Thay đổi

14/02/2009 18:28 GMT+7

Ông lão ăn xin gầy gò đứng cạnh chốt giao thông ở ngã tư đường, gương mặt xấu xí đến quái dị. Gương mặt ấy có thể là những gì còn lại sau một ca a-xít, cô gái nghĩ vậy, mặc dù cô chưa trông thấy người bị tạt a-xít bao giờ. Đôi mắt ông lão bị lòa, nhưng chắc đôi tai còn nghe được.

Ông nghe tiếng xe ngừng lại khi đèn đỏ, để xoay bốn phía gây sự chú ý, rồi chìa cái nón lật ngửa ra sát đường. Đèn xanh, dòng xe chuyển động ồn ào, ông thu cái nón lại và bất động.

Lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt đó, cô gái muốn thét lên kinh sợ. Nhưng rồi cô không thét, cũng không có can đảm ngừng xe cạnh ông lão để cho ít tiền vào cái nón. Đèn xanh, cô luống cuống nhấn ga. Đằng sau cặp kính mát, chiếc khẩu trang là những dòng nước mắt lặng lẽ tuôn. Cô không hiểu vì sao mình khóc.

Ngày qua ngày, trên con đường quen thuộc mỗi sáng đi làm, thỉnh thoảng cô gái trông thấy ông lão ấy. Không còn quá sợ hãi như lần đầu, đã đủ can đảm cho vào cái nón năm ngàn đồng, nhưng nước mắt cô vẫn cứ tuôn. Từ khi gặp ông lão, cô bắt đầu có thói quen quan sát những người bất hạnh. Chàng trai bán vé số với đôi chân teo tóp. Cô gái trên xe lăn vào cổng một trường dạy nghề. Người mù nghèo khóc khi nhận quà từ thiện. Và cả những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa mà không hề biết mình mang trong người căn bệnh quái ác của mẹ cha.

Thói quen ấy vô tình đem lại cho cô gái sự xấu hổ trước đây chưa từng có. Mới hôm nào, cô còn phàn nàn với mẹ là da con xấu quá, chưa đến ba mươi tuổi mà đã có nếp nhăn. Hôm nào nữa, cô lại nói ngón tay con quá to, chắc do “di truyền” từ ông bà làm nông cực nhọc. Thỉnh thoảng, cô càu nhàu với bạn bè rằng phải chi mình cao ráo và gọn gàng hơn một chút để dễ mặc quần áo, để không bị “chìm lỉm” trong đám đông. Tóm lại, cô có hàng tá thứ để phàn nàn, trên cơ thể lành lặn của mình.

Và giờ đây, cô thấy mình cần phải thay đổi. Cô hiểu, mình đã may mắn hơn rất nhiều người...  

M.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.