Thủ cung sa

26/09/2010 14:29 GMT+7

(TNTS) Thủ cung sa là một khái niệm thật lạ trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Sách y học cổ Trung Quốc gọi bộ phận sinh dục của người phụ nữ là xuân cung bởi về mặt cấu tạo, chữ Xuân (9 nét) trong tự dạng Hán văn là tượng hình của bộ phận này. Sa là dấu vết một hạt châu đỏ nằm dưới da trên cánh tay của người phụ nữ. Thủ cung sa là dấu hạt châu đỏ trên cánh tay, có nhiệm vụ giữ gìn xuân cung của người phụ nữ, nói lên người ấy vẫn còn trong trắng.

Hán thư (Sách nhà Hán) cho biết cách tạo thủ cung sa. Người ta bắt một con tắc kè, nuôi cho nó ăn đủ 7 cân thần sa. Thần sa là loại cát đỏ tươi, rất mịn, chỉ ở đất Thần Châu mới có (Đào Duy Anh - Hán Việt từ điển). Đập chết con tắc kè, giã và vắt xác nó lấy được một loại máu rất đỏ. Chấm nhẹ lên cánh tay cô gái một chấm, loại máu ấy thấm qua lớp ngoại biểu bì, tạo ra một vệt son đỏ tươi, uy nghi lộng lẫy. Vết son đỏ tươi ấy là biểu hiện của sự trong trắng, được gọi tên là thủ cung sa. Nếu cô gái lớn lên có chồng, hay vì một lý do nào đó mất đi sự trong trắng thì vết thủ cung sa tự động biến mất. Vậy việc còn hay mất thủ cung sa là chứng cứ ngoại quan giúp người ta phân biệt người phụ nữ còn trong trắng với người phụ nữ đã mất trong trắng.

Những nhân vật nữ trong tiểu thuyết Kim Dung rất chăm chút giữ gìn thủ cung sa của họ. Mất dấu thủ cung sa được coi là một tội lỗi lớn. Tiểu Long Nữ trong Thần điêu hiệp lữ, chưởng môn phái Cổ Mộ, bị gã hàng xóm phái Toàn Chân Doãn Chí Bình cưỡng đoạt tình dục nên mất vết thủ cung sa. Sư tỷ của cô là Lý Mạc Sầu ganh tỵ, cứ tìm mọi cách buộc cô phải khai ra chuyện ăn ở với ai.

Mai Phương Cô trong Hiệp khách hành có một thời thầm yêu trộm nhớ Thạch Thanh. Cô đã lén bắt đứa con nhỏ mới mấy tháng tuổi của Thạch Thanh về nuôi dưỡng. Vợ của Thạch Thanh là Mẫn Nhu vẫn ghen ghét với cô, cho rằng cô đã từng chăn gối với chồng mình, sinh con ngoại hôn. Đoạn kết của tác phẩm thật buồn: Mai Phương Cô tự vẫn, cánh tay áo rách để lộ ra trên làn da tay trắng một dấu thủ cung sa đỏ tươi. Tác giả không giải thích thêm nhưng người đọc biết Mai Phương Cô vẫn còn trong trắng và suy nghĩ của Mẫn Nhu là sai lầm. Đứa bé ấy là con của Thạch Thanh và Mẫn Nhu.

Quan điểm về đạo đức tình dục đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cổ điển Trung Quốc thật khắt khe. Có nhiều lý do khác có thể khiến một người phụ nữ bình thường bị rách xử nữ mạc (màng trinh) trong xuân cung như cưỡi ngựa, leo trèo, chạy nhảy, bị té… Thế nhưng, các nhà đạo đức Trung Quốc cổ không cần quan tâm đến các lý do đó. Họ cứ xem người phụ nữ không còn trong trắng trước hôn nhân là phụ nữ hư đốn. Và xã hội cổ Trung Quốc đã dùng đến hình phạt dã man nhất, bắt họ thả trôi sông.

Kim Dung muốn bảo vệ phẩm giá những nhân vật nữ của mình qua hình tượng vết thủ cung sa trên cánh tay. Thế nhưng cả Hán thư và tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đều không cắt nghĩa được sự liên quan hữu cơ giữa trinh tiết của người phụ nữ (còn nguyên vẹn xử nữ mạc trong xuân cung) và vết thủ cung sa (ngoài cánh tay). Nghĩa là cả hai đều không giải thích được tại sao người phụ nữ rách mất xử nữ mạc thì vết thủ cung sa biến mất?

Kim Dung cũng không giải thích nếu một phụ nữ vì một lý do nào đó bị rách xử nữ mạc dẫn đến chuyện mất dấu thủ cung sa thì họ có thể tái tạo vết thủ cung sa lại được hay không. Bởi chuyện nuôi con tắc kè cho ăn đủ 7 cân thần sa rồi đập chết lấy máu là chuyện dễ, một gia đình bình thường nào trong xã hội Trung Quốc xưa cũng làm được. Bởi nếu tạo lại được vết thủ cung sa thì phụ nữ Trung Quốc, xin lỗi, không còn sợ việc mất nó mà gia công tự giữ gìn nữa. Nếu chơi kiểu này thì e là người đàn bà có sáu mặt con vẫn còn trong trắng! Đến chừng đó, ai chết ráng chịu.

Cùng với việc mở cửa hiện đại hóa, một làn sóng mới về quan niệm tình dục trước hôn nhân cũng lan rộng trong giới trẻ Trung Quốc. Con cháu của các vị Khổng Tử, Trình Di, Trình Hạo… ngày nay không còn “thọ thọ bất thân” nữa. Họ cũng đóng phim sex, phim cấp 3, thoát y chụp ảnh post lên mạng internet mà chẳng chút tự hào hay mắc cỡ về chuyện còn hay mất thủ cung sa.

Xã hội Trung Quốc hiện nay đang có hiện tượng thừa trai thiếu gái. Thừa trai thiếu gái có nghĩa là mối cân đối về hôn nhân sẽ mất thăng bằng, sẽ có nhiều chàng trai Trung Quốc khó tìm ra đối tượng phụ nữ để lập gia đình. Họ có thể phải đi sang những nước khác để tìm vợ. Cho nên, vị thế của các tiểu muội muội Trung Quốc sẽ lên ngôi. Và việc các vị tiểu muội muội ấy có còn trong trắng hay không cũng không còn là chuyện đáng quan tâm nữa. Cưới được vợ là tốt số rồi.

Tuy nhiên, một số vị làm hàng giả của nước này đã cố gắng động viên các cô em nhát gan đừng lo ngại chuyện không còn trong trắng. Vâng, họ là những người đầu tiên của thế giới chế ra cái màng trinh  giả bày bán trong nội địa và xuất khẩu sang các nước lân cận. Đồ giả thì không phải là đồ thật. Ta hiểu mục đích của màng trinh giả này là đánh lừa người đàn ông, ít nhất là đánh lừa chàng trai trong đêm tân hôn. Người mua nó và dùng nó không bị lừa chút nào. Bởi họ biết rõ mục đích dùng nó. Ai chết ráng chịu!

Một khi đã có cái màng trinh giả bày bán lềnh khênh trên thị trường thì người ta yên tâm, không còn lo chuyện còn hay không còn trong trắng nữa. Cái món thủ cung sa phiền toái mà Hán thư và nhà tiểu thuyết Kim Dung đã nhắc đến gần như phá sản. Các tiểu muội muội có thể yên tâm hành tẩu giang hồ mà không sợ bất kỳ một thằng Thái hoa dâm tặc Điền Bá Quang nào làm bậy.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.