Trung Hoa du ký - Kỳ 2: Nhị, đáo Côn Minh thành

01/06/2006 09:52 GMT+7

Xe chạy đến thành Côn Minh thì trời đã vào đêm, vẫn những con đường cao tốc tuyệt đẹp dẫn vào thành phố. Lúc này chúng tôi đang đi vào địa phận của Côn Minh nhưng hướng dẫn viên cho biết là còn khoảng 80km nữa mới đến nội thành.

Hai bên đường cao tốc là những thành phố. Vâng, đúng là một thành phố hiện đại với những tòa nhà chọc trời đang được xây dựng vội vã, những con đường chồng chéo lên nhau, xe ô tô ken chặt nằm một cách trật tự ở hai bên! Nhưng, cô hướng dẫn viên lại cho biết rằng đó chỉ mới là... một cái huyện của Côn Minh!

Côn Minh - thành phố không được rẽ trái, không được bóp còi xe!

Cách đây chưa lâu, Côn Minh vẫn là một thành phố đầy hoa, nhiều cây xanh. Trong chiến dịch “Đại khai phá miền Tây” năm 1999 chính phủ Trung Hoa chọn Côn Minh đăng cai hội hoa xuân thế giới và 300 tỉ Nhân dân tệ đã được rót về Côn Minh để xây dựng thành phố và các công trình hạ tầng cơ sở dẫn đến vùng này. Kể từ đó, cuộc sống hiện đại với những phương tiện văn minh ập đến, Côn Minh trở thành một thành phố có quá nhiều... xe ô tô. Thế là những con đường với những bồn hoa đầy màu sắc ở giữa được xây dựng lại, những bồn hoa nhường chỗ cho các barie bằng inox, bê tông... cây xanh hai bên lề bị chặt đi để mở rộng con đường.

Đường cao tầng, đường chui dưới lòng đất... vẫn không đáp ứng được yêu cầu về giao thông. Trước thực trạng này, chính quyền thành phố Côn Minh đã cho áp dụng biện pháp mạnh: cấm những xe ô tô chạy trong nội thành rẽ trái, đồng thời cấm luôn những chiếc xe “bánh bao” (một loại xe 4 chỗ ngồi nhỏ, vừa đủ dùng cho một gia đình, xe đã qua sử dụng giá chỉ vào khoảng vài ngàn Nhân dân tệ) vào nội thành. Biện pháp cấm này một phần nào giải quyết vấn nạn kẹt xe nhưng lại làm cho đại đa số bộ phận dân chúng bất bình vì cũng giống như ở Việt Nam, hầu hết những người nghèo ở Côn Minh đều mua nhà ở khu vực ngoại thành cho rẻ và xe “bánh bao” là một trong những giải pháp khắc phục khoảng cách để cả gia đình người dân lao động mỗi ngày vào nội thành làm việc, học hành. Song song đó, việc cấm xe rẽ trái làm đoạn đường di chuyển trong nội thành dài hơn, khiến giá của những lần đi xe taxi tăng lên.

