Tôi có ý kiến: Phải nâng cao ý thức

03/02/2016 05:00 GMT+7

'Nếu khâu chuẩn bị cho các sự kiện đón tết không tốt và không nâng cao ý thức người dân thì việc giẫm nát hoa vẫn sẽ xảy ra'.

'Nếu khâu chuẩn bị cho các sự kiện đón tết không tốt và không nâng cao ý thức người dân thì việc giẫm nát hoa vẫn sẽ xảy ra'.

Đó là khẳng định của nhiều bạn đọc về bài viết Chơi xuân đừng giẫm hoa trên Thanh Niên số ra ngày 2.2.
Xót xa và xấu hổ
Sau tết thì báo chí lại tràn ngập thông tin hoa, cỏ bị giẫm nát, thậm chí có người còn bứng cả hoa nơi công cộng mang về trưng bày. Ấy là chưa kể tình trạng hái lộc trụi cây, bẻ cành… Đọc và thấy những hình ảnh ấy, bản thân tôi tuy không liên quan nhưng vẫn thấy rất xấu hổ, xót xa. Vậy mà những người trực tiếp hành động lại không hổ thẹn. Lạ thật. Đất nước ngày càng văn minh, con người lẽ ra cũng phải tiến bộ hơn, vậy mà vẫn còn một bộ phận quá thiếu ý thức, ảnh hưởng đến hình ảnh cả đất nước.
Bùi Thanh Phương (P.2, Q.3, TP.HCM)
Vô trách nhiệm
Nhiều người vẫn còn quan niệm cứ cái gì nơi công cộng thì không phải trách nhiệm quản lý của mình, cứ xài, phá nếu có thể. Đây là một quan niệm cực kỳ ấu trĩ, vô trách nhiệm, cần loại bỏ. Nên nhớ, khi bạn xử sự ở nơi công cộng, người khác sẽ biết rõ bạn là người có văn hóa hay không. Hãy bỏ đi ý nghĩ “hoa của người không phải của ta” nên giẫm được cứ giẫm, hái được cứ hái.
Võ Vũ Việt (TP.Châu Đốc, An Giang)
Ý thức xã hội
Ý thức xã hội có từ đâu nếu cả xã hội không cùng chung tay tạo nên? Bao năm qua, tình trạng giẫm, bẻ hoa diễn ra gần như thường xuyên ngoài Hà Nội, Đà Nẵng. Sau đó, báo chí lên tiếng rồi... thôi. Những người giẫm đạp hoa họ có đọc báo không? Theo tôi là rất ít. Vì vậy, cả xã hội phải cùng tạo cho nhau một ý thức. Cần tuyên truyền cho việc không giẫm đạp lên hoa, gắn các bảng “không giẫm đạp lên hoa, cỏ” ở các lối đi, vườn hoa, để cảnh báo về ý thức văn hóa của mỗi người.
Đào Thị Thu Thảo (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM)
Chỉ một bộ phận
Dịp tiễn ông Táo vừa qua, nhiều nhóm bạn trẻ Hà Nội đã đứng ở những cây cầu, bên cạnh các dòng sông nơi người dân thường thả cá chép để giăng khẩu hiệu “Thả cá, không thả bao ni lông”. Tại TP.HCM, trong đêm bắn pháo hoa Tết dương lịch vừa qua, nhiều bạn trẻ cũng vận động người xem pháo hoa không vứt rác bừa bãi. Đó là những việc làm rất thiết thực và mang lại hiệu quả nhất định. Nếu ai cũng nhắc nhở nhau, chính quyền, đơn vị tổ chức nhắc nhở những người tham gia lễ hội không giẫm đạp hoa, nếu vi phạm sẽ bị phạt… thì người này sẽ kiểm soát người kia, hạn chế thấp nhất việc làm sai.
Trần Thanh Tuyên (Cầu Giấy, Hà Nội)
Tăng cường tuyên truyền
Tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ đã có thói quen xếp hàng. Kết quả này có từ đâu? Từ sự học hỏi nhanh nhạy của giới trẻ qua giao lưu văn hóa và thông qua tuyên truyền, phổ biến. Những nơi nào có biển báo “vui lòng xếp hàng”, “xếp hàng là văn minh”… thì nơi đó tình trạng xếp hàng rất trật tự. Qua đó cho thấy biển báo, thông báo hướng dẫn hành vi của mọi người nơi công cộng là rất cần thiết và có tác dụng. Vì vậy, để hạn chế và chấm dứt hẳn việc giẫm đạp hoa, chúng ta cần phải tuyên truyền, thông báo mạnh mẽ.
Đào Văn Hưng (P.4, Q.6, TP.HCM)
Ban tổ chức các lễ hội nơi công cộng nên tuyển các tình nguyện viên cầm tấm bảng ghi dòng chữ “Xin đừng giẫm lên hoa”. Tôi tin rằng sẽ có nhiều người hưởng ứng. Và với việc làm này, tôi tin rằng sẽ hạn chế rất nhiều việc giẫm lên hoa.
Huỳnh Duy Thịnh (Q.8, TP.HCM)
Cần phải có phương án bảo vệ tài sản công cộng, trong đó có cả hoa. Nếu không bảo đảm được thì không nên cấp phép tổ chức. Hồ Gươm là nơi rất rộng nhưng chỉ thích hợp để người dân dạo chơi, không thích hợp để tổ chức các sự kiện thu hút quá đông người. Nên chăng cần nghiên cứu các địa điểm khác thay cho địa điểm truyền thống bấy lâu nay.
Cao Văn Nhân (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.