Thực phẩm trộn chất ung thư: Người dân bất lực, ra chợ không biết mua gì

13/04/2016 08:30 GMT+7

Trước thông tin măng tươi, dưa cải muối bị nhiễm chất Auramine O (chất vàng ô) có thể gây ung thư, nhiều người dân tại TP.Đà Nẵng đã bỏ thói quen chế biến thức ăn từ các loại thực phẩm trên.

Trước thông tin măng tươi, dưa cải muối bị nhiễm chất Auramine O (chất vàng ô) có thể gây ung thư, nhiều người dân tại TP.Đà Nẵng đã bỏ thói quen chế biến thức ăn từ các loại thực phẩm trên.

Chợ Hòa Cường (TP.Đà Nẵng) nơi có thực phẩm được xác định có chất vàng ô độc hạiChợ Hòa Cường (TP.Đà Nẵng) nơi có thực phẩm được xác định có chất vàng ô độc hại
Đoạn tuyệt chất vàng ô?
Ngày 10.4, PV Thanh Niên đã tìm đến chợ đầu mối Hòa Cường (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và gặp nhiều tiểu thương bán hai loại thực phẩm đã nêu. Tại một quầy bán rau nhỏ giữa chợ, khi PV đặt nghi vấn có hay không chất vàng ô trong mớ dưa cải muối, người bán hàng cho biết những ngày qua lực lượng chức năng kiểm tra liên tục nên các tiểu thương bán hàng đã tự giác không dùng chất vàng ô để nhuộm nữa. “Tui cũng không biết chất vàng ô độc hại đến như vậy.
Giờ không ai dám bỏ chất đó vào nữa đâu. Cán bộ kiểm tra mà phát hiện có vàng ô là tụi tui không còn được bán nữa”, người này thông tin và cho biết thêm hai loại măng tươi, dưa cải muối tại chợ Hòa Cường đến thời điểm này đã “sạch” hoàn toàn. Tuy nhiên, do người mua vẫn chưa hết lo ngại cho sức khỏe của gia đình mình nên việc buôn bán thực phẩm này rất ế ẩm.
Chị H.T. (trú tại P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) cho hay gia đình chị ít khi ăn măng tươi vì món này sử dụng nhiều cũng không tốt cho sức khỏe nhưng riêng món dưa cải muối là khoái khẩu của cả nhà. Theo chị T., kể từ khi có thông tin hai loại thực phẩm bị nhiễm chất vàng ô, chị sợ nên quyết định từ nay sẽ không sử dụng nữa.
“Qua đọc báo, tôi được biết, chất vàng ô nhuộm lên sẽ khiến thực phẩm có màu vàng không được tự nhiên. Nhưng nói thật tôi không phân biệt thế nào là vàng không tự nhiên. Người bỏ nhiều vàng ô thì đậm nên dễ biết, người cho ít thì vàng nhạt hơn. Thực phẩm nhuộm vàng ô trông sẽ như thế nào?”, chị T. băn khoăn. Chính vì nghĩ không thể nhận diện chính xác thực phẩm bẩn nên chị T. cho rằng, tốt nhất là không ăn để tránh mang bệnh về sau.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP công bố thông tin, ngoài 10 mẫu măng tươi thu thập tại các chợ được xác định có nhiễm chất độc vàng ô. Ngành chức năng cũng vừa phát hiện 7/7 mẫu dưa muối nhiễm chất độc hại này.
Tại cuộc họp mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng có những câu hỏi tương tự với các ngành liên quan. Ông Dũng cho rằng, phân biệt màu vàng có vàng ô hay không cũng tùy vào nhận định của từng người.
“Bây giờ bán thực phẩm mà trộn vàng ô vào thì cấm được rồi chứ còn gì mà phải chờ”, ông Dũng yêu cầu các ngành chức năng kiên quyết xử lý chứ không dừng lại ở việc tuyên truyền khiến người dân thêm hoang mang: “Nếu bắt được là cấm, đình chỉ, thu hồi ngay. Măng tươi là tự nhiên, ông trộn vào thì vi phạm rồi chứ gì nữa”, ông Dũng khẳng định.
Mở các điểm bán rau sạch
Theo Sở Y tế TP.Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hằng năm TP tiêu thụ khoảng 70.000 -80.000 tấn nông sản thực phẩm và khoảng 80.000 tấn sản phẩm chăn nuôi. Trong đó sản phẩm nông sản tại chỗ khoảng 16.000 tấn, còn sản phẩm chăn nuôi TP chỉ đáp ứng được 10-15%. Vì phần lớn thực phẩm được nhập từ nơi khác về nên theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT hiện khâu quản lý và truy xuất nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn, công tác kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm tốn nhiều thời gian…
Do vậy, để phân biệt được rau sạch hoặc không sạch là việc khó đối với người tiêu dùng. Ông Tám đề nghị TP cho xây dựng một khu bán rau sạch để dễ quản lý và nhận diện.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu nhìn nhận: “Bây giờ các bà nội trợ ra chợ không biết mua cái gì vì nhìn cái gì cũng nghi ngờ có độc”. Do vậy, ông Chương đồng quan điểm mỗi quận nên có vài nơi hoặc trong TP có các địa điểm công bố việc bán rau, thịt sạch. Tại đó sẽ ghi rõ nguồn gốc và khẳng định chất lượng để bà con nhân dân trồng rau có thể tiêu thụ vừa để người tiêu dùng yên tâm.
Ông Đặng Việt Dũng chỉ đạo: “TP đang thiếu đất trồng rau hay trồng rau không hấp dẫn thì phải có đề án để phát triển và ưu tiên tiêu thụ rau ở địa phương”. Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân về đạo đức trồng rau, chăn nuôi, các ngành cần có phương án xử phạt nếu nhắc nhở mà người sản xuất vẫn vi phạm. Ông Dũng cũng đồng ý với việc xây dựng khu vực bán thực phẩm sạch riêng biệt và ngành chức năng “phải chỉ cho được chỗ nào bán rau sạch”.
“Làm sao để bà con ra chợ biết chỗ nào bán rau sạch. Nếu không sạch thì ngành trực tiếp quản lý phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng nói. Ông cũng yêu cầu các ngành công thương, nông nghiệp và y tế phải rà soát lại các văn bản liên quan. Trên cơ sở căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để đề xuất TP xử lý trên “tinh thần được việc của TP”.
Lập “quả đấm thép” chống thực phẩm bẩn
Cho rằng nhiều sở cùng quản lý theo dõi các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm bị chồng chéo, manh mún khiến hiệu quả kém, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu các ngành liên quan nghiên cứu lập ra một tổ chức chuyên biệt để chống thực phẩm bẩn. “Hình thành một bộ máy riêng như vậy, có một quả đấm thép như thế để tập trung lực lượng. Có một ông lúc nào cũng lo lắng về an toàn thực phẩm, lúc nào cũng nghĩ đến an toàn thực phẩm, ăn cũng nghĩ, ngủ cũng nghĩ, đi chơi cũng nghĩ… thì may ra mới hiệu quả”, ông Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.