Trung Hoa du ký - Kỳ 5: Tứ, đáo Cửu Trại Câu

07/06/2006 16:40 GMT+7

Trước khi đến một trong những “đệ nhất danh thắng” ở Trung Hoa này, chúng tôi đã được cô hướng dẫn viên dặn dò rất kỹ: đây là vùng đất thuộc dân tộc Tạng, có những quy luật, thói quen riêng của người Tạng. Khi mua sắm, nếu đã trả giá rồi mà người Tạng bán thì không được không mua, nếu không thì “người tạng rất nóng tính”! Đi tiểu, cũng phải trả tiền –nếu người Tạng đòi...

Kèm theo với những lời dặn dò là các câu hăm doạ như: đây là vùng núi ở độ cao trên 4.000 m so với mặt biển nên không khí rất loãng, nếu ai cảm thấy khó thở thì phải lập tức báo ngay để có biện pháp đối phó...

Cảnh hồ trên Cửu Trại Câu

Chưa tới châu A Bá –khu tự trị của người Tạng, chúng tôi đã bị đặt trong tâm trang căng thẳng, tư thế chuẩn bị để còn có cơ hội... thoát ra khỏi vùng đất xa lạ này. Một số người trong đoàn dự đoán những ngày ở Cửu Trại Câu sẽ vô cùng ấn tượng. Quả đúng như thế, nhưng ấn tượng lại đi ra ngoài sự tiên liệu của mọi người...

Tuyết trên đỉnh Thanh Hải Sơn

Chiếc xe ô tô 30 chỗ ngồi gầm lên, lượn qua một khúc quanh cùi chỏ sát mép vực, chui vào một khe núi hẹp, bên vệ đường là những búi cỏ xác xơ, vàng quạch, phủ đầy tuyết trắng. Cả đoàn chúng tôi ồ lên vì ngạc nhiên, thích thú. Trong số những người ngồi trên xe, có người cả đời chưa từng thấy tuyết trong khung cảnh thiên nhiên như thế này. Núi vẫn cao vút lên lưng chừng trời và con đường dẫn đến Cửu Trại Câu lẩn khuất trong ngàn mây...

Tuyết bắt đầu rơi trên đỉnh Thanh Hải

Các đỉnh núi trắng xoá tuyết phủ lần lượt đi qua trong tầm mắt của chúng tôi. Cửu Trại Câu là một thị thành nhỏ xây dựng cheo leo trên những khoảng đất bằng hiếm hoi của cao nguyên. Đường xá ở đây không rộng như những đô thị dưới miền xuôi nhưng mật độ Hotel thì lại nhiều vô kể. Cô hướng dẫn viên du lịch luôn miệng lập đi lập lại những lời dặn dò và khẳng định: vào những ngày cao điểm, Cửu Trại Câu đón đến 30 vạn (300.000) du khách đến tham quan, bình quân ở đây đón khoảng 20 vạn khách/ ngày.
 Aán tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước xuống xe, đi vào khách sạn là... lạnh! Những người trong đoàn lập tức lục tung valise, ai có áo dùng áo, ai có khăn dùng khăn... Về phần tôi, địa chỉ đầu tiên mà tôi ghé là các cửa hàng bán đồ dùng ngay trước của khách sạn. Ở đây có đầy đủ những “vũ khí” để chống rét như: khăn lông, mũ da, áo da, găng tay...

Trời lặng gió, nhưng không khí lại rét buốt đến không thể chịu nổi. Đã vậy, khách sạn còn thông báo là: theo lệ, 18 giờ chiều mới mở nước nóng và 21 giờ đêm thì tắt. Còn máy sưởi, chỉ được mở đến 23 giờ! Chúng tôi đi ngủ mà vẫn canh cánh trong lòng câu hỏi: ngoài cái lạnh, Cửu Trại Câu có cái gì?

 Vùng núi thu hút 10 triệu USD mỗi ngày

Sau một đêm ngủ dậy mà không biết cái lỗ tai của mình còn hay mất, chúng tôi lên đường đến khu tham quan Cửu Trại Câu. Vừa bước xuống xe ô tô, chúng tôi lại bị ấn tượng bởi một bãi đất trống khổng lồ, bên trong đậu vài trăm chiếc xe buýt hiện đại dùng trong việc chuyên chở khách du lịch đi tham quan khu danh thắng. Tất cả các loại xe ô tô, nếu không phải là xe của khu du lịch Cửu Trại Câu đều không được chạy vào khu tham quan. Mỗi vé vào cửa là 400 NDT, cứ 30 phút lại có 1 chuyến xe buýt khởi hành, chở những du khách đi sâu vào khu du lịch. Trên vé tham quan đã có 1 suất ăn trưa dạng Buffet, từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối, du khách có thể đi trên bất cứ chuyến xe nào để đến bất cứ địa chỉ tham quan đã định sẵn nào trong khu du lịch, trong khi đi không được hút thuốc, không được xả rác nếu không muốn bị phạt nặng.

