Thanh bần hoa

31/08/2008 14:08 GMT+7

Hằng năm, cứ vào dịp thiên hạ xôn xao đi hái lá mồng năm, nhiều người liên tưởng đến danh sĩ nổi tiếng trung nghĩa thời cổ đại bên Trung Quốc: Khuất Nguyên. Làm đến chức quan đại phu, bởi có kẻ gièm pha mà Khuất Nguyên bị Sở Hoài Vương không tin dùng. Sống đục không bằng thác trong, vị Tam Lư đại phu ấy đã trầm mình xuống dòng Mịch La, tương truyền vào ngày mồng năm tháng năm.

Trong rất nhiều lời đồn đoán, có giả thuyết ngày mồng năm tháng năm là dịp thiên hạ làm những chiếc bánh trôi nước thả xuống sông để tưởng tiếc Tam Lư tiên sinh, cho cá thôi không làm phiền thân xác... Chuyện kể về Khuất Nguyên cũng thuật lại rằng, những ngày bị ruồng bỏ, ông thường kết hoa lan (bội lan) quanh cổ, vừa đi vừa nghêu ngao hát trên bờ đầm.

Hoa lan, thứ "vương giả hương" ấy, với phong thái thanh khiết bội lan của Khuất Nguyên kia, khiến tôi nhớ đến Trung niên thi sĩ Bùi Giáng "hỏi tên rằng biển xanh dâu/hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa". Không ít lần họ Bùi mượn hình ảnh "bội lan" ngõ hầu nhắc nhở mình về một tâm hồn, một nhân cách bất phàm để đời. Nhưng đâu đó trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, mục Hoa thảo, tác giả lại có ý "chê" những kẻ cầu kỳ thái quá khi chăm bón lan mà quên rằng phải biết lấy cái phẩm cách lan để thưởng lan.

Ấy là bởi con người tự đặt để ra vậy. Cũng theo Chiêu Hổ tiên sinh, cái thói cầu kỳ kia cứ khiến cho loài lan thanh nhã ngày một cách xa với đặc tính của khóm lan lặng lẽ mọc ở hang núi Qui Mông, nơi Khổng Tử dừng xe đàn hát ngợi khen loài hoa cao quý mà người đời không hay biết; hoặc vòng hoa lan Khuất Nguyên từng đeo bên bờ sông Tương...

Nhắc đến loài hoa mệnh danh vương giả hương, dẫu được nhiều người lưu tâm rằng nên lấy sự giản dị để đối đãi, tôi cũng lại nghĩ về loại cây cứ mãi sinh trưởng ở miền cát bỏng miền Trung quê tôi như một sự hắt hủi: xương rồng. Trong sắc nhọn và tua tủa gai nơi thân cây mọng nước để chống chọi với khô cằn, xương rồng vẫn nở ra, những đóa hoa chưa hẳn gọi là đẹp. Như một sứ mệnh mà tạo hóa đã giao phó cho mỗi sự vật, hoa xương rồng cứ đáo kỳ lại nở, vừa chu toàn phần việc sinh trưởng và cũng biết làm đẹp cho riêng mình.

Cái đẹp không cần ai biết, không rỡ ràng khoe sắc, không ồn ào náo nhiệt. Nó khiêm nhường và phảng phất có một phần thanh nhã như cánh lan mà Khổng Tử thoáng gặp ở u cốc. Loài hoa thanh bần chỉ dành cho những con người thanh bần sống với nó trọn cuộc đời, đến mùa đông mưa bão lại vui niềm vui xương rồng trổ hoa, phải chăng cũng là một ân huệ nho nhỏ được ban phát công bằng: ai cũng có quyền phô bày và chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của cuộc sống.

Chu Thụy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.