Vùng quê không sợ... dịch

07/09/2017 08:23 GMT+7

Mặc dù dịch sốt xuất huyết tấn công khắp nơi, nhưng ở 2 xã An Ninh và An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), người dân vẫn bình an vô sự, bởi ở đây được triển khai mô hình phòng chống dịch rất hiệu quả.

Giảm muỗi từ 82 - 100%
Bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình đã triển khai chương trình can thiệp giảm nguy cơ bùng phát các dịch bệnh do muỗi truyền dựa vào cộng đồng. Chương trình được thí điểm từ cuối năm 2014 tại địa bàn 2 xã An Ninh và An Đồng (huyện Quỳnh Phụ). Để triển khai hiệu quả, mỗi xã đều có các cộng tác viên của chương trình được tập huấn nhận biết về bọ gậy, muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết; trang bị kỹ năng giám sát muỗi truyền bệnh tại đồng ruộng (với muỗi truyền viêm não Nhật Bản) và tại hộ gia đình (muỗi truyền sốt xuất huyết). Mỗi thôn thành lập các đội phun hóa chất diệt muỗi. Các thành viên của đội được hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc” về pha và phun hóa chất, tham gia định kỳ phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.
“Đây là mô hình phòng chống dịch dựa vào cộng đồng, chính quyền và cơ quan y tế chỉ hỗ trợ về chuyên môn và cấp hóa chất. Các cộng tác viên duy trì lịch đi đến các gia đình phát tờ rơi, thông tin về cách phòng chống bệnh do muỗi truyền, các biện pháp và phòng muỗi hiệu quả ngay tại gia đình bằng sử dụng hóa chất cũng như giữ vệ sinh môi trường, không để tồn tại ổ chứa côn trùng truyền bệnh. Họ cũng tham gia hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải từ chăn nuôi gà, lợn, không để mùi hôi và tận dụng làm chất bón cho cây trồng. Các cộng tác viên tham gia nhiệt tình và hoàn toàn tình nguyện, không có kinh phí hỗ trợ”, GS Vũ Sinh Nam, chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Bình cho biết, trong các năm gần đây, trên địa bàn 2 xã không ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản và không có sốt xuất huyết. Đánh giá khảo sát trước và sau khi triển khai chương trình cho thấy, tại địa bàn 2 xã đã giảm đáng kể muỗi trong các gia đình, hiệu quả can thiệp đạt 82 - 100% với các muỗi, bọ gậy truyền bệnh. Người dân có kiến thức đúng về phòng 2 bệnh này đạt hiệu quả 83 - 90%.
Mỗi người dân đều vào cuộc
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá, mô hình đã triển khai tại 2 xã nêu trên với hình thức cung cấp kiến thức đến từng hộ gia đình đảm bảo tính hiệu quả cao, bởi các bệnh do muỗi truyền như viêm não nhật bản hay sốt xuất huyết đòi hỏi sự vào cuộc của mỗi người dân, mỗi người cần tự có ý thức và biết cách phòng bệnh cho bản thân và thành viên trong gia đình. Nếu chỉ cơ quan y tế thì sẽ không thể làm triệt để, vì không có đủ nhân lực bao phủ trên cả địa bàn rộng.
Theo người dân ở 2 xã triển khai mô hình, ngoài việc được phun thuốc diệt muỗi định kỳ, người dân còn được hướng dẫn cách phòng, chống bệnh. Bà Bùi Thị Mai (thôn Vạn phúc, xã An Ninh) cho hay, mọi người bây giờ đã biết truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn sống ở trong nhà, gần người, còn muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thì sống bên ngoài nhà. Vì vậy để phòng bệnh, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường. “Cứ ngày 24 hàng tháng các gia đình cùng nhau tổng vệ sinh trong nhà ngoài ngõ, nên đường đi phong quang, cửa nhà sạch sẽ. Muỗi bây giờ ít hơn nhiều rồi, bớt lo bệnh tật”, bà Mai nói.
Bà Phạm Thị Lan (ở thôn Lầy, xã An Ninh) cũng cho biết: “Từ khi triển khai chương trình, các gia đình được hướng dẫn thu gom rác thải và chỉ đổ rác khi có đội thu gom của thôn đến tiếp nhận theo giờ quy định. Chúng tôi cũng đã biết sử dụng sản phẩm vi sinh, giúp khử mùi nhà vệ sinh, chất thải chăn nuôi chuồng trại, giữ môi trường sạch sẽ”. Là chủ hộ chăn nuôi lợn nhiều năm, ông Vũ Văn Thời, xóm 13, thôn Vạn Phúc, xã An Ninh cũng cho biết, từ khi sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của công tác viên chương trình, môi trường chăn nuôi thoáng sạch, không có mùi hôi.
GS Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, người đưa ra ý tưởng thực hiện chương trình này chia sẻ: “Để công tác phòng dịch hiệu quả, chính quyền, cơ quan y tế cần có phương thức trang bị kiến thức dễ hiểu cho người dân, huy động được mọi người cùng tham gia phòng chống dịch. Đây là vấn đề lâu dài thiết yếu, hàng ngày. Nếu duy trì được thì sẽ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.