Tông bé gái lao ra đường: Bỏ chạy thì nặng tội, dừng lại thì 'ăn đòn'

12/05/2016 20:39 GMT+7

Tất cả các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đều là ngoài mong muốn. Thế nhưng, nhiều trường hợp người nhà nạn nhân xót xa, chưa biết đúng sai thế nào vẫn nhào tới đánh tới tấp người liên quan.

Mới đây, một tài khoản facebook đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh anh bị 2 người đàn ông lao ra đánh sau khi tông trúng một bé gái đang băng qua đường. Trong trường hợp này, anh tài xế sau khi va quẹt với bé gái đã chủ động quay lại hỏi thăm tình hình của nạn nhân. Nhưng xui cho anh, khi quay lại đã bị "ăn đòn". 
Đây là trường hợp rất phổ biến tại Việt Nam. Nếu người gây tai nạn bỏ chạy sẽ bị nhiều người rượt theo bắt và thậm chí "no đòn" hoặc bị khép vào khung hình phạt nặng hơn. Tuy nhiên, nếu người liên quan có thiện ý dừng lại thì như trường hợp trên cũng phải "ăn đòn".
Theo ý kiến của giới làm luật, hành vi đánh người trong bất cứ trường hợp nào cũng hoàn toàn vi phạm pháp luật.
VIDEO: Bé gái băng qua đường gặp tai nạn
Chủ nhân đoạn clip chia sẻ anh đã nhìn thấy 3 em nhỏ đang chơi cùng nhau trên đường nhưng bất ngờ một em băng ngang đường làm anh không xử lý kịp và tông trúng. Em bé ngã ra đường và khóc lớn, 2 người đàn ông được cho là người nhà của cháu bé thấy vậy lao đến đánh. Các luật sư (LS) khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật.
LS Nguyễn Tường Linh (Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) khẳng định trong bất kỳ trường hợp nào mọi người dân đều không được đánh người, kể cả khi xảy ra TNGT.
Theo LS Linh, trong trường hợp này có thể là do tâm lý bị tác động, khi trẻ ngã nằm nhoài ra đường người nhà "xót con" nên mới như vậy.
“Các bậc phụ huynh phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các cháu, việc để các cháu chạy chơi dưới lòng đường như vậy là rất nguy hiểm. Ở đây, phụ huynh của các cháu cũng có một phần lỗi. Hơn nữa, mọi người thường chưa biết ai đúng ai sai nhưng cứ nghĩ rằng xe máy tông người đi bộ thì người điều khiển xe máy là người sai. Nhưng dù sao hành vi đánh người vẫn là vi phạm pháp luật”, LS Linh nhận định.
Đồng quan điểm, LS Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) bổ sung rằng xảy ra TNGT đã có CSGT xử lý, nếu có gì thì người dân nên gọi công an đến lập biên bản để xem xét xử lý, tuyệt đối không được phép đánh người.
LS Thư cũng lưu ý thêm, nhiều vụ phát hiện ăn trộm rồi đánh tên trộm bầm dập, thậm chí đánh đến chết cũng là vi phạm pháp luật và đều bị xử lý vào tội Cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS 1999) hoặc tội Giết người (Điều 93 BLHS 1999).
Điều 104: Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

….

e) Có tổ chức;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.


Điều 93. Tội Giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.