Mưa tuyết trên Cửu Trại Câu

Mưa tuyết bắt đầu rơi khi chúng tôi dừng chân trên bờ hồ Thanh Hải. Mặt nước trong xanh như ngọc bích của hồ có những chú cá con tung tăng lặn ngụp. Tất cả những con đường dẫn quanh bờ hồ, vào rừng đều được làm bằng ván, đặt trên khung thép có lót lưới chắc chắn. Đây là một biện pháp để bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên rất hiệu quả. Từng đoàn người tham quan dài vô tận lầm lũi đi sâu vào rừng nhưng không ai có thể vượt thoát ra khỏi con đường quy định bởi những những thanh chắn mỹ thuật chạy dài, bao bọc -kể cả những Nghinh Phong Đình. Chốc chốc, chúng tôi lại bắt gặp những nhân viên của khu du lịch ăn mặc rất đẹp đi ngược chiều, trên tay cầm cây gắp rác, nhặt từng chiếc lá khôn bỏ vào bị với một thái độ chăm chút.

Được phát hiện từ những năm 70 của thế kỷ 20, mãi đến hơn 10 năm sau chính phủ Trung Quốc mới đưa Cửu Trại Câu vào danh sách những địa chỉ cần phải bảo vệ và tôn tạo.  Với 2 dòng nước chính chảy từ trên núi xuống, Cửu Trại Câu có khoảng 100 cái hồ (gọi là Hải tử –tức biển con) nằm dọc theo con đường bê tông cực đẹp mà chúng tôi đã đi qua, mỗi hồ tên gọi và vẻ đẹp khác nhau. Có hồ nước đến 5 màu gọi là hồ Ngũ Sắc; có hồ trông giống như con Tê Giác gọi là Tê Giác hồ; có hồ nước phản chiếu ánh sáng gọi là Hồ Gương; có hồ gọi là hồ Ngọc Bích vì màu sắc của mặt nước… Nói chung, chỉ có hồ, nước và tuyết nhưng thiên nhiên đã ưu ái vùng đất nghèo nàn này , sắp đặt thành những cảnh đẹp đến không ngờ. Nơi đây đẹp đến nỗi, khi chọn cảnh để quay Hoa Quả Sơn, đoàn làm phim Tây Du Ký của Bắc Kinh đã không ngần ngại chọn Cửu Trại Câu.
 Xen lẫn trong những địa điểm chúng tôi dừng chân là những khu nhà  của người dân tộc Tạng với màu sắc, kiểu dáng mang tính đặc thù. Người dân Tạng sống trong khu du lịch trông cũng khác người Tạng ở bên ngoài, quần áo chỉn chu hơn, hay cười khi bắt gặp ánh mắt nhìn của du khách...

Văn hoá khu du lịch

 Buổi trưa, chúng tôi về nhà hàng duy nhất trong khu du lịch để dùng cơm. Có quá nhiều thực khách đang tập trung nơi đây sau một buổi tham quan dài mệt mỏi. Không ít người trong số thực khách là người Châu Aâu, chăm chỉ xếp hàng bên dãy bàn để thức ăn tự chọn, chờ đến lượt mình. Vừa đem đĩa thức ăn ra bàn ngồi, chúng tôi đã được cô hướng dẫn viên người địa phương chỉ cho xem một tấm bảng treo trên cao ghi 2 dòng chữ Hoa  – Anh với nội dung: ai ăn thừa thức ăn quá 100g sẽ bị phạt 100 NDT. Nhìn quanh khu vực nhà hàng, chúng tôi thấy không có một khay thức ăn nào (chưa kịp dọn) còn thừa lại quá nhiều.

Cảnh thác trên Cửu Trại Câu

Dưới nhà hàng ăn là cả một siêu thị dành hầu hết các gian hàng để bán đồ lưu niệm mang màu sắc địa phương như: đá, vòng luân xa, phật, kinh, những vật chế tác từ sừng, xuơng –một loại nguyên liệu mỹ nghệ mà ở châu A Bá có rất nhiều...
 Bên ngoài siêu thị, một khoảng sân rộng lớn như một công viên với những chiếc ghế xếp thành dãy dài cho những người đàn ông hút thuốc ngồi nghỉ ngơi, tận hưởng thú vui của họ. Lác đác trong sân, những công nhân của công viên mặc đồng phục lặng lẽ đị thu gom rác, trong đó có những tàn thuốc lá do những người vô ý thức đã vứt trên nền đá, trên lối đi.

Trên đường về, chúng tôi đúc kết được một điều: Cửu Trại Câu không chỉ có những cảnh đẹp do thiên nhiên hùng vĩ trao tặng. Trong khung cảnh ấy, có sự đóng góp của con người, không đơn thuần là những phương tiện văn minh, hiện đại, mà có cả sức nặng của một nền văn hoá mang đậm dấu ấn mấy ngàn năm của dân tộc Tạng –những người quanh năm sống trên một vùng cao, đối đầu với gió tuyết mịt mùng... 400 NDT/ người, mỗi ngày bình quân có khoảng 200.000 người đến tham quan Cửu Trại Câu, nơi này sẽ thu được khoảng 80 triệu NDT/ngày, vị chi là vào khoảng 10 triệu USD –một con số rất đáng để suy ngẫm. Cửu Trại Câu tự mình có thể nuôi sống hệ thống nhân viên trong khu du lịch của họ và thừa sức để bảo tồn, tôn tạo ngày càng đẹp hơn.

Ký sự của Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.