Sư trụ trì gặp mẹ giữa Trường Sa

09/05/2016 10:47 GMT+7

Suốt hơn 1.000 ngày làm trụ trì ở đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), có lẽ ngày 27.4 là một trong những ngày tuyệt vời nhất của đại đức Thích Nhuận Đạt (28 tuổi).

Bởi đó là ngày ông đã có cuộc trùng phùng đầy xúc động với người mẹ của mình ngay giữa biển trời Trường Sa...
Từ khi tàu 571 xuất phát từ quân cảng Cát Lái (TP.HCM) hướng thẳng Trường Sa, tôi để ý có một người phụ nữ luống tuổi thường đứng ở mũi tàu, mắt rơm rớm ngóng về phía biển.
Bà Phạm Thị Nhiên, người phụ nữ luống tuổi thường đứng ở mũi tàu Trường Sa- 571, mắt rơm rớm ngóng về phía biển Nguyễn Phúc

Hỏi ra mới biết, bà là Phạm Thị Nhiên (63 tuổi, trú TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa). Bà ra đảo để thăm con trai, đang là trụ trì của chùa Song Tử Tây, ngôi chùa lớn nhất trong 6 ngôi chùa thuộc quần đảo Trường Sa.
Bên tiếng sóng táp mạnh vào mạn tàu, bà Nhiên kể với tôi rằng, bà có 5 người con, trong đó người con giữa tên là Lưu Minh Tuấn. Năm 13 tuổi, khi đang đi lớp 7, Tuấn về thưa với mẹ cha rằng: “Con muốn vào chùa tu học”. “Ban đầu tôi bị sốc. Bởi gia đình có hướng phật nhưng chưa ai đi tu bao giờ. Tôi bảo nó, thôi thì con vào chùa vài ba tháng rồi ra, đừng xuống tóc hẳn, lỡ không quyết tâm thì phiền cho mấy sư thầy. Nhưng cháu bảo ý con đã quyết”, bà Nhiên kể lại.
Từ đây đến hết phổ thông, Tuấn tu tại chùa Viên Ngộ (thôn Ninh Ích, xã Ninh An, TX. Ninh Hòa) và lấy pháp danh là Thích Nhuận Đạt. Sau khi tốt nghiệp ĐH Phật giáo tại Đà Lạt (Lâm Đồng), đại đức Thích Nhuận Đạt tiếp tục ra bắc rồi lại vào nam để tu học phật pháp trước khi trở về chùa Viên Ngộ. Khoảng tháng 9.2013, đại đức lại một lần nữa làm cho bà Nhiên... sốc toàn tập, khi ghé nhà và nói rằng: “Con sẽ tình nguyện đi Trường Sa, làm trụ trì chùa Song Tử Tây”.
Đại đức Thích Nhuận Đạt quạt mát cho mẹ trong ngày Song Tử Tây nóng như thiêu da người. Nguyễn Phúc

Hai mẹ con đại đức Thích Nhuận Đạt đi thăm hỏi những cư dân trên đảo Song Tử Tây. Nguyễn Phúc


Là một người mẹ, xót con, có bao giờ muốn con trai đi vào nơi sóng gió, gian khổ nhưng biết ý con đã quyết, bà Nhiên chỉ dám trách “yêu” rằng: “Đi chi ngoài xa dữ rứa con?”. Trong câu chuyện kể cho tôi, bà Nhiên bảo rằng bà đã phải tin sự thật rằng đứa con trai vốn ít nói, nhỏ nhắn, sống tình cảm của mình đã rất vững vàng, chính chắn. “Ngoài đảo có sóng điện thoại nên cứ vài ba ngày, Tuấn vẫn gọi vào để thăm hỏi sức khỏe của gia đình, bè bạn ở đất liền. Nhưng cũng chỉ có vậy thôi chứ qua hàng ngàn cuộc điện thoại, Tuấn không bao giờ nói về khó khăn, gian khổ...”, bà Nhiên kể.
Chờ 3 năm để gặp...3 tiếng
Hơn 13 giờ ngày 27.4, những chiếc xuồng CQ đưa chúng tôi cùng bà Nhiên lên đảo Song Tử Tây, hòn đảo phía bắc của quần đảo Trường Sa. Giữa cái nắng thiêu da người, đại đức Thích Nhuận Đạt đã chờ sẵn nơi cầu tàu. Ông ôm lấy người mẹ của mình, cười mãn nguyện, nói: “Con đứng đây chờ mẹ từ lúc 11 giờ trưa”. Trong khi, bà Nhiên vội vàng lấy tà áo lau những giọt nước mắt hạnh phúc... “Gần ba năm rồi, đây là lần đầu tiên bà được ra thăm tôi và cũng là lần đầu tiên trong đời bà đặt chân ra Trường Sa”, đại đức Thích Nhuận Đạt tâm sự.

