Thả thiên đăng, coi chừng "bà hỏa"!

24/09/2007 22:39 GMT+7

Đêm Trung thu, thanh niên khắp nơi lại xôn xao kế hoạch đi chơi rằm. Năm nay, rất nhiều bạn trẻ Hà thành chọn cho mình một kế hoạch Trung thu "lung linh màu sắc" từ những ngọn thiên đăng bay lơ lửng trên không. Thế nhưng, ước mơ của bạn cũng dễ thành... tro nếu lỡ gây hỏa hoạn.

Mỗi ngọn đèn, một ước mơ

Khi một chiếc đèn trời rực sáng và bay lên không trung, tất cả mọi người cùng nhắm mắt ước một điều. Người ta nói, đèn trời bay càng cao, thì ước mơ càng dễ thành hiện thực. "Năm trước, nhóm mình mua 10 chiếc đèn về thả. Cả bọn cùng châm lửa và ước nguyện, thấy rất thú vị. Chỉ là ước cho vui chứ không phải tin vào lời kể, nhưng khi nhìn những đốm lửa lơ lửng ở trên không, ai cũng hy vọng vào một điều gì đó", Nam - một thành viên tham gia kế hoạch "thả đèn trời đêm Trung thu" chia sẻ.  

Xung quanh chiếc đèn trời, còn tồn tại rất nhiều những câu chuyện lãng mạn lẫn hài hước. Tùng - SV Học viện Quan hệ quốc tế (Hà Nội) kể lại kỷ niệm đáng nhớ của mình mùa Trung thu trước. Cậu hì hụi làm một chiếc đèn trời thật to tặng bạn gái, với hy vọng hai người có thể hưởng cảm giác lãng mạn, cùng nắm tay ước nguyện dưới ánh sáng chiếu từ trên cao. Nhưng đến khi châm lửa vào bấc, do vị trí đặt bấc không chuẩn nên chiếc đèn vừa bay đã lảo đảo rơi xuống đất, vì lửa tạt vào vỏ giấy gây cháy. "Vậy là thay vì ngước nhìn và ước nguyện, bọn mình đã nắm tay ngồi quanh đống lửa phía dưới và nói cho nhau nghe những điều ước của mình. Nhưng điều đó lại làm đêm trung thu trở nên thú vị hơn", Tùng cười lém lỉnh.  

Trung thu cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân có điều kiện giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có HIV... Rất nhiều các chương trình từ thiện đã được lên kế hoạch thực hiện. Với mục đích tổ chức một Trung thu từ thiện như vậy, nhóm Chung tay - một nhóm bạn trẻ tình nguyện giúp đỡ những trẻ em có HIV, đã tổ chức Lễ hội đèn trời tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Ba Vì, Hà Tây vào ngày 23.9. "Những điều ước của các em được dán lên chiếc đèn lồng và được gió đưa đi thật cao, thật xa, để đem lại niềm vui cho các em và mang đến cho các em một Trung thu thật ý nghĩa", các thành viên trong nhóm thầm mong ước. Những em bé ở đây chắc chắn có được một đêm trung thu đáng nhớ, bởi các anh, chị trên đã nỗ lực hết sức mình để hoàn thành kế hoạch của mình.

Coi chừng "bà hỏa" !

"Thả đèn trời cho cảm giác rất lãng mạn và thích thú, tuy nhiên, phải thả ở những địa điểm vắng, gió không quá mạnh, thì mới lung linh, hấp dẫn". Một bạn trong nhóm "thả đèn trời đêm Trung thu" cho biết. Các địa điểm quen thuộc được lựa chọn là phía trước Sân vận động Mỹ Đình, khu vực bờ đê ngoại thành cách Hà Nội từ 15 - 20 km (như bờ đê cầu sông Đuống), hay trên cầu Long Biên.  

Tuy nhiên, vấn đề trật tự an toàn giao thông cũng như an toàn khi chơi "thả lửa" là rất quan trọng. "Khung đèn trời thường làm bằng tre, nứa, bao quanh là giấy nên rất dễ bắt lửa. Bấc đèn lại được làm bằng vải, sợi... tẩm dầu, mỡ bò để cháy được lâu, do đó rất dễ gây hỏa hoạn hoặc tai nạn nếu đèn bị cháy rơi xuống nhà dân hoặc người đi đường", bác Cường - một nghệ nhân làm đèn trời cảnh báo. Bác nói thêm: "Ở những nơi lộng gió, đèn có thể bị đẩy đi xa tới 5-10 km, không thể kiểm soát được hướng bay và nơi nó rơi xuống. Do đó, nếu muốn chơi thả đèn thì phải tìm một nơi thật xa khu dân cư".

Còn bác Thịnh, thuộc đội bảo vệ chân cầu Long Biên cho biết: "Tối 19.9, có một nhóm sinh viên mang đèn trời lên giữa cầu thả thử dù chưa được chúng tôi cho phép. Do đó đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông trên cầu vì người đi đường đứng lại xem thả đèn. Hơn nữa, tuy chưa có trường hợp tai nạn do lửa nào xảy ra, nhưng cần phải đề phòng trường hợp những chiếc đèn bị cháy có thể "táp" xuống đầu người nào đó gây nguy hiểm. Lãng mạn, thích thú nhưng cần đảm bảo an toàn - đó là điều mà các nhóm tổ chức chơi thả đèn cần nghiêm túc thực hiện". 

Tạ Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.