Từ chối nguồn vốn nguy hiểm: Hãy biết từ chối vì lợi ích quốc gia

27/07/2016 08:43 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Từ chối “nguồn vốn nguy hiểm” trên Thanh Niên số phát hành ngày 26.7.

Quá nhiều bài học
Điểm qua những dự án thực hiện bằng vốn vay của Trung Quốc (TQ) hay do TQ trúng thầu thực hiện thì phần thiệt luôn thuộc về chúng ta. Công trình ì ạch, bầy hầy, nhiều tai tiếng, thậm chí kém chất lượng. Đã có quá nhiều bài học từ câu chuyện này, bài học nào chúng ta cũng trả giá đắt. Vì vậy, câu trả lời thẳng thừng là không vay vốn từ TQ để thực hiện những công trình trọng điểm, những công trình liên quan đến cơ sở hạ tầng, an ninh…
Đỗ Minh Đạo
(Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng)
Hoàn toàn ủng hộ
Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến, phân tích về việc từ chối nguồn vốn vay từ TQ. Chúng ta không thể trở thành nơi để TQ bán hàng hóa giá cao nhưng chất lượng kém cũng như nơi để các nhà thầu TQ thử nghiệm khi xây dựng các công trình. Hơn thế nữa, công trình giao thông này có ý nghĩa về mặt quốc phòng vì nối với biên giới thì càng cẩn trọng. Khi nào phía TQ bỏ đi những điều kiện có vẻ quá khắt khe khiến chúng ta khó chủ động trong khâu kiểm tra, giám sát chất lượng và tiến độ công trình thì chúng ta mới đồng ý.
Huỳnh Ngọc Tân
(Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng)
Cân nhắc kỹ
Việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là cần thiết trong bối cảnh đất nước còn thiếu vốn, khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc kỹ các điều kiện từ nguồn vốn. Nhiều nước trên thế giới như Thái Lan đã từng từ chối thẳng những nguồn vốn ưu đãi từ TQ. Đó có lẽ là điều chúng ta cần phải làm theo. Không nên để xảy ra tình trạng chúng ta vừa mắc nợ, vừa tồn tại một công trình kém chất lượng, vừa hàm ơn người ta.
Văn Thành Minh Quân
(P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM)
Phải sáng suốt
Việc vay vốn ODA từ TQ và những cái mất từ nguồn vốn vay này đã được cảnh báo từ các nhà khoa học, giới chuyên gia. Nếu chúng ta “nhắm mắt” chấp nhận “nguồn vốn nguy hiểm” thì hậu quả là rất nặng nề: nợ nần tăng dần, môi trường bị hủy hoại, khoa học công nghệ lạc hậu và nguy cơ tụt hậu, kinh tế kém phát triển. Tuy nhiên, đó vẫn là ý kiến của những người không có quyền quyết định. Người quyết vay hay không vốn là các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ ngành, từ địa phương đến cấp cao hơn. Họ có lắng nghe, có nỗ lực để cải thiện tình hình hay không mới là vấn đề.
Nguyễn Văn Thành
(P.4, Q.5, TP.HCM)
Đầu tư 1, thu lại 10
Đúng là chúng ta không nên quá dễ dãi để quơ quào mọi nguồn vốn với mọi điều kiện để có được cơ sở hạ tầng hay các công trình trọng điểm của đất nước. Thà từ từ tìm nguồn vốn tốt với điều kiện tốt còn hơn là vội vã chấp nhận “nguồn vốn nguy hiểm” từ TQ. Những phân tích của các chuyên gia kinh tế đều được người dân ủng hộ bởi các công trình TQ đã làm tại VN cho thấy họ hoàn toàn không “đẹp” như ý nghĩa ban đầu. Họ đầu tư bởi những mục đích của riêng họ. Đành rằng không ai cho không ai cái gì bao giờ nhưng cũng đừng cho 1 mà lấy lại 10. Như thế thì chúng ta quá thiệt thòi.
Hồ Hoàng Quốc Minh
(TX.Long Khánh, Đồng Nai)
Trần Hữu Thủy
Với dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thì việc chúng ta từ chối nguồn vốn từ TQ là điều nên làm. Phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Nếu chúng ta chấp nhận nguồn vốn từ TQ cho dự án này thì chúng ta có nhiều nguy cơ thua thiệt. Hy vọng, với những gì mà các chuyên gia phân tích cùng sự đồng tình từ phía người dân thì Chính phủ, các bộ sẽ từ chối, không cần bàn cãi nguồn vốn từ TQ cho dự án này.
Trần Hữu Thủy
 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Lê Tấn Vàng
Tôi tâm đắc với các cụm từ “nguồn vốn nguy hiểm”, “ưu đãi thành... ngược đãi” mà bài báo đã sử dụng. Nó nói lên đầy đủ bản chất của việc đầu tư từ TQ. Một khi đã nhìn thấu đáo như vậy thì việc chấp nhận một nguồn vốn từ TQ cho bất kỳ dự án nào cũng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để tránh thiệt hại về sau.
Lê Tấn Vàng 
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.