Lúc chúng tôi đến Côn Minh thì đang có tin đồn là Mỹ căng thẳng với Iran nên giá xăng ở đây đang tăng cao, gần bằng với giá xăng ở... Việt Nam (khoảng 9.500 đ/lít). Những chiếc xe chờ đổ thêm xăng nối đuôi nhau thành hàng dài ở những “nhà thêm xăng” (cây xăng), mỗi xe chỉ được đổ 100 nhân dân tệ (NDT) - tương đương 200 ngàn đồng Việt Nam, chủ cây xăng ở đây cũng đang đầu cơ để chờ diễn biến của những biến động chính trị trên thế giới. Xăng đang được bán một cách hết sức nhỏ giọt cho các tài xế nhưng thành phố vẫn đầy xe. Thiếu xăng, đã kéo theo một hệ lụy khác: những chuyến taxi ít xuất hiện trong thành phố vì tài xế chỉ đậu ở một chỗ, ngại chạy dạo trên các con đường để đón khách (trong khi ngoài phương tiện giao thông là xe ô tô, xe đạp người dân thành phố chỉ còn một lựa chọn là đi phương tiện vận tải cộng cộng). Đồng thời, khi xe taxi có khách mà không chạy được (do ùn tắc), máy vẫn bắt buộc phải nổ thì vẫn tính tiền... xăng. Một điều khá lạ là trên suốt đoạn đường chúng tôi đi trong nội thành Côn Minh, không hề nghe thấy một tiếng còi xe nào. Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, cô Mỹ Linh nói rằng đó là quy định của thành phố, cấm bấm còi xe để bảo đảm môi trường về âm thanh cho những người dân thành phố sống và làm việc, không cho "ô nhiễm" tiếng ồn, tài xế nào vi phạm lập tức sẽ bị trừ điểm, đến khi nào không còn đủ điểm nữa thì sẽ không được phép lái xe. Mà, mua một chiếc xe ô tô ở đây không là vấn đề gì với người dân bản xứ nhưng thi lấy bằng lái xe lại là chuyện “thiên nan, vạn nan”!

Dù đã được cô hướng dẫn khẳng định rằng thành phố Côn Minh thiếu cây xanh nhưng khi vào đến khu vực nội thành chúng tôi vẫn cứ ngạc nhiên: cây xanh ở đây còn rất nhiều, ít ra là nhiều hơn TP.HCM! Hai bên đường vẫn là những hàng cây phong đang trắng lá, cây chưa to lắm chứng tỏ là mới được trồng chỉ vài năm, nhưng quy hoạch về cây xanh xem ra cũng không đến nỗi quá tệ - những điều mà chúng tôi đã nghĩ trước khi vào thành phố, khi nghe người dân của Côn Minh nói về thành phố của họ.

Câu chuyện đầu tiên ở Côn Minh

22h đêm, tất cả những cửa hàng sặc sỡ ánh đèn màu của Côn Minh đã đóng cửa, người Côn Minh không mua sắm vào giờ này, chỉ còn vài quán bar hoạt động, đón những người khách trẻ tuổi ít ỏi vẫn chưa muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Tôi và Lê Quang - phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng - đi dạo trên những hè phố tĩnh lặng, qua những công viên thênh thang vắng vẻ, đắm mình trong cái lạnh của đêm cao nguyên, nhìn những người dân bản xứ mặc áo gió theo chân du khách để bán những ống sáo làm bằng tre, lắng nghe những khúc nhạc có giai điệu buồn mênh mông do một người bán hàng rong thổi, rong ruổi đến một trà quán do một đôi vợ chồng trẻ đứng bán, đang giới thiệu với những người sành điệu về các loại trà đặc sản vùng Vân Nam.

Một góc thành phố Côn Minh

Bằng phong thái rất chuyên nghiệp, người thanh niên pha trà mời chúng tôi và lịch sự hỏi chúng tôi có phải là người... Malaysia không. Khi biết là đã đoán nhầm, anh ta lại tiếp tục đoán chúng tôi là người... Miến Điện. Đoán liền 3 lần, anh thanh niên chủ quán trà vẫn cứ nhầm và cuối cùng chúng tôi buộc phải nói cho anh biết chúng tôi là người Việt Nam. Dù là người nước nào, chúng tôi vẫn cứ được anh thanh niên mời trà và nghe thuyết giảng tóm tắt về các loại trà Vân Nam nổi tiếng thế giới. Có những loại trà chỉ có thể trồng được ở Vân Nam, không trồng được ở bất cứ đâu. Tương tự, cũng có những loài hoa dùng để ướp trà chỉ Vân Nam mới có... Câu chuyện giữa những gã bất đồng ngôn ngữ không hiểu vì sao mà cứ lan man mãi không dứt (có lẽ vì lòng hiếu khách quá độ của người thanh niên bán trà trong đêm vắng). Đoạn kết của lần gặp mặt này là: 2 gói trà thơm phức được chúng tôi mua về uống thử.

