Trưởng ban Tiếp công dân bị hành hung tại trụ sở: Phải thượng tôn pháp luật

27/05/2016 08:08 GMT+7

Rất nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng khiếu nại tố cáo cũng phải hành xử đúng luật, không nên gây xáo trộn xã hội... sau khi đọc bản tin Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư bị hành hung tại trụ sở đăng trên Thanh Niên ngày 26.5.

Phải đúng quy trình
Luật Khiếu nại tố cáo đã quy định rõ thẩm quyền giải quyết các vụ việc do công dân khiếu nại tố cáo. Quy trình này cho thấy sự phân cấp rõ ràng, cấp nào giải quyết vụ việc gì, có liên quan đến phường xã, huyện, tỉnh hoặc thành phố. Do vậy, người dân không thể vì những bức xúc của mình mà hành hung những người có nhiệm vụ tiếp công dân. Trong trường hợp như bản tin nêu, thì việc hành hung ông Nguyễn Hồng Điệp là sai trái.
Nguyễn Đức (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Vi phạm pháp luật
Trong bất kỳ tình huống nào, việc hành hung người khác cũng là vi phạm pháp luật. Đây là điều rất sơ đẳng mà công dân nào cũng phải biết. Tôi không hiểu tại sao một số người dân lại manh động, gây ra vụ việc đáng tiếc như thế. Nhà nước luôn tôn trọng quyền khiếu nại tố cáo của công dân, nhưng người dân khiếu nại cũng phải hành xử có văn hóa. Nếu vi phạm luật thì sẽ phải nhận lãnh hậu quả do mình gây ra.
Hoàng An (Q.4, TP.HCM)
Cần nâng cao trách nhiệm
Trong thực tế, theo tôi biết thì có rất nhiều nơi chính quyền địa phương giải quyết không rốt ráo, không thấu tình đạt lý những khiếu nại của công dân. Trong khi đó cấp T.Ư không thể nào đứng ra giải quyết hết những vụ việc khiếu nại tố cáo. Khi thẩm quyền thuộc vế cấp tỉnh, thành thì chính quyền phải nâng cao trách nhiệm, không dây dưa, đùn đẩy. Có như vậy, người dân mới không còn bức xúc dẫn đến hành vi manh động.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Làm vậy sao cán bộ dám giải quyết ?
Đến đề nghị người ta giải quyết vấn đề của mình mà lại hành hung họ thì làm sao cán bộ dám đứng ra giải quyết? Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo nhưng cũng phải làm đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên là đi khiếu nại thì rất bức xúc, nhưng không phải vì vậy mà bất chấp pháp luật. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ cũng phải làm đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Không thể hành xử manh động, vi phạm pháp luật như vậy được.
Trần Văn Minh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ai sai phải chịu !
Theo tôi, cán bộ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người dân làm sai cũng phải xử lý theo luật định. Ai sai thì phải chịu. Không thể để tinh thần thượng tôn pháp luật bị mai một, mà phải tìm mọi cách tuyên truyền, làm sao để tinh thần ấy thấm vào tất cả mọi giai tầng trong xã hội. Có như vậy mới làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Cần tuyên truyền, giải thích cho người dân biết về quy trình khiếu nại tố cáo để họ không xử sự như vậy nữa. Mặt khác, theo tôi, cốt lõi của vấn đề là chính quyền các địa phương phải nâng cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân. Địa phương nào để dân ra đến Thanh tra Chính phủ khiếu kiện thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Huỳnh Ngọc Sang (H.Xuân Lộc, Đồng Nai)
       
Công dân đi khiếu nại, khiếu kiện luôn mang tâm trạng uất ức, bất bình. Do đó, cơ quan và cán bộ tiếp dân phải chuẩn bị kỹ năng đối phó với tình huống người khiếu kiện tấn công cán bộ, quấy rối tại trụ sở. Bên cạnh việc gắn camera thì kiểm tra an ninh người đi khiếu kiện có lẽ cũng cần đặt ra và bố trí nhiều bảo vệ để kịp thời xử lý khi người khiếu kiện mang hung khí, tấn công cán bộ, đập phá trụ sở...
Cao Văn Nhân (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.