Vợ Việt kiểm soát tiền của chồng có thể bị phạt?

13/10/2016 12:09 GMT+7

Trước đây, Bộ Công an có dự thảo quy định nếu vợ chồng kiểm soát quá chặt tài chính của nhau thì có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định này bị dư luận phản ứng nên đã được bãi bỏ.

Hỏi: Tôi 27 tuổi, mới kết hôn được 6 tháng. Trong thời gian yêu nhau, tất cả các khoản ăn uống, hẹn hò, cà phê thì tôi đều ga-lăng trả hết. Đến khi lấy nhau về thì vợ đòi giữ tất cả lương của tôi (khoảng 10 triệu/tháng) rồi mỗi tháng chỉ đưa tôi gần 3 triệu để ăn trưa, xăng xe và nhậu cùng bạn bè.
Thời gian đầu nghĩ là vợ nắm “tay hòm chìa khóa” sẽ tốt hơn mình, nhưng thú thật với gần 3 triệu vợ đưa, tôi phải tằn tiện lắm mới “chi tiêu hợp lý được”. Tôi có góp ý thì vợ nói cô ấy làm vậy cũng vì muốn lo cho gia đình, nhưng cứ như thế này mãi làm sao tôi có thể chịu được. Xin hỏi luật sư, có cách nào để tôi “hù” cho vợ sợ mà cho tôi xài nhiều hơn 3 triệu/tháng không? (Minh Thanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Luật sư (LS) Phạm Văn Thạnh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết trước đây, Bộ Công an có dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề chống bạo lực gia đình.
Theo dự thảo hành vi bạo hành về kinh tế sẽ bị phạt tiền 500.000 - 2.000.000 đồng, bao gồm: không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng, kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung nhằm tạo sự phụ thuộc về tài chính, buộc đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ... dự thảo đến lần thứ 3 Bộ Công an vẫn đưa vấn đề này vào, nhưng do phản ứng của dư luận và không khả thi nên cuối cùng điều luật này bị bãi bỏ.
Mỗi thành viên trong gia đình ít nhiều cũng phải được quản lý số tiền mình kiếm được, đó là quyền độc lập của mỗi người. Vợ chồng nhất thiết phải trao đổi thẳng thắn với nhau số tiền chi tiêu hàng tháng và có một thỏa thuận cụ thể. Tiền bạc là công sức, là trí tuệ, là mồ hôi nước mắt của người làm ra, hãy để cho ai làm ra tiền quản lý tiền của họ việc này thể hiện tính văn minh và tốt cho một gia đình

Luật sư Phạm Văn Thạnh

Hiện nay, Nghị định 167/2013 xử phạt hành chính trong lĩnh vực lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình không có xử phạt vấn đề này.
Bên cạnh đó, luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất, vì thế phạt vợ hay chồng cũng là từ túi tiền gia đình mà ra, như vậy “nạn nhân” cũng bị thiệt hại theo. Hơn nữa, để chứng minh được lỗi này cũng không dễ.
LS Thạnh cho rằng tâm lý của các người vợ thì phải được nắm hoàn toàn tài chính của chồng, hạn chế chồng chi tiêu phung phí…; việc này cũng hợp lý đối với một số gia đình, nhưng không phải tất cả mọi gia đình.
“Mỗi thành viên trong gia đình ít nhiều cũng phải được quản lý số tiền mình kiếm được, đó là quyền độc lập của mỗi người. Vợ chồng nhất thiết phải trao đổi thẳng thắn với nhau số tiền chi tiêu hàng tháng và có một thỏa thuận cụ thể. Tiền bạc là công sức, là trí tuệ, là mồ hôi nước mắt của người làm ra, hãy để cho ai làm ra tiền quản lý tiền của họ việc này thể hiện tính văn minh và tốt cho một gia đình”, LS Thạnh nêu ý kiến.
Thực tế có nhiều trường hợp người dân nhờ chính quyền can thiệp những mâu thuẫn trong gia đình thì không ai giải quyết, gọi công an phường, xã thì họ cho rằng đó là việc riêng của gia đình, không can thiệp.
Thậm chí, nếu công an phường, xã phạt tiền đối với vợ hay chồng có hành vi sai nhiều lúc tác dụng ngược, chẳng những không làm người bị phạt thay đổi hành vi mà còn có thể làm tăng thêm bất hòa trong gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.