Sâm vô tính trên đỉnh Ngọc Linh

23/07/2010 09:08 GMT+7

(TNTS) Được mệnh danh là "cây vàng, cây bạc", sâm Ngọc Linh bị săn lùng ráo riết và trở nên hiếm hoi. Để phát triển loài cây quý này vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề cây giống...

Hành trình mang sâm lên núi

May mắn, chúng tôi gặp PGS-TS Dương Tấn Nhựt, Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) khi anh đang chuẩn bị đưa cây sâm vô tính (nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật in vitro) từ phòng thí nghiệm để trồng ra môi trường tự nhiên ở núi Ngọc Linh. Chớp cơ hội, chúng tôi đề xuất và được cùng đi theo đoàn. Đến  Kon Tum, đoàn chia ra 2 nhóm để mang hơn 1.400 cây và củ (sâm vô tính) lên núi Ngọc Linh trồng ở địa phận thuộc 2 xã Măng Ri và Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum).

Dù đã từng nhiều lần đi rừng, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy "ớn" khi biết đỉnh Ngọc Linh cao đến 2.598m và đường đi nhiều hiểm trở. Quả thật, sau hơn 2 giờ đồng hồ, đôi chân như muốn rời ra khỏi cơ thể khi phải leo cả chục quả núi lớn nhỏ và vượt qua những "khu rừng vắt", chúng tôi mới đến địa điểm trồng sâm: một khu rừng già sát đỉnh Ngọc Linh. Đến nơi, những người dân tộc Xê Đăng xới đất, dọn đá làm luống, còn chúng tôi mang cây sâm trở ngược ra con suối, lấy cây ra khỏi ống nghiệm và rửa sạch rồi mới mang vào trồng. Bên cạnh những luống mới này là một luống mấy trăm cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy in vitro do Viện Sinh học Tây Nguyên trồng thực nghiệm đã được hơn 6 tháng tuổi đang xanh tốt. "Vắt nhiều như trấu", biết vậy nên chúng tôi đã trang bị "vũ khí" chống vắt cho đôi chân nhưng nhìn xuống vẫn thấy chúng bu đen rợn cả người. Anh A Hình (người dẫn đường) cho biết, trước kia vùng này rất nhiều sâm tự nhiên, mỗi ngày đi về lấy được đầy cả ba lô, thế nhưng sâm đó cũng chỉ để dùng mỗi khi đau bụng hay sốt, mệt, chứ bán chẳng được bao nhiêu, rồi dư cũng bỏ hết. Vậy mà bây giờ, dù có đi rừng cả ngày cũng không tìm ra một củ! Trồng xong luống sâm, đoàn chúng tôi lại làm cuộc hành trình để xuống núi khi trời đã nhá nhem tối.      

Chỉ mới bảo tồn...

Năm 1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu 5 phát hiện ra sâm Ngọc Linh và sau này được xác định có tên khoa học Panax vietnamensis Ha et Grushv.  Một số kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy sâm Ngọc Linh có những đặc tính cơ bản gần giống sâm Triều Tiên, có tác dụng dược lý như bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, chống stress tâm lý, chống lão hóa, kháng khuẩn, cải thiện chức năng gan... và là loài cây có giá trị kinh tế cao (giá trên thị trường khoảng trên dưới 20 triệu đồng/kg sâm tươi, cao gấp 3 - 4 lần so với sâm Mỹ, sâm Triều Tiên, và giá sâm khô cũng trên dưới 100 triệu đồng/kg). Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum, trước đây, do những bất cập trong chính sách và công tác quản lý, cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hầu như bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng, là một loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam cấm khai thác. Mặt khác, do phân bố hẹp, điều kiện sống khá đặc biệt nên rất khó trồng và phổ biến rộng rãi. Cây tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất chậm, thường sau 5 - 7 năm trồng mới có thể khai thác sản phẩm. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển loài thực vật quý hiếm này đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà khoa học và quản lý.

Bà Trần Thị Tuyết - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum cho biết, lâu nay những việc đã làm được cũng mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, còn chưa phát triển được cây sâm. Nhu cầu cây giống rất cao, mà trồng bằng hạt thì rất khó khăn bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thời tiết, động vật ăn phá, tỷ lệ nảy mầm thấp, đó còn chưa nói quá trình cây sâm sinh trưởng, phát triển và cho ra hạt cũng phải 4-5 năm tuổi...  

Triển vọng một vùng sâm bạt ngàn

Năm 2008, Viện Sinh học Tây Nguyên chủ trì đề tài Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu nghiên cứu nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh để cung cấp cây giống và nhân sinh khối rễ sâm bằng hệ thống nuôi cấy bioreactor. PGS-TS Dương Tấn Nhựt (chủ nhiệm đề tài) cho biết, không tính lần này, trước đây đã có 3 lần đưa cây sâm vô tính lên trồng ở khu vực núi Ngọc Linh với hơn 2.000 cây và tỷ lệ sống đạt khoảng 80%, ông nói: "Chúng tôi rất vui mừng vì cây sâm nhân giống vô tính bây giờ đã sống được ở bên ngoài tự nhiên”. Anh Hảo - một trong những người trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất ở Kon Tum cho hay, năm trước anh có trồng 10 cây sâm vô tính của TS Nhựt, đến nay chúng đều sống khỏe mạnh. Sau đó anh trồng tiếp hơn 1.000 cây sâm vô tính và tỷ lệ sống đạt rất tốt, tuy nhiên cũng cần thêm sự đồng đều của cây giống. Theo PGS-TS Dương Tấn Nhựt, hiện đang đợi thêm ít thời gian nữa để phân tích, đánh giá hoạt chất của củ sâm nuôi cấy mô trồng trong môi trường tự nhiên như thế nào để biết kết quả tốt nhất.

Tiến sĩ Trần Công Luận - Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM cho biết, việc nghiên cứu tạo cây con hoàn chỉnh in vitro của TS Nhựt là hướng đi được nhiều người kỳ vọng, nhằm chủ động nguồn giống cây trồng cho vùng trồng sâm ở 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Vì hiện nay, nguồn nhân giống hữu tính (bằng hạt) vẫn chưa đủ khả năng cung ứng số lượng cây trồng cho địa phương này, chưa kể nhu cầu di thực về địa phương khác như Đà Lạt, Sa Pa. TS Luận cho hay: "Viện Dược liệu - Bộ Y tế hiện đang có dự án di thực trồng đại trà sâm Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc, nên phương pháp nhân giống in vitro của TS.Nhựt nếu thành công sẽ giải tỏa được áp lực về cây giống vì có thể nhân giống và ra bầu nhanh chóng một lượng lớn cây giống trong một thời gian ngắn hơn (khoảng 3 tháng) so với chu kỳ 1 năm của việc nhân giống hữu tính bằng hạt". "Tôi vào vùng sâm từ năm 1978 và cũng theo đuổi nó gần hết sự nghiệp rồi, nên rất mong đất nước sẽ có vùng sâm bạt ngàn như Hàn Quốc để cả nước và thế giới có thể dùng sâm Việt Nam dễ dàng như dùng sâm Triều Tiên vậy" - TS Luận tâm sự.    

Ông Nguyễn Văn Bình - Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết: "Hiện tỉnh đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho sâm Ngọc Linh. Trước kia cũng từng có mô hình di thực cây sâm Ngọc Linh xuống thấp nhưng thất bại. Nếu như cây vô tính thành công thì sẽ có nhiều mô hình cá nhân tham gia, mở ra triển vọng cho người dân làm giàu từ cây sâm".

 Bài & ảnh: Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.