Tránh Covid-19, cá chép ‘đi cầu trượt’ tiễn ông Công ông Táo về trời

Trần Cường
Trần Cường
04/02/2021 12:41 GMT+7

Để đảm bảo an toàn cho người dân không phải xuống tận hồ, ban quản lý Khu đô thị Hateco Apollo Xuân Phương (Hà Nội) đã lắp đặt một máng trượt để người dân thả cá chép tiễn ông Táo về trời.

Sáng 23 tháng Chạp (4.2 dương lịch), theo tục lệ, hàng ngàn người dân làm lễ, thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời.

Ngày ông Táo về trời: chợ đông, tiểu thương Sài Gòn vẫn bán tốt dù sợ Covid-19

Ngoài những khu vực đông người thả cá chép như cầu Long Biên, hồ Tây, các hồ lớn,... tại một số hồ nhân tạo trong các khu đô thị, người dân cũng tranh thủ làm lễ từ sáng sớm, thả cá tiễn ông Táo về trời.

Sáng 23 tháng Chạp (4.2 dương lịch), người dân Hà Nội làm lễ, thả cá chép tiễn ông Táo về trời theo tục lệ

Ảnh Trần Cường

Để tránh nguy hiểm cho người dân, Ban quản lý Khu đô thị Hateco Apollo Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã cải tiến máng cho cá chép “đi cầu trượt” tiễn ông Táo về trời khiến người dân thích thú. 

Để tránh nguy hiểm cho người dân, một chung cư ở Hà Nội đã lắp máng trượt để người dân thả cá xuống hồ

Ảnh Trần Cường

Thay vì bằng ống nhựa như năm ngoái, hệ thống máng trượt năm nay được ban quản lý thay bằng máng tôn để việc thả cá được nhanh hơn, người thả và trẻ em có thể nhìn thấy cá chép trong quá trình rơi xuống hồ, bơi lội. Đồng thời, khu vực thả cá chép cũng được ban quản lý đặt thùng chứa nước rửa tay, thùng đựng rác để tránh người dân xả túi nilon bừa bãi.
“Ý tưởng lắp máng trượt thả cá chép nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, trẻ nhỏ, vì trực tiếp xuống hồ thả rất dễ trượt chân, ngã xuống hồ. Việc lắp đặt này chỉ tốn ít thời gian và tiền bạc nhưng rất tiện lợi. Mọi người thả cá xuống hồ đều thích thú và ủng hộ phương pháp thả cá mới này”, anh Nguyễn Sỹ Nghị, đại diện Ban quản lý Khu đô thị Hateco Xuân Phương, cho hay.

Ban quản lý cũng bố trí thùng rác, thùng nước phục vụ cư dân rửa tay, bỏ rác vào thùng

Ảnh Trần Cường

Anh Nguyễn Minh Tiến (35 tuổi, cư dân tại tòa CT1A, Khu đô thị Hateco Apollo Xuân Phương; quê tại H.Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, lần đầu tiên anh được thả cá chép qua hệ thống máng trượt. Dù có băn khoăn về quy trình, sợ cá bị thương trong lúc trượt xuống hồ, nhưng vì vội việc, anh Tiến vẫn thả cá theo cách này và thấy rất an toàn, thuận lợi.
“Cách thả cá này của ban quản lý rất hay, hồ có hệ thống lan can và cách bờ khoảng 2 m, nếu trực tiếp xuống thả thì rất nguy hiểm, nhất là trẻ con hiếu kỳ. Cá trượt trên máng sẽ theo nước cùng tiếp xúc với mặt hồ nên không lo cá chết hay bị thương”, anh Tiến nói.

Trẻ em thích thúc nhìn cá chép trượt xuống hồ

Ảnh Trần Cường

“Năm ngoái thả cá bằng ống nhựa, các cháu chỉ được nhìn khi cá rơi xuống hồ, còn năm nay các cháu được nhìn cá chơi cầu trượt nên rất thích thú”, anh Nguyễn Như Quý (39 tuổi, quê tại H.Nam Sách, Hải Dương), sinh sống tại khu đô thị này, cho hay.
Theo anh Quý, do quê Hải Dương đang chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19 nên năm nay, anh và vợ con quyết định ở lại thủ đô ăn tết.
“Con không về, bố mẹ buồn lắm nhưng cả nội ngoại đều động viên ở lại cho an toàn. Thôi thì mong dịch được khống chế nhanh, khi đó tôi sẽ đưa vợ con về chơi với ông bà sau”, anh Quý chia sẻ thêm.

Thả cá chép tiễn ông Táo về trời là một tục lệ truyền thống trong lễ cúng ông Công ông Táo hàng năm tại Việt Nam

Ảnh Trần Cường

Thay vì trực tiếp xuống hồ để thả cá, người dân tại Khu đô thị Hateco Xuân Phương chỉ cần đổ cá vào máng để cá trượt tự do xuống hồ

Ảnh Trần Cường

Thả cá theo cách cải tiến này nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân, nhất là trẻ nhỏ

Ảnh Trần Cường

Cá chép trượt xuống cùng với nước sẽ không bị chết hay bị thương

Ảnh Trần Cường

Ngán ngẩm hành động thả cá chép, thả luôn túi ni lông xuống sông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.