Tưng bừng ngày hội chè Tân Cương

02/02/2006 10:22 GMT+7

Ngày 1/2/2006, Sở Văn hóa Thông tin thành phố Thái Nguyên đã tổ chức Hội chè xuân Tân Cương ở xóm Núi Guộc, xã Tân Cương (Thái Nguyên), để vinh danh những người trồng chè và những giá trị đặc biệt của cây chè Thái Nguyên.

Diễn ra tưng bừng từ sáng đến chiều, lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân cùng khách du xuân về dự. Trong tiếng trống phách giục giã của hội kéo co, múa lân, những màn đấu võ thuật, ném còn… cùng tiếng nhạc rộn ràng của một liên hoan văn nghệ, tâm điểm của lễ hội là những cuộc thi chè ngon và thưởng thức nghệ thuật pha trà.

Sau tiếng trống khai hội của Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, hai mươi bếp lò đồng loạt nổi lửa trên một sân cỏ rộng, bắt đầu cuộc thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống - sao trên chảo gang. Trong sự cổ vũ của đông đảo người xem, mỗi đội dự thi từ 3-5 người, đến từ các làng chè ở Tân Cương, thực hiện tất cả các công đoạn làm chè. Tiếng búp chè chao qua chảo gang ràn rạt, tiếng sàng chè hối hả, từng bàn tay vò chè thoăn thoắt sàng sảy, rồi đến công đoạn lấy hương. Trong ba giờ đồng hồ trôi qua, các đội tham dự phải xử lý 5kg chè búp tươi xanh non trở thành khoảng 1kg chè búp khô thành phẩm.

Trước giờ khai hội

Trong khi đó tại nhà văn hóa xóm Núi Guộc - một trong 6 nhà văn hóa cấp tỉnh của xã Tân Cương, là cuộc thi chè do các hộ gia đình đem tới. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Nguyên - Trần Tuấn Long, Trưởng Ban giám khảo công bố 4 tiêu chuẩn chấm trà: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Trà ngon là loại trà có màu nước xanh ánh vàng mật ong (Thanh); cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh (Sắc); uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu (Vị); hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà (Thần).

Cuộc thi càng về trưa càng sôi nổi, bất chấp cái nắng xuân đầu mùa. Những mẻ chè sao bằng phương pháp thủ công cũng hoàn tất, được đưa vào chấm tiếp trong buổi chiều. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 3 giải Vàng, 5 giải Bạc và 30 giải khuyến khích cho các hộ nông dân dự thi. Anh Trần Văn Hoàn, 30 tuổi, ẵm cả 2 giải Vàng và Bạc, trong tiếng reo hò của bà con xóm Guộc.

Trong gian trưng bày và bán sản phẩm chè Tân Cương, ngót một tạ chè khô đã được du khách mua về thưởng thức. Các bà, các chị ở đây cho biết: Những ngày giáp Tết, chè làm không đủ bán, giá từ 70.000 đến 90.000 đ/kg chè kkô, loại đặc biệt còn lên tới 150.000 - 200.000đ/kg. Chè Tân Cương luôn luôn có giá cao nhất ở Thái Nguyên và được người người phong là “đệ nhất danh trà”. Theo tương truyền rằng: Vài trăm năm trước, có một quý nhân mang hạt cây chè từ Tây Tạng - Trung Quốc về trồng ở núi Guộc, dưới chân dãy Tam Đảo, thuộc đất Thái Nguyên. Những ưu đãi của đất trời về khí hậu, thổ nhưỡng,... cùng với bàn tay khéo léo của người làm chè bao đời, đã tạo nên một đặc sản quý: trà Tân Cương nổi tiếng cả nước.

Sao chè bằng phương pháp truyền thống

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch HĐND xã Tân Cương tự hào: cả xã có 1.240 hộ với 5.360 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề làm chè, có thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/năm, tổng thu nhập toàn xã khoảng 36 tỉ/năm, nộp ngân sách năm 2005 là 700 triệu, cao nhất trong vùng. Số hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm chiếm tới 45%. Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi rất nhiều. Là xã miền núi nhưng toàn bộ các tuyến đường giao thông và kênh mương đã được bê tông hóa. 2 trên 3 trường phổ thông, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, 10/16 khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Với diện tích và sản lượng đứng thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng), nhưng dẫn đầu về danh tiếng, cây chè là thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Từ Hội chè xuân Tân Cương, nhiều người đã nghĩ đến một Festival Chè Thái Nguyên sẽ được tổ chức để vinh danh tên tuổi chè Thái Nguyên trong nước và quốc tế.

Bảo Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.