'Săn' gà đen ăn tết

27/01/2017 18:03 GMT+7

Dù có giá lên tới cả chục triệu đồng, nhưng loại gà đen lưỡi, hay còn gọi là gà ác của bà con người dân tộc H'mông ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang... vẫn được nhiều người săn lùng để ăn tết.

Vào dịp cuối năm, nhiều thương lái rong ruổi qua các bản vùng cao tỉnh Yên Bái, Lào Cai... tìm giống gà hiếm mà nhiều người thường quen miệng gọi là “gà H’Mông đen”, sau đó đem về dưới xuôi bán lại kiếm lời.
Anh Giàng A Páo, một người sống ở bản Đá Đen (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, người H’Mông ở Yên Bái nuôi gà đen từ đời nào chẳng ai biết. Đó là vật nuôi có sức chống chọi tuyệt vời với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên núi cao. Có khi nuôi giống gà khác được một hai năm thì chết sạch, riêng giống gà đen vẫn sinh sôi nảy nở một cách diệu kỳ.
Vì là loại vật nuôi phổ biến, nên gà đen xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của bà con trên núi như một thứ không thể thiếu. Người H’Mông nuôi gà đen với tư duy đơn giản là làm thực phẩm hàng ngày, sau đó, gà được dùng trong các tiệc cưới, rồi dùng trong cúng tế.
Gà đen được nuôi thả tự nhiên ở Mù Cang Chải Ảnh Nam Anh
Theo người dân tại huyện miền núi vùng cao của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), gà đen được chia làm 2 loại, một loại đen cả lông, chân, mào và thậm chí xương cũng đen. Loại còn lại gọi là gà đen lưỡi. Nghĩa là không chỉ có lông, chân, mắt, mào, xương đen mà lưỡi cũng đen.
Anh Trần Văn Chiến (38 tuổi, ngụ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một thương lái chuyên thu gom gà đen cung cấp cho chuỗi các nhà hàng gà tươi, nhà hàng đặc sản trên địa bàn Hà Nội cho biết, loại gà đen thứ nhất hiện đang được thu mua với giá không đều giữa các nơi. Như ở Nậm Có thương lái đang mua gà với giá 280.000 đồng/kg, nhưng ở xã Nậm Khắt thì loại gà này có giá lên tới 350.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà thường chỉ từ 80.000 - 120.000 đồng/kg.
Bắt gà đen làm ổ trong núi Ảnh Hà An
Vẫn theo anh Chiến, sở dĩ loại gà đen có giá cao như vậy là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao. Nhiều nhà hàng ở thủ đô và một số thành phố lớn đã mọc ra những quán chuyên bán thịt gà đen, nguồn cung không đủ cho thị trường.
Còn theo anh Đoàn Văn Hòa (42 tuổi, ngụ tại  quận Tây Hồ, Hà Nội) chủ nhiều nhà hàng gà đen ở Hà Nội, ngoài những đặc điểm như thịt thơm, dai và ngọt, người dân còn đồn đại, khi ăn gà đen sẽ rất tốt cho sức khỏe. Do vậy, hiện nay loại gà đen được người dân tìm mua. Bằng chứng là dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, dù có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng anh Hòa cùng các nhân viên của mình chỉ thu gom được 65 con gà đen.
Trong khi đó, loại gà đen lưỡi có giá lên đến 20 triệu đồng/con. Loại này được người H’Mông liệt vào hàng cực hiếm, thỉnh thoảng mới xuất hiện một con. Nó cũng giống như hiện tượng gà 9 cựa trước đây.
Một con gà đen tuyền được bà con dân tộc đem bán Ảnh Nam Anh
Người dân tại một số nơi như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... cho biết, gà đen lưỡi thỉnh thoảng mới xuất hiện và càng ngày càng hiếm do người dân địa phương nuôi lẫn gà đen với các loại gà khác nên dần dần bị biến đổi. Có con đen lưỡi nhưng lông lại đốm đen đốm trắng, có con đen toàn thân thì lưỡi đỏ...
Cách đây hơn 10 năm, nhiều bản người H’Mông vẫn còn xuất hiện nhiều loại gà đen cả lông, chân, da, mào và lưỡi. Có gia đình nuôi gà đen 4 - 5 năm mới thấy một con gà đen lưỡi...
Anh Nguyễn Văn Mạnh, một thương lái chuyên buôn bán gia cầm tại huyện Mù Cang Chải cho biết, hiện chưa có một trang trại nào chuyên nuôi gà đen để bán mà nguồn cung chủ yếu dựa vào bà con người H’Mông nuôi với quy mô nhỏ. Nhà nhiều thì được chục con, ít thì một đến hai con. Vì số lượng gà đen ít như vậy nên chỉ cần vài thương lái thu mua là “quét sạch” gà đen ở các bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.