Tôi có ý kiến: Giúp nông dân vượt qua đại hạn

16/02/2016 05:25 GMT+7

Bài viết Đối mặt đại hạn trên Thanh Niên ngày 15.2 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc hiến kế giúp nông dân vượt qua khó khăn.

Bài viết Đối mặt đại hạn trên Thanh Niên ngày 15.2 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc hiến kế giúp nông dân vượt qua khó khăn.

Lo cho bà con nông dân
Khí hậu thay đổi, hạn hán kéo dài sẽ khiến bà con nông dân vô cùng khổ sở. Nhìn cảnh ruộng khô nước, cây cà phê héo queo mà xót xa quá. Nước ta chưa có trình độ kỹ thuật phát triển vượt trội để làm mưa nhân tạo hòng cứu nông dân thoát khỏi hạn hán nên nhà nước phải tính toán, có phương án nào đó tối ưu giúp nông dân trong mùa khô hạn.
Đào Thanh Dung (TP.Tân An, Long An)
Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Mấy năm trước, TP.Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước do các dòng sông đổ về thành phố đều bị các thủy điện chặn dòng chảy. Với nạn đại hạn sắp tới, liệu TP.Đà Nẵng có bị thiếu nước sinh hoạt không khi mà các thủy điện đầu nguồn sẽ tranh nhau giữ nước cũng như nhu cầu lấy nước tưới tiêu ở các vùng đầu nguồn và dọc các sông đổ về Đà Nẵng ngày càng cao? Là công dân TP.Đà Nẵng, tôi thấy lo trước thông tin này.
Nguyễn Tiến Minh (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng)
Cần thêm thông tin thời tiết
Khí hậu những năm gần đây đúng là quá lạ. Miền Trung không hề có đợt lũ nào vào mùa mưa năm qua, cái lạnh cũng đến muộn và qua nhanh, chứng tỏ hạn hán dự báo sẽ rất gay gắt trong năm nay. Thiết nghĩ báo chí cần đưa nhiều thông tin về diễn biến khí hậu để người dân hiểu và có phương án đối phó, nhất là bà con nông dân.
Trần Thị Phương Quỳnh (P.4, Q.6, TP.HCM)
Giảm thất thoát
Nước ta vốn được thiên nhiên ưu ái, nước sạch nhiều, nước tưới tiêu cũng nhiều. Chính vì vậy nông dân ít có phương án giảm thất thoát nước cũng như tích trữ nước. Đây là một thiệt thòi cho nông dân. Để đối phó với đại hạn sắp đến, đúng là cần phải giảm thất thoát nước, nhưng giảm thế nào, phương pháp ra làm sao thì có lẽ nhiều người mù tịt. Chính quyền, cơ quan chức năng cần hướng dẫn, giúp bà con trong vấn đề này.
Võ Mạnh Linh (H.Cần Giuộc, Long An)
Đào ao tích nước
Ở Ninh Thuận, tỉnh thường xuyên xảy ra khô hạn, người dân chủ động đào ao để chống hạn hán. Ao vừa tích nước mưa, tích nước ngầm, từ đó giúp vườn tược tươi mát và có nước để tưới tiêu vào mùa khô. Đây là cách hay, bà con nông dân ở miền Trung, Tây nguyên nên làm theo để ứng phó với đại hạn sắp đến.
Hồ Minh Hoài (TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Điều tiết các dòng sông
Ở Thái Lan, để chống hạn hán cho các vựa lúa, chính phủ nước này đã chi tiền để thực hiện phương án điều tiết nước ở các dòng sông lớn và phương án này đã mang lại thành công nhất định. Hầu hết các tỉnh thành của ta đều có các con sông chảy qua. Nếu chính quyền cũng có phương án điều tiết nước ở các sông thì có lẽ tình trạng thiếu nước tưới tiêu cho đồng ruộng, hoa màu vào mùa khô hạn sẽ được giải quyết.
Nguyễn Anh Thư (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM)
Chính quyền địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nguy cơ hạn hán đến các hộ dân. Qua đó, người dân và chính quyền cùng bàn cách giữ nước, thay đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với nạn hạn hán sắp tới.
Nguyễn Đình Vinh (TP.Huế)
Theo tôi, với tình trạng hạn hán như hiện nay, khi gieo trồng bà con nông dân nên chọn cây ngắn ngày, chịu được hạn hán thay vì trồng củ mì, lúa...
 
Nguyễn Hoàng Sang (Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.