Về miệt An Phú Tây

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
12/09/2020 07:31 GMT+7

Chỉ là một “chấm nhỏ” trên tấm bản đồ rộng lớn của TP.HCM, xã An Phú Tây là điểm địa đầu giao nhau với miền đất ngày đêm nức tiếng ngân câu vọng cổ.

Rẽ từ đường Nguyễn Hữu Thọ qua đại lộ Nguyễn Văn Linh, ngắm một đoạn sông Ông Lớn, rồi thả ga xe về hướng An Phú Tây, thấy trước mặt vùng đất Nam Sài Gòn mênh mông hầu như nhà cao đường rộng, chẳng bù hơn 20 năm trước vẫn còn quá nhiều dừa nước và rộn rịp công trường.

Hai thập kỷ, một câu vọng cổ

Chỉ là một “chấm nhỏ” trên tấm bản đồ rộng lớn của TP.HCM, vì diện tích chỉ có 5,86 km2 so với 2.095 km2 của toàn thành phố và 253 km2 của H.Bình Chánh, xã An Phú Tây là điểm địa đầu giao nhau với miền đất ngày đêm nức tiếng ngân câu vọng cổ.
Miền hạ này của tỉnh Long An, giáp ranh với Sài Gòn, những năm qua khá sôi động theo đà phát triển đô thị. Ruộng đất ít dần, dân cư ngày một đông đúc hơn, An Phú Tây vì thế cũng đón không ít cư dân nhập cư từ các tỉnh miền Tây đổ về, đặc biệt là Tiền Giang và Long An.

Một con đường ở khu Nam Sài Gòn, giờ đã mọc lên nhiều cao ốc

Còn nhớ trước năm 2000, một công ty nhà nước đã về “chấm” nơi đây để thực hiện một dự án khu dân cư 47 ha. Từ buổi giao thời hai thế kỷ ấy, vùng lân cận bắt đầu phát triển. “Theo thời gian, giá đất ở khu vực này từ khoảng 150 - 170 triệu đồng/nền đất 85 m2, bây giờ đã được rao bán lên đến cả tỉ đồng một nền, hoặc hơn”, đó là câu kể của Long, một tay chuyên môi giới nhà đất trong vùng. Nhưng tôi xuôi về đây không phải để tìm hiểu thị trường hoặc chính sách đền bù giải tỏa như nhiều năm trước, mà để nếu có may mắn, muốn nghe lại được đôi câu vọng cổ từng nghe cách đây đã lâu.
…Đó là một buổi chiều sắp trở về sau khi tìm hiểu chuyện đất chuyện nhà của bà con trong vùng, chợt nghe tiếng của một người đàn ông cất lên khàn đục sau cánh cổng rào: “Hãy gọi tên anh trong những chiều sương lạnh, khi cánh nhạn bay về cuối nẻo trời xa…”. Câu vọng cổ trong bản Võ Đông Sơ nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu ngân dài. Hỏi ra mới biết đó là ông Năm, một ông già trong xóm sống cùng bà vợ. Cả hai đã gần 70 tuổi, có rẻo đất bị quy hoạch nằm trong dự án.
Ông kể: “Giá đất lên, mà công ty đền hẻo quá không đủ để mua lại nền tái định cư nên vợ chồng tui chưa chịu”. Rồi ông lôi ra một xấp giấy nhàu nhò, trong đó ghi miếng đất được đền bù hơn trăm triệu. “Giá một lô tái định cư bao nhiêu vậy ông Năm?”, tôi hỏi. “Nghe đâu trăm ba trăm tư gì đó”, ông nói. “Mà chú có can thiệp cho tụi tui được không?”. Ông hỏi vậy khi nghe tôi tính viết bài, đành ừ à hẹn ông để liên hệ với chủ đầu tư xem sao…
Khoảng một tháng sau, ông Năm gọi lại cho tôi, giọng hồ hởi: “Được rồi chú ơi, có được cái nền tái định cư, với lại công ty cho vay tiền xây nhà luôn. Tui tính với miếng đất nằm ngoài quy hoạch, cắt cho thằng Út dăm bảy chục thước, còn lại bán được là trả tiền vay”. Nghe cảm thấy nhẹ nhõm, ấy là kết quả vài cuộc điện thoại trước đó tôi đã cậy nhờ người quen liên hệ với công ty, làm sao để cho vợ chồng ông già Năm có căn nhà ổn định.

