Sinh viên yêu nhau, có quyền dọn về sống chung?

21/04/2016 12:28 GMT+7

Pháp luật không cấm sinh viên yêu nhau dọn về sống chung, tuy nhiên xã hội không khuyến khích việc này.

Pháp luật không cấm sinh viên yêu nhau dọn về sống chung, tuy nhiên xã hội không khuyến khích việc này.

Sống chung trước khi đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật ? - Ảnh cắt từ clip Sống thử được 3 mất 6 của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu Sống chung trước khi đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật ? - Ảnh cắt từ clip Sống thử được 3 mất 6 của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Em và bạn trai đang học năm 2 Đại học nhưng ở cùng dãy trọ, cả hai yêu nhau đã được 1 năm. Đến giờ tụi em muốn dọn chung về ở một phòng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhưng chủ nhà trọ nói, chỉ có thể sinh hoạt chung nhưng không đăng ký tạm trú được vì công an đi kiểm tra sẽ phạt tội chưa đăng ký kết hôn mà ở chung. Xin hỏi luật sư, chủ nhà trọ nói vậy là đúng hay sai? Nếu phạt thì bị phạt như thế nào? Em cảm ơn. (bạn đọc Kim Thư, thunguyen23..@gmail.com)
Trả lời câu hỏi của bạn đọc Kim Thư, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, hiện nay không có quy định nào cấm việc nam, nữ không được chung sống với nhau nếu không đăng ký kết hôn. Công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm, vì vậy hai bạn đươc quyền sống chung.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Chủ nhà trọ nói sai
Bầu chọn
Theo bạn, sinh viên yêu nhau có nên sống chung?
Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Do vậy, việc hai bạn sinh viên nam, nữ này chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn không vi phạm pháp luật, nên không bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý nào cả. Việc chủ nhà nói như trên là không đúng”, LS Chánh nhận định.
Pháp luật không cấm tuy nhiên xã hội cũng không khuyến khích các bạn sinh viên ở chung. Nhưng khi chung sống với nhau hai bạn này phải đăng ký tạm trú theo Điều 30 Luật Cư trú.
Nếu không đăng ký tạm trú thì bị xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thường trú, tạm trú và phạt 1 triệu đến 2 triệu đồng hành vi không thông báo lưu trú với cơ quan Công an khi có người đến lưu trú theo quy định tại Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Tìm hiểu kỹ để tránh phạm tội "ngoại tình"
LS Chánh lưu ý nếu đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 48 Nghị định 110 năm 2013 của Chính phủ.
Cụ thể phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Nên tìm hiểu kỹ trước khi sống chung để tránh phạm tội 'ngoại tình' - Ảnh: ShutterstockNên tìm hiểu kỹ trước khi sống chung để tránh phạm tội 'ngoại tình' - Ảnh: Shutterstock
Còn trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 BLHS hiện hành về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
“Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”, LS Chánh giải thích.
Ngoài ra, BLHS năm 2015 (sẽ có hiệu lực ngày 01/7/2016) tại Điều 182 quy định cụ thể: người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.