Trong quán trà chúng thôi được mời thưởng thức những ly trà thơm nức mùi hoa của rừng núi Vân Nam; bước ra ngoài quán chúng tôi lại nhận được mấy tấm danh thiếp do một người thanh niên chạy xe lôi đưa, giới thiệu về những loài hoa khác: hoa biết nói! Trong tấm danh thiếp, nhà cung cấp công khai giới thiệu về tất cả các mặt hàng, từ người phụ nữ lão luyện tình trường dành cho những quý ông ưa cảm giác mạnh đến những cô gái được đóng “mác” học sinh, kèm theo là những bức ảnh nóng của mấy cô gái có thân hình bốc lửa. Ngạc nhiên, chúng tôi hỏi những người dân ở đây thì được biết: hoạt động mại dâm tại Côn Minh không được cho phép một cách công khai nhưng cũng không bị cấm quá gắt gao. Và như thế, nó vẫn tồn tại dưới một số hình thức - kể cả việc giới thiệu cho khách nước ngoài bằng tiếng Anh hẳn hoi.

Kỹ nữ Côn Minh

Vừa về đến phòng trong khách sạn, chúng tôi đã nhận được một cú điện thoại gọi đến mời chào thưởng thức dịch vụ massage. Trong điện thoại, cô gái đầu dây bên kia hết lời năn nỉ chúng tôi cho nhân viên massage của cô ghé đến phòng để chúng tôi... xem qua. Cô ta hứa nếu chúng tôi không vừa lòng nhân viên vật lý trị liệu của cô thì nhân viên ấy sẽ lập tức “chẩu” (đi - tiếng Hoa). Sẵn đang mệt mỏi sau một chuyến đi dài, chúng tôi đồng ý để nhân viên massage lên phòng.

Chưa đến 10 phút sau, phòng chúng tôi đã có tiếng gõ cửa với tiếng kêu bằng giọng Vân Nam rất... dịu dàng. Hóa ra, các cô gái ở trong căn phòng ngay sát cạnh phòng chúng tôi. Trước mắt chúng tôi là 2 cô gái chính hiệu Vân Nam nhưng trông chẳng giống gì với những gì chúng tôi đã tưởng tượng. Không hề có dáng vẻ của người dân tộc vùng lam sơn chướng khí với áo quần sặc sỡ, những cô gái đang chực chờ bước vào phòng chúng tôi rất hiện đại với quần Jean áo pull bó chặt thân hình tràn đầy sức sống... 60 nhân dân tệ một suất massage toàn thân, người được massage vẫn mặc nguyên quần áo trong khi các nhân viên massage phục vụ. Vào tới bên trong phòng, các cô gái lập tức ra tay “trấn áp” chúng tôi bằng những cú... đấm, bẻ kinh người, giống như họ là hậu duệ của Ngũ Độc Giáo, đang sử dụng võ công của giáo chủ Lam Phượng Hoàng vậy.

Sau một hồi sử dụng nội công Việt Nam chịu đựng những đòn thế Kungfu Trung Hoa, các cô gái Vân Nam cũng “hết bài” với những thằng cha quá lão luyện trong việc đối phó với “những tình huống bất ngờ” như chúng tôi, mấy cô gái bèn giở chiêu thức cuối cùng: hỏi chúng tôi có muốn... “gì” không? (lại không có gì... bất ngờ!). Giá của một lần “gì” ấy là 300 nhân dân tệ, thử trả xuống còn... 100 nhân dân tệ cũng “hảo”. Tuy nhiên, vì mục đích của chuyến đi không phải là du lịch sex, vả lại chặng đường trước mắt còn quá nhiều nơi phải đến mà chỉ những người thể lực sung mãn mới có thể đi đến cùng, chúng tôi đành phải từ chối lời mời của những cô kiều nữ đáng yêu của xứ Vân Nam, không hẹn ngày tái ngộ...

Còn tiếp

Ký sự của Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.