Trả biển lại cho cộng đồng

12/03/2016 09:01 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nha Trang quyết dọn biển đăng trên Thanh Niên ngày 11.3.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nha Trang quyết dọn biển đăng trên Thanh Niên ngày 11.3.

Ủng hộ chủ trương này
Tôi rất ủng hộ chủ trương này của Khánh Hòa. Nhiều lần đi Nha Trang, muốn ngồi nhìn ngắm bờ biển tuyệt đẹp này nhưng lại bị che khuất tầm nhìn, nên rất chán. Nay, chính quyền đã “sửa sai” và quyết liệt dọn bờ biển để người dân và du khách quốc tế được nhìn ngắm, thật là thích. Đây là một bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khác khi cấp phép cho các công trình chắn tầm nhìn ra biển.
Văn Dũng (Q.1, TP.HCM)
Sẽ thu hút nhiều du khách hơn
Tôi tin rằng với quyết định này, biển Nha Trang sẽ hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều du khách hơn. Nhiều địa phương khác vẫn còn công trình chắn tầm nhìn ra biển, nên cần học kinh nghiệm này của tỉnh Khánh Hòa. Một thời gian dài, chính quyền nhiều nơi đôi khi “quên mất” nhu cầu chính đáng của người dân. Vì vậy, cần nhìn lại mình. Theo tôi, vấn đề này còn lớn hơn cả một quyết định mà bài báo đề cập về biển Nha Trang.
Nguyễn Ngọc Tài (TP.Nha Trang, Khánh Hòa)
Phải linh hoạt với nhà đầu tư
Rút giấy phép hay giải tỏa, tháo dỡ các công trình ven biển là đúng. Nhưng thật ra cũng phải thừa nhận rằng chính quyền đã cấp phép trước đó, nhà đầu tư mới làm. Vì vậy, khi bắt buộc tháo dỡ, phải linh hoạt tính đến thiệt hại cho các nhà đầu tư. Làm sao để có thể hài hòa, hợp tình hợp lý. Dân thì được thụ hưởng, nhà đầu tư cũng thấy thỏa mãn, chính quyền thì có được niềm tin. Đó là “vẹn cả ba đường”.
Nguyễn Thịnh (Q.12, TP.HCM)
“Nâng cấp” tư duy quy hoạch
Không chỉ với biển, mà kể cả với những dòng sông, cũng cần phải tôn trọng cảnh quan ven bờ. Một thành phố đẹp khi nằm bên dòng sông thơ mộng, mà bị chắn mất hết tầm nhìn thì sẽ rất vô duyên, xấu xí. Theo tôi, cần rà soát lại tất cả quy hoạch các thành phố, và nhất thiết phải “nâng cấp” tư duy quy hoạch, làm sao khi triển khai thực hiện, các đô thị có một diện mạo đẹp, tận dụng được lợi thế địa hình của mỗi địa phương.
Trương Vũ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng
Bất luận điều hành, sử dụng địa thế ra sao cũng phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Cuộc “cách mạng” dọn bờ biển Nha Trang là một ví dụ chú trọng đến đời sống tinh thần của người dân. Mong sao việc làm tương tự được nhân rộng ở nhiều nơi khác. Chính điều này sẽ làm cho người dân thấy mình được tôn trọng. Đó là điểm chính yếu để xây dựng niềm tin ngày càng bền chặt hơn.
Hải Hà (hanhatrang@yahoo.com)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Cuối cùng tỉnh Khánh Hòa cũng nhận ra điều bất cập trong quy hoạch, sử dụng bờ biển Nha Trang bấy lâu nay và quyết dọn dẹp để nơi này trở thành địa điểm công cộng dành cho mọi người, mọi du khách trong và ngoài nước. Đây là việc làm được dư luận và nhân dân ủng hộ, dù rằng cái giá phải trả cho việc thả nổi trong xây dựng ở bờ biển Nha Trang trong thời gian qua là không nhỏ. Một bài học đắt giá mà chính quyền sở tại và các địa phương khác cần phải nhớ.
Trần Văn Tùng (H.Hóc Môn, TP.HCM)
Không riêng gì Nha Trang mà tại các địa phương khác, bờ biển cũng bị chiếm dụng, tình trạng này hầu như phổ biến, ai cũng thấy bất hợp lý, nhưng chính quyền thì cứ làm ngơ, để mặc một số tổ chức, nhóm người tùy tiện sử dụng như của riêng mình. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước các cấp phải quyết liệt dọn dẹp, sắp xếp lại bờ biển theo đúng quy hoạch, vừa khoa học vừa mỹ quan nhằm đảm bảo việc khai thác bờ biển hiệu quả, nhất là về du lịch, xóa bỏ tình trạng xô bồ như hiện nay.
Nguyễn Hưng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.