Trung Hoa du ký - Kỳ 6: Thâm nhập vào làng của người Tạng

09/06/2006 16:57 GMT+7

Mặt trời đã lặn sau núi từ lâu, cái lạnh thấm sâu vào tận xương tuỷ. Với 150 NDT/người, chúng tôi gia nhập vào đoàn người đến thăm một làng dân tộc Tạng, dự lễ hội giết và ăn thịt dê của người địa phương. Điểm đến là một ngôi làng ở cách trung tâm đô thị không xa, nơi tập trung những ngôi nhà mang dáng vẻ đặc thù của xứ Phật, có những luân xa quay ngày đêm bằng sức nước được dẫn từ trên núi về…

Những người Tạng đón chúng tôi bằng cử chỉ chắp tay vái, quàng vào cỗ mỗi người một dải khăn màu trắng tượng trưng cho sự may mắn, mời chúng tôi tham quan một vòng làng trước khi bước vào cuộc vui...

Đêm ở châu A Bá

Một người đàn ông Tạng cao gần 2m, mặc áo khoác màu đen, đón chúng tôi đưa ra phía sau chuồng nuôi dê để chọn con vật sẽ dùng trong bữa tiệc sắp tới. Một thanh niên dáng đậm người xông xông vào chuồng dê lôi ra 2 con... cừu. Thì ra, cái con vật mà chúng tôi gọi là cừu thì ở đây kêu bằng dê. Không sao, dê hay cừu gì cũng vậy, chúng tôi chọn lấy một con. Bằng một động tác hết sức nhanh, gọn, người thanh niên rút con dao cong đeo ở thắt lưng ra, cắt một đường ngang cổ chú cừu, xong!

Trong ngôi nhà trông như một cái lều lớn, có khoảng 10 nhóm khách du lịch như chúng tôi ngồi thành vòng tròn quanh bếp lửa đang đun một nồi thịt dê to, mặt người nào cũng hưng phấn vì những ly trà sữa dê, vì những ly rượu có vị ngọt, chua mà các cô gái Tạng có đôi má đỏ hồng, mặc cái váy truyền thống đang đem đi mời khách...

Con Bò lông dài ở châu A Bá

m nhạc bất ngờ nổi lên, một cô gái dáng cao, mắt lúng liếng, đong đưa bước ra giữa vòng tròn với lời ca cháy bỏng. Dù không hiểu gì về bài hát nhưng chúng tôi cũng biết đó là một bài nói về tình cảm trai gái, thông qua ánh mắt nhìn ướt rượt của diễn viên, thông qua giai điệu buồn miên man mà cô gái đang ngân nga. Tiếng hát như bay qua thảo nguyên mênh mông trong gió tuyết mịt mù; Tiếng hát như trườn trên lưng ngựa trong đêm dài buốt giá... Rồi những cái vai lúc lắc, những cái mông ngúc ngoắc, các cô gái Tạng đang dần lôi kéo những chang trai ngồi xung quanh đống lửa vào âm nhạc của họ trong vũ điệu tình yêu. Một chàng trai Tạng cất tiếng hát trầm vang như tiếng hú xuyên qua những khe núi, đến lượt những cô gái là khách mời... Vòng tròn người tham gia nhảy múa càng lúc càng rộng ra, không một ai ở ngoài cuộc, đêm hoan ca như bừng lên vì những màn giao lưu tình cảm giữa những người dân trong làng và khách du lịch. Trong quá trình giao lưu, những du khách lần lượt nói về quê hương của mình và hát những bài dân ca của quê hương họ...


Trời càng về khuya, những bài hát càng hay, rượu càng đượm và tình cảm càng nồng. Những ngưới khách du lịch dường như không muốn ra về dù bước chân đã mỏi... Chỉ bằng những phương tiện sẵn có trong ngôi làng của mình và những hoạt động mang đậm dấu ấn riêng một cách hết sức tự nhiên, người dân tộc Tạng ở đây đã làm nên một loại hình giải trí -văn hoá trên vùng đất của họ, thu hút du khách đến hàng đêm.


