Trung Hoa du ký - Kỳ 3: Luyện công phu “Thiết bố sam” giữa chợ Côn Minh

03/06/2006 14:53 GMT+7

Chỉ đến ngày thứ hai ở Côn Minh, chúng tôi đã học được một loại “thượng đẳng công phu” mà người Trung Hoa xưa phải cần có bí kíp võ công và tốn nhiều năm lắm mới luyện thành. Công phu này được người Hoa gọi là “Thiết bố sam” (mình đồng da sắt).

Tất nhiên, trong thời buổi hiện đại, khoa học phát triển, chúng tôi không cần lên núi kiếm một cái hang động hoặc ăn phải một loại kỳ hoa nào đó khiến thân thể được “đả thông kinh mạch”. Một môn công phu học được một cách bất ngờ trong thời gian rất ngắn thì cũng chỉ có giá trị về mặt... ý nghĩa. Nhưng, nó cũng đủ cho chúng tôi sử dụng trong khoảng thời gian lưu lạc trên đất nước Trung Hoa rộng lớn...

Diện kiến “Thiết bì công”

Có thể do Trung Hoa là cái nôi của “tuyệt chiêu” bấm huyệt nên đi đâu trên đất nước này chúng tôi cũng thấy và nghe nói về massage. Đêm thứ hai, chúng tôi lại được mời đi thưởng thức món massage, lần này là massage chân, tại một bệnh viện quân y của Côn Minh. Đón chúng tôi là một cô gái nói tiếng Việt rất sõi, tự giới thiệu là người Việt gốc Hoa, luôn miệng giới thiệu về lịch sử ra đời của bệnh viện, về những vị thần y đã và đang làm việc tại bệnh viện này. Nơi dành cho việc massage là một căn phòng với những hàng ghế dài, khách massage mỗi người ngồi trên một ghế ngâm chân và nhân viên massage phục vụ tại chỗ. Chưa kịp ngồi nóng ghế, chúng tôi đã được phát cho mỗi người một tập giấy giới thiệu về các phương thuốc bí truyền của Tứ Xuyên và Tây Tạng, có công dụng chữa được hầu hết những chứng bệnh người ta thường mắc phải như: nhức đầu, mệt mỏi, tim, huyết áp... Trong lúc chúng tôi đang được massage chân thì cô gái nói tiếng Việt sõi lúc đầu dẫn vào những thanh niên có vẻ mặt nghiêm trang, giới thiệu là những lương y của bệnh viện, đề nghị được bắt mạch miễn phí cho chúng tôi, nếu người nào có bệnh mới kê đơn...

Đường vào một khu bán đồ giả cổ ở Côn Minh

Thấy những lương y còn khá trẻ, có dáng vẻ quá lặng lẽ, chỉ mải lo bắt mạch nên tôi và một người bạn ngồi bên cạnh tỏ ý nghi ngờ khả năng của họ bằng tiếng mẹ đẻ. Nói mà vẫn không thấy vị lương y trẻ tuổi có phản ứng gì nên chúng tôi càng yên trí... Nào ngờ, đến khi hỏi chuyện chúng tôi, vì nói mãi bằng tiếng Hoa rồi đến tiếng Anh mà chúng tôi vẫn không chịu hiểu,vị lương y đành hỏi bằng tiếng... Việt Nam với giọng Bắc đặc sệt. Thì ra, để tiện việc giao dịch với người Việt trong tương lai, trong quá trình theo học tại trường y, rất nhiều sinh viên của các tỉnh gần Việt Nam đã học tiếng Việt. Tuy đã từng nghe chúng tôi nói về minh bằng một giọng điệu thiếu tin cậy, thế nhưng vị lương y này lại không hề bận tâm, mà chỉ chăm chú vào việc giới thiệu tính năng của các loại thảo dược mà anh đang định... bán cho chúng tôi. Buôn bán, với người Trung Hoa dường như đã được nâng lên  thành một nghệ thuật, để đạt được những mục tiêu lớn lao hơn, người quân tử cần phải biết bỏ qua những tiểu tiết. Nghe hoặc không nghe những điều không đáng đã không là vấn đề đáng quan ngại trong mối quan hệ giữa chúng tôi và vị lương y, điều quan trọng là mối quan hệ ấy nhằm đến mục đích gì. Công phu bỏ qua của vị lương y trẻ tuổi “thượng thừa” đến mức khi chia tay nhau trong tình thân ái, chúng tôi đâm ra... hoang mang, không hiểu mình có đã từng nói ra những lời bình luận mà lẽ ra không nên nói hay không!

Buổi tối xuất hành đầu tiên của cả đoàn trên đất Côn Minh chưa chấm dứt, chúng tôi lại học thêm một bài học trong việc kinh doanh của người Hoa: tổ chức tiếp thị mọi lúc mọi nơi, chuẩn bị cho công việc một cách kỹ lưỡng từ khi chưa bắt tay vào cuộc. Và điều quan trọng nhất là: phải có bộ mặt... “tỉnh như sáo” trong những khoảnh khắc cần thiết! Chắc chắn, trong những ngày kế tiếp trên đất Trung Hoa, chúng tôi phải cẩn trọng hơn trong ăn nói và trong cách ứng xử. Người Hoa quả là thâm sâu khó lường!

