tượng cướp sách. Chỉ lo công an phạt về tội lấn chiếm hè đường. Chiếu này đã từng bị CA thu mấy thùng sách, mang về phường xử phạt, đóng phạt xong mới lấy được sách về.


Buổi tối, giờ bán chạy của sách vỉa hè. ảnh: T.G

Vì đâu sách rẻ ?  

Sự xuất hiện của những chiếu sách vỉa hè cùng các đầu sách mới, lạå, được giảm giá nhiều...  đặt ra câu hỏi về nguồn gốc sách. Không ít người hoài nghi về tính pháp lý, sự "trong luồng" hay "ngoài luồng" của chúng. Bản thân tính pháp lý của những người bán sách cũng bị đặt câu hỏi. Rất ngạc nhiên, khi trao đổi vấn đề này, ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty Thời Đại, chủ nhân nhà sách Trẻ - một "chiến binh" lâu năm trong làng sách còn trụ lại có thái độ cởi mở: "Thành phần kinh doanh này đáng ủng hộ nhất, họ ít vốn, biết chọn sách hay, bán được nhanh, không phải ngậm vốn. Chính họ đã dời mặt bằng sách từ trong nhà sách ra lề đường để công chúng dễ tiếp cận hơn!".

Theo ông Đại, nguyên nhân chính của việc sách ngoài vỉa hè rẻ, có vẻ được giảm giá hơn so với nhà sách hay siêu thị chính là do cơ chế hạ chiết khấu khi phát hành. Hiểu nôm na, hiện tại mức chiết khấu khi tổng phát hành sách mới là 40%. Mà người xuất bản, phát hành chính là những nhà sách, siêu thị sách. Đương nhiên, họ phải giảm giá 40% cho những người mua sỉ - trong đó có người mua mang ra vỉa hè bán. Những người này bán lại với mức giảm từ 30 - 35% và thu về 5 - 10% tiền chênh lệch. Thế là họ có lãi. Trong khi, tại siêu thị hay nhà sách đều phải bán nguyên giá vì họ còn phải tốn những chi phí như xe cộ, điện đèn, mặt bằng...

Ông Đại thắc mắc: "Cơ chế phát hành bây giờ đẩy giá sách ngày càng lên cao, trừ phần trăm ngày càng nhiều một cách hết sức vô lý, không có lợi cho người sản xuất, không có lợi cho người tiêu dùng là người mua sách. Đó là một dấu hỏi lớn, tôi là người trong nghề cũng không biết tại sao".

"Làm sách là cái nghề tiền mặt phải trả trước (mua bản thảo), mua giấy là tiền trả "nóng", công in là tiền trả "nguội" nhưng bán sách thì không lấy được đồng tiền nào trực tiếp  -  Ông Đại tâm sự - Chỉ có người làm ăn lâu dài mới chịu đựng nổi chứ không có người nào mới vào làm ăn được hết". Cách đây chừng chục năm, tốc độ làm sách của ông Đại là một năm vài trăm cuốn. Đến giờ, tuy còn trụ lại nhưng ông cũng chỉ làm chừng 50 cuốn/năm, "ít hơn so với các anh em đồng nghiệp". Ông than: "Làm lâu đời mới trụ được thôi chứ người mới vô bỏ tiền tỉ cũng như muối bỏ biển".

Từ sự khó khăn cũng như bão hòa trong việc làm sách, ông Đại cũng gạt luôn nghi ngờ nguồn gốc sách vỉa hè là sách lậu, sách in thêm sau khi phát hành nên giá rẻ: "In thêm phần lớn chủ động từ phía người đặt in. Nhưng nhà in bây giờ cũng không rảnh để in thêm sách vì họ thấy sách hiện không bán được. Nếu cách đây vài mươi năm thì họ có thể ăn gian của người đặt in vì sách bán được, còn bây giờ họ thấy sách là một thứ hàng hóa hơi bị phù phiếm, in ra lỗ tiền công, họ không làm".

T.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.