 Trên đường về, chúng tôi nhẩm tính: 150 NDT/người, 300 người/ đêm. Vị chi, ngôi làng chúng tôi vừa ghé thu được khoảng 45.000NDT/ ngày –một khoản tiền không nhỏ trên vùng núi rừng heo hút, nơi vật giá sinh hoạt vẫn còn quá rẻ. Mà, du khách rất cần một nơi để đến sau một ngày ở Cửu Trại Câu tham quan phong cảnh. Chắc chắn, chẳng ai muốn ra về khi chỉ mới biết đất nước mà chưa có một khái niệm rõ rệt nào về con người trên cao nguyên độc đáo này.

+Tạm biệt Cửu trại Câu!

Các đỉnh núi đầy tuyết dần lùi xa về phía sau, chiếc xe đang rời xa Châu A Bá, trở về với Trung Nguyên phồn hoa náo nhiệt. Đi hết cả buổi sáng, mà chúng tôi vẫn còn lẩn quẩn trên vùng đất của người Tạng. Chiếc xe dừng lại trước cửa một quán ăn để mọi người giải quyết bữa trưa...

Vừa nhảy xuống xe, tôi đã bắt gặp người đàn ông ôm một cái khay trước ngực, bày bán đủ mọi thứ đồ linh tinh, chìa về phia tôi với ánh mắt mời chào. Người đàn ông trạc độ trên 40 tuổi nhưng cằn cỗi với gương mặt đầy dấu chân chim, đi chân trần, đầu không nón, đen thui... Ông ta không biết tiếng Anh, và không biết cả tiếng... Phổ Thông. Cuộc giao dịch của chúng tôi bắt đầu bằng cách đọc... những con số bằng tiếng Phổ Thông –những từ ít ỏi mà đôi bên đều thuộc. Tuy nhiên, không vì thế mà sự trao đổi kém phần sôi nổi. Chỉ mấy tượng phật –loại dùng để đeo trước ngực- tạc bằng đá thường, người đàn ông chắp tay vái vái, đôi mắt thành kính dõi lên trên, miệng lắp bắp...

Tôi hiểu người đàn ông muốn bảo rằng tôi hãy mua mấy bức tượng này về tặng người thân, nó rất linh vì đây là xứ Phật. Giá của một bức tượng chỉ có 10 NDT, tôi mua. Tiếp theo, người đàn ông lại chỉ chỉ một bức tượng phật khác, đồng giá. Tôi trả xuống còn 5 NDT, ông ta cũng bán. Người đàn ông lại chỉ những cái vòng tay, dây đeo cổ, mặt nạ đeo thắt lung... Tất cả đều có giá rất rẻ, vài NDT/ món. Tôi mua lia lịa và người đàn ông cúi chào lia lịa... Cuối cùng, tôi mua hết 50 NDT những món hàng lặt vặt. Trước khi bỏ đi, người đàn ông dúi vào tay tôi 2 miếng đá nhỏ tạc hình con dơi, miệng nói những gì tôi không hiểu.

Tôi trả tiền nhưng ông ấy không lấy, tay chỉ vào những tờ nhân dân tệ tôi đã đưa. Nhìn cái cách người đàn ông bán hàng dạo trân trọng những đồng tiền lẻ thu được trong một buổi giao dịch, tự nhiên tôi cảm thấy vui và chợt nghĩ rằng: những đồng tiền ấy có thể rất có giá trị đối với ông và gia đình. Thế nhưng, ông ấy không hề tìm cách để bắt chẹt tôi, cũng không hề chèo kéo, nằn nì mua bán để gây phiền hà cho du khách, khác rất nhiều với những người bán hang rong mà tôi từng gặp trên chính quê hương mình.

Người dân tộc Tạng cũng mộc mạc, hiền lành như những người dân quê Việt Nam. Ở đây, tại một quán ăn nhỏ nằm dọc đường, những văn minh thị thành vẫn chưa đến.
Suốt chuyến đi dài qua các thị thành, nông thôn miền Tây Trung Hoa, không phải lúc nào chúng tôi cũng bắt gặp những cảnh tượng hoành tráng, thể hiện sự văn minh hiện đại... Có nhiều nơi cũng còn rất nghèo, nhưng rõ ràng đây là một đất nước đang trở mình chuyển động để đứng lên với một tư thế khác -bắt đầu từ những thứ tưởng chừng như rất nhỏ.

Ký sự của Hữu Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.