Tập tục lạ vùng cao: Bản bắt vạ tội ‘ăn cơm trước kẻng’

13/10/2015 09:21 GMT+7

Nhiều bản làng vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi tập trung người đồng bào C’Tu, Tà Ôi, Pa Kô... còn tồn tại nhiều tập tục lạ...

Nhiều bản làng vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi tập trung người đồng bào C’Tu, Tà Ôi, Pa Kô... còn tồn tại nhiều tập tục lạ...

Ông Trần Ngọc Thêm, già làng bản Hạ Long (xã Phong Mỹ) nói chuyện về điều lệ của bản làn - Ảnh: Tuyết KhoaÔng Trần Ngọc Thêm, già làng bản Hạ Long (xã Phong Mỹ) nói chuyện về điều lệ của bản làn - Ảnh: Tuyết Khoa
Từ xưa đến nay, đồng bào Pa Hy (xã Phong Thủy, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) vẫn còn lưu giữ nhiều tập tục mang đậm bản sắc truyền thống. Đồng bào Pa Hy tập trung sống ở hai bản Hạ Long và Khe Tre. Mặc dù dân không đông, bản Hạ Long với khoảng 350 nhân khẩu, bản Khe Tre với trên 200 nhân khẩu, nhưng những tập tục, điều lệ của bản vẫn được tuân thủ bao đời, hầu như ai cũng phải tuân theo. Trong số đó, điều lệ về vấn đề “ăn cơm trước kẻng” đặc biệt được quan tâm. Điều này thể hiện qua hình phạt của bản làng dành cho ai phạm phải tội này.
Mang lại điềm xấu cho bản làng
Theo tập tục của đồng bào Pa Hy, gia đình nào có con gái mang thai khi chưa có chồng thì phải tìm bằng được cha đứa trẻ là ai để bản bắt vạ. Bản bắt vạ bằng mâm lễ gồm 5 con gà, một con heo. Mâm lễ này được cúng ở nhà cộng đồng. Trước sự có mặt của dân bản và già làng, gia đình nam nữ cùng đôi nam nữ phải nhận lỗi. Sau đó, gia đình hai bên chịu trách nhiệm tổ chức hôn lễ cho con. Lễ vật do bên nhà trai lo hoàn toàn. Trường hợp không tìm ra cha đứa trẻ là ai thì nhà nữ phải lo hết. Trước đó, gia đình cùng bà con trong họ phải có mâm lễ tạ tội với tổ tiên, ông bà, trời đất tại nhà trước khi ra làng bản cúng.
Bà Hồ Thị Hương (57 tuổi, trú tại bản Hạ Long): “Gia đình có con gái mang bầu khi chưa có chồng là điều nhơ nhớp cho trời cho đất, mang lại điều không hay cho dân bản. Nếu có người chịu trách nhiệm cái thai đó thì cái tiếng xấu ít hơn. Nếu không tìm ra chủ nhân cái thai thì xấu hổ cả nhà, đi mô thì không được ngủ lại nhà người khác. Vì rứa, không ít người phải đi tìm chồng cho con để che đậy gây ra không ít chuyện buồn. Mới mấy tháng trước, con Hiên nhà gần đây, chưa chồng mà mang thai. Cái bụng to chỉ ru rú trong nhà nên bị bản bắt vạ. Mới biết nó với thằng Châu trong bản đi rẫy rồi lấy nhau có bầu. Sau khi bắt vạ, hai đứa cưới nhau và về ở với nhau rồi…”.
Điều đặc biệt, dù chàng trai cô gái đã đám hỏi (tức đính hôn) thì khi có bầu vẫn bị bản bắt vạ và chịu hình phạt như trên. Chỉ khi đã đám cưới và về ở với nhau mới chính thức là vợ là chồng.
Ông Trần Ngọc Thêm (78 tuổi, trú tại bản Hạ Long) cho biết: “Thực ra mức phạt hiên nay đã rất nhẹ so với trước. Ngày xưa, nhưng trường hợp này bị bản phạt bằng trâu, bò với nhiều lễ vật như gà, nếp, gạo, bánh để tế trời. Nếu chữa hoang không biết cha đứa trẻ có khi bị làng đánh đến chết. Hoặc phải bỏ bản vào rừng sống cô độc”.
Theo ông, trước đây rất hiếm người phạm phải vì ai cũng sợ. Nhưng những năm gần đây, năm nào cũng có người vi phạm quy định này. Mặc dù, sau mỗi trường hợp như thế, bản làng đã họp bàn, phê bình những gia đình có con em vi phạm, nhắc nhở trai gái trong bản.
Ông Lê Văn Nối, Trưởng bản Hạ Long cho biết: “Quan hệ bất chính là một trong những tội nặng nhất của bản. Bản bắt vạ cũng chỉ muốn điều tốt cho mọi người, răn đe để giữ nếp làng nếp bản. Bản làng thì phải có điều lệ buộc cộng đồng phải nghe theo. Nhờ những điều lệ cứng rắn đó mà bản làng trong sạch hơn, điềm xấu ít hơn…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.