Luyện “Thiết bố sam” giữa chợ

 Một trong những ngôi chợ mà người Việt thích đi nhất là chợ “ốc” ở Côn Minh. Không phải là một cái chợ bán toàn… ốc, mà là một cái chợ giống như chợ trời ở Việt Nam. Về cái tên của chợ, theo cô hướng dẫn viên thì người Vân Nam gọi là chợ “ốc”, còn dịch sang tiếng Việt Nam thì tạm gọi là chợ... “cóc”, nói chung là không thể hiểu nổi cách gọi và cách dịch của cái chợ này, chỉ biết là nó bán đủ thứ mặt hàng, với cái giá cũng... khó hiểu như cái tên của nó vậy!
 
Xe chưa đỗ vào bến, chúng tôi đã nhìn thấy quần thể chợ với những gian hàng tràn ngập ra các vỉa hè của những con đường xung quanh. Mắt kiếng, dây nịt, giày dép, trái cây, quần áo... các mặt hàng phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại. Buổi trưa nắng chang chang, đoàn của chúng tôi đổ quân vào chợ để mua sắm và thực sự phân vân không biết mua gì ở chợ này giống như con lừa đứng trước hai bó cỏ khô bằng nhau. Cô hướng dẫn viên Mỹ Linh luôn miệng nhắc chúng tôi về những điều cần lưu ý như: trả giá, cẩn thận trong việc đưa và nhận tiền thối lại...
 
Bước vào một cửa hàng bán giày da, tôi và anh Trần Nhật Vy –BTV báo Tuổi Trẻ Cười- giật mình ngạc nhiên vì giá của những đôi giày da tuyệt đẹp đang được bày bán: 46 Nhân dân tệ/ đôi, tức chỉ có 92.000 đồng Việt Nam! Không cần trả giá, chúng tôi lập tức mua mỗi người 2 đôi đem về dùng và làm quà. Nhận hàng, ra đến bên ngoài, chưa kịp vui mừng vì mua hàng giá quá rẻ, chúng tôi lại “ngạc nhiên chưa” một lần nữa vì giá của một đôi giày da mà một cô bạn đi cùng đoàn vừa “tậu” được: 29 Nhân dân tệ/ đôi. Điều này có nghĩa là những đôi giày da chúng tôi vừa mua giá hơi bị đắt. Để sửa  chữa “sai lầm”, tôi lại mua thêm 3 đôi giày nữa và... không biết làm gì với chúng sau này!
 

Một người đàn ông bán tượng ở Côn Minh
Tiếp tục rút kinh nghiệm, chúng tôi tách nhau ra, lao vào những sạp hàng truy tìm những món hàng giá rẻ. Tại một cửa hàng bán túi xách, những chiếc túi da lộng lẫy đủ kiểu dáng được treo, móc la liệt... Chỉ một chiếc túi xách nữ màu trắng rất đẹp, tôi hỏi bằng một giọng rất tự tin: “Tố xèo xẻng?” (bao nhiêu tiền?). Cô gái bán hàng lập tức tuôn ra một tràng tiếng địa phương. Sợ cô biết tôi là người nước ngoài, bắt nạt, làm giá nên tôi làm mặt nghiêm, dù... không hiểu cô nói gì. Thấy nói mãi mà tôi không trả lời, cô gái bèn... lấy cái máy tính ra bấm bấm. Đến lúc này thì tôi hiểu, cô gái cũng... hiểu, chúng tôi bắt đầu một cuộc chiến về giá cả quyết liệt. Cô gái ra giá 1.300 NDT, tôi trả xuống còn 50 NDT, cô gái đòi 200 NDT, tôi vẫn kiên quyết con số 50 NDT và bỏ đi. Cô gái vội kêu tôi lại, bấm con số 150 NDT bằng thái độ kiên quyết, kèm theo một tràng lời nói nghe giống như... chửi! Mặc, tôi nhất quyết áp dụng bài học “làm mặt tỉnh” lúc cần thiết nhưng không xong. Không chỉ nói giống chửi, cô gái to lớn còn kêu thêm một trợ thủ là một thanh niên to như con gấu ở gần đó, dùng cả những gì giống như là võ công trong tư thế sắp sửa... động thủ. Đến nước này thì tôi thua, đành phải mua món hàng tôi ngầm thích với cái giá chẳng thích chút nào!
 
Kể từ lúc ấy, tôi quyết học công phu “mình đồng da sắt”, không đếm xỉa đến sĩ diện của một đấng nam nhi, những lời chửi rủa, để giữ an toàn cho túi tiền vốn rất eo hẹp của mình. Sau gần 3 giờ đồng hồ chu du qua gần hết khu chợ, hỏi giá bằng tiếng Hoa, trả giá bằng máy tính, nghe chửi và hăm doạ bằng tiếng Hoa, cãi lại bằng tiếng Việt... tôi đã thu gom một số hàng đáng kể với giá rẻ không hiểu nổi đem về làm quà cho người thân ở quê nhà.
 

Một cửa hàng bán côn trùng ép khô

Bước ra khỏi cổng chợ trong trạng thái kiệt sức vì mang vác nặng, khát nước khô cổ, tôi móc 100 NDT ra mua một ít trái cây và chai nước suối tự thưởng cho mình vì đã tiết kiệm được ít nhất 100 NDT trong việc luyện thành công phu “Thiết bố sam” khi đi mua sắm. Thế nhưng, “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, khi nhận lại tiền thối từ tay một ông già bán trái cây trông rất hiền lành, đưa sang anh thanh niên bán nước suối, tôi mới phát hiện mình bị lừa cầm nhầm một đồng 50 NDT giả. Ông già bán trái cây với nụ cười cầu tài đã biến mất tự lúc nào trong biển người mênh mông!
 
Rốt cuộc, tôi vẫn bị “trúng nhiều chưởng” trong lúc mới luyện được công phu ở giai đoạn đầu...

Ký sự của Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.