Con chững chạc, trưởng thành hơn khi ra Trường Sa

Sau giây phút bồi hồi, cảm động, các ông bố bà mẹ cảm thấy yên tâm khi con mình cứng cáp, rắn rỏi và biết quan tâm người khác hơn sau những ngày làm nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa.

Vuốt mồ hôi nhễ nhại, bà Nhiên nở nụ cười sung sướng và bảo rằng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có cơ hội để được ra đảo thăm Tuấn, chuyến đi này với tôi như một...giấc mơ. Bởi, ngoài việc hoàn thành tâm nguyện của người mẹ là ra xem chỗ ăn ở, tu thiền của con thì tôi cũng đã hoàn thành tâm nguyện của một con dân đất Việt, được một lần vốc lên nắm đất quê hương giữa biển trời này”.
Biết tâm niệm của mẹ, sau khi trò chuyện về tình hình gia đình, đại đức Thích Nhuận Đạt dành hầu hết thời gian để đưa mẹ đến thăm cột mốc chủ quyền, ngọn hải đăng, tượng đài Trần Hưng Đạo, trường học và các nhà dân...trên đảo.
Một góc chùa Song Tử Tây. Nguyễn Phúc

Một góc đảo Song Tử Tây. Nguyễn Phúc

Ở chùa Song Tử Tây này, ông “vừa làm vua, vừa làm lính”, phải tự chăm sóc cho mình, tự nấu cơm, tự giặt giũ, tự sắp xếp thời gian nghiên cứu sách vở, tu thiền... “Nếu tuổi trẻ mà tôi không xông pha thì về già làm sao đủ sức ra đảo, làm sao cống hiến cho đức Phật và đất nước”, quay sang phía tôi, đại đức Thích Nhuận Đạt nói. Ông còn bảo rằng, dù khoác trên mình tấm áo cà sa nhưng bản thân ông rất mê chơi thể thao, từ bóng đá, bóng bàn đến bóng chuyền... ông đều chơi tốt. “Ở trên hòn đảo bé nhỏ này, mình phải tự tạo niềm vui thích để vừa rèn luyện sức khỏe vừa giữ vững tinh thần lạc quan...”, đại đức Thích Nhuận Đạt nói.
Ba giờ đồng hồ trôi qua thật nhanh, bước chân của hai mẹ con cuối cùng cũng phải hướng về phía cầu tàu, nơi... rất buồn vì man mác sự chia xa. Mắt rươm rướm nhưng bà Nhiên vẫn nói cứng rằng: “Mẹ nào chả muốn ở lại với con thật lâu nhưng mình sống có tổ chức tập thể, đâu cứ phải muốn mà được”. Xuồng đã chạy đến gần tàu 571, tôi và bà Nhiên ngoái lại, vẫn còn thấy một bóng người, với chiếc nâu sòng đứng đó, tay vẫy vẫy không thôi!
Chỗ dựa tinh thần cho dân đảo
Theo đại đức Thích Nhuận Đạt, với điều kiện như ở trên đảo, ông khó có điều kiện giúp phật tử về vật chất nhưng bản thân ông là một chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trên đảo. “Chính bởi vậy nên tôi càng quyết tu thiền, tạo cho mình một lối sống lạc quan, một ý chí vững vàng. Bởi nếu tôi lung lay thì dân đảo sẽ mất đi một chỗ dựa”, đại đức Thích Nhuận Đạt tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.