Tiếng vọng sông hồ

Buổi sáng, trời đã vội nắng. Tôi vòng lại con đường quanh co từ QL50 hướng ra đường Hưng Long chật hẹp, nhập vào QL1A. Từ đó, sẽ đi về Bến Lức (Long An) để về TP.Tân An, thủ phủ của tỉnh giáp TP.HCM. Đi theo hướng này, sẽ gặp hàng dãy quán hàng với thương hiệu rượu Gò Đen nức tiếng, còn rẽ ngược lại về Cần Giuộc thì sẽ thấy miên man sông nước. Nơi ấy, những đồng ruộng giờ ít dần, nhưng lối sống vùng giáp ranh vẫn in đậm nét nông thôn, ít dịch vụ.
Ở nơi những nhánh sông quần tụ, cũng là lối đường thủy về miền Tây. Vì vậy, việc Trung Nam Group thực hiện dự án ngăn triều Cây Khô và mới thả chiếc van nặng gần 500 tấn hôm cuối tháng 8 vừa qua là một tín hiệu vui, có thể chặn ngập cho một vùng đất rộng lớn bờ hữu sông Sài Gòn. Nghe đâu, theo tính toán có thể 6 triệu dân Sài thành không còn bị ảnh hưởng. Ở điểm nút giao từ sông Nhà Bè đến Mương Chuối đã nhiều lần đi qua, tôi vẫn theo trục đường Nguyễn Hữu Thọ chạy về Khu công nghiệp Hiệp Phước. Đôi lần vẫn nghĩ đây là một điểm giao cắt ngăn triều hiệu quả, sẽ hóa giải phần nào cho tình trạng ngập triền miên của các quận phía nam.
Cũng ở đó, một ngày nọ trước khi về phà Bình Khánh để qua sông đi Cần Giờ, tôi đã từng đứng trên cầu Mương Chuối nhìn bao quát một vùng. Mới thấy hướng mắt về xuôi, doi đất An Phú Tây được bao bọc bởi phù sa, nay nhà cửa san sát. Chỉ còn vài vườn rau xanh, những chủ vườn vốn trụ lại được với mảnh đất cha ông để lại, nay trở thành những nông dân sản xuất giỏi. Rồi thỉnh thoảng nghe vài chiếc ghe xình xịch máy chạy lên từ phía ấy, vọng lên đôi câu hát khiến hai người đàn ông già ngồi câu cá bên thành cầu là Tư Hùng và Sáu Lém bật cười, lại thong dong móc mồi câu thả xuống dòng nước miên man chảy…

Vĩ thanh

Những miệt đất cùng sông nước giao hòa như Bình Chánh, với một thời trên bến dưới thuyền bỗng dưng tái hiện trong tôi, khi trở về trung tâm thành phố theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Chợt nhớ lại những trận chiến trên bộ hay thủy chiến giữa quan quân nhà Nguyễn với quân các nước Chiêm Thành, Xiêm La, Chân Lạp. Rồi cuộc nội chiến trải dài mấy chục năm với nhà Tây Sơn. Mải miết hàng trăm năm, các chúa Nguyễn cho đến các đời vua Gia Long, Minh Mạng… đã tính kế sách lâu dài cho miệt đất phương Nam phát triển rộng dài.
Tính từ năm Canh Tý (1600) lúc chúa Tiên là Nguyễn Hoàng đem bản bộ tướng sĩ vào trấn đất Thuận Hóa rồi đi dài về nam, cho đến năm 1802 lúc Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, niên hiệu Gia Long năm thứ nhất và đặt quốc hiệu Việt Nam, là hơn 200 năm, biết bao nhiêu lần thế sự thăng trầm. Nghĩ lan man thế, lại nhớ một đoạn viết tổng kết công trạng giai đoạn chúa Nguyễn (cho đến thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, giữa thế kỷ 18) trong Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim: “Những công việc họ Nguyễn làm ở phía Nam quan trọng cho nước Nam hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn lên, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đi khai hóa những đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra một xứ Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi, ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lắm vậy” (trang 343, bản đặc biệt, NXB Kim Đồng in năm 2019).
Bởi thế, dù chỉ có một vùng đất do phù sa sông Vàm Thuật bồi đắp nên bán đảo An Phú Đông, hay miệt đất của Sài Gòn đi về hướng châu thổ Cửu Long là An Phú Tây, tôi luôn nghĩ rằng vẫn ghi dấu trên đó những câu chuyện của thuở xa xưa, lúc tiền nhân đi mở cõi.
Để rồi, sau đó trải dài theo lịch sử, dải đất Gia Định thành dần định hình trên bản đồ nước Việt. Mỗi chặng đường liên miên hết chiến tranh rồi lại hòa bình ấy, bao lưu dân các xứ miệt mài qua các thời đại đến cư ngụ nơi này. Một Sài Gòn đã trải hơn 320 năm được ghi trong sử sách, với những tên đất tên người luôn lưu danh hậu thế, theo tháng năm đã thành ra một chốn tụ hội yên lành.
An Phú Tây là một trong 16 đơn vị hành chính trực thuộc của H.Bình Chánh (15 xã và 1 thị trấn). Nếu đi theo một vòng cung rộng cặp QL1A (hay còn gọi là xa lộ Xuyên Á), thì điểm đầu phía đông bắc có địa danh An Phú Đông (thuộc Q.12) với những vườn lài nổi tiếng một thời, còn chạy theo xa lộ khoảng hơn 20 km, qua cầu Bình Thuận về phía giáp QL50 thì gặp An Phú Tây. Xã xưa kia chủ yếu làm nông nghiệp, sau hơn 20 năm đã thành đô thị, hiện vẫn là một khu vực khá sôi động của H.Bình Chánh.
Đi qua địa bàn H.Bình Chánh có sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm, kênh Ngang, rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom nối với sông Bến Lức và kênh Đôi, kênh Tẻ; là hệ thống sông ngòi, kênh rạch nối với hệ thống các sông thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, sự nối kết về giao thương và văn hóa với các tỉnh đồng bằng khá đậm nét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.