Xứ sở của Ninja và Ama

02/04/2018 19:32 GMT+7

Tỉnh Mie, một trong những vùng đất được xem là linh hồn của Nhật Bản, mùa này không chỉ có hoa anh đào như bất cứ nơi đâu trên xứ sở mặt trời mọc...

Nơi khởi nguồn của các Ninja
Ninja Nhật Bản được thêu dệt thành một lực lượng xuất quỷ nhập thần, chuyên thực hiện các công việc trong bóng tối, với phong cách lạnh lùng... Tuy nhiên, đây là một lực lượng hoàn toàn có thật, tồn tại song song với lịch sử nước Nhật.
Đoàn nhà báo chúng tôi và đại diện một số công ty du lịch ở Hà Nội và TP.HCM theo lời mời của Công ty Discover The World Việt Nam (đại diện chính thức của Công ty Hankyu Travel International Nhật Bản), được sự hỗ trợ của Hãng hàng không quốc gia VN, đã có chuyến tham quan và tìm hiểu về văn hóa, con người ở tỉnh Mie. Chúng tôi được đưa đến Bảo tàng Iga-ryu, thuộc thành phố Iga, tỉnh Mie. Khu vực Iga xưa kia được xem là một trong hai nơi khởi nguồn của các Ninja. Trên thực tế, nếu gạt bớt các huyền thoại huyễn hoặc xung quanh lực lượng này, thì đây chính là những người nông dân nghèo khó vào thời đại Nara. Cách đây hơn 500 năm, những người dân nghèo luôn bị cuốn vào vòng xoáy của những tranh chấp quyền lực từ các lãnh chúa (Shogun) cát cứ khắp nơi. Họ không được trang bị vũ khí, kỹ năng và danh phận như các Samurai, nên cuối cùng họ tự thành lập những tổ chức chuyên lẩn vào bóng tối để thực hiện những công việc nguy hiểm, như nhận các nhiệm vụ truyền tin tình báo, các hoạt động bí mật và thậm chí chuyên đi ám sát dưới sự thuê mướn của các lãnh chúa. Ninja (hay còn gọi là Shibeido) ra đời từ đó.
Bảo tàng Iga-ryu ngoài việc lưu trữ những di sản còn sót lại của các Ninja, còn tổ chức giảng giải những bí quyết mà các Ninja sử dụng trong hoạt động của mình một cách rất trực quan. Mỗi ngày, vào 11 giờ 30 trưa và 4 giờ 30 chiều, thường có những show diễn hấp dẫn, những ngón nghề (có thể gọi là bí thuật) của các Ninja lần lượt được trình diễn trên một sân khấu chật kín khán giả. Dù chỉ là bài biểu diễn, nhưng chúng tôi chứng kiến được sự nhanh nhạy của các diễn viên, những kỹ năng hoàn toàn chân thật...
Ở Iga-ryu, chúng tôi thích thú trước các khán giả nhí, những cô bé, cậu bé thậm chí chưa tới 5 tuổi, vận các bộ quần áo Ninja màu mè vui mắt. Các khán giả nhí ngồi xem biểu diễn, và cười khanh khách mỗi khi thấy những trò vui. Tất nhiên người Nhật không khuyến khích trẻ con tiếp xúc với bạo lực, nhưng những gì thuộc truyền thống thì họ có trách nhiệm phải dạy dỗ thế hệ kế tiếp biết trân trọng giữ gìn.
Một tiết mục biểu diễn của Ninja
Ama (Hải nữ) và truyền thống lặn biển lâu đời
Một trong những truyền thống thể hiện sự cần cù chịu khó của phụ nữ Nhật Bản, được lưu truyền qua hơn 2.000 năm và không bị gián đoạn, chính là nghề lặn biển của các phụ nữ được gọi là Ama (Hải nữ).
Khi đoàn đến làng, các Ama đang tất bật chuẩn bị bữa trưa cho chúng tôi, được bày biện gọn gàng và không kém phần thịnh soạn trong một lều nhỏ nằm cạnh bờ biển. Các Ama tiếp đón chúng tôi hôm đấy là những phụ nữ lớn tuổi phúc hậu với nụ cười hiền lành, vừa nướng các món hải sản vừa trò chuyện vui vẻ. Cô Mitsuhashi năm nay ngoài 60, móm mém cười khi chúng tôi hỏi rằng tại sao chỉ phụ nữ làm công việc nặng nhọc này mà không phải là cánh đàn ông. Cô nói: “Trời cho phụ nữ chúng tôi một lớp mỡ dày hơn hẳn, đó chính là lý do mà phụ nữ chịu lạnh tốt gấp đôi cánh đàn ông...”. Cô cũng giảng giải rằng sở dĩ đồng phục của các Ama là màu trắng, bởi vì trong truyền thuyết xa xưa của nước Nhật, màu trắng là màu của các vị thần, có thể xua đuổi được tà ma...
Lặn biển là một công việc nặng nhọc, các Ama cho biết, bình thường họ sẽ có 2 ca lặn (không dùng bình khí), mỗi ca khoảng 3 giờ, nhưng vào mùa đông thì chỉ lặn được 1 ca vào buổi sáng. Điều đặc biệt là tất cả các Ama hầu như giữ được sức khỏe rất tốt, cụ bà cao tuổi nhất được ghi nhận là một Ama 86 tuổi vẫn làm việc bình thường. Được biết, trên toàn nước Nhật hiện nay chỉ còn khoảng 1.800 Ama, phân bố ở 17 tỉnh, hơn một nửa số đó hiện sống ở Mie.
Các Ama cũng hóm hỉnh nói rằng, ngày xưa ở vùng này nếu không biết lặn thì không kiếm được chồng. Rồi họ cũng buồn rầu cho hay nghề lặn biển của các Ama đang dần bị mai một, thế hệ trẻ sau này không còn hứng thú với cái nghiệp truyền thống nhưng nặng nhọc này, họ muốn học hành đàng hoàng, có công việc tốt ở các thành phố, và cuối cùng ở lại làng quê chỉ còn những Ama lớn tuổi...
Lối vào Thần cung Ise, bao bọc bởi cánh rừng lâu năm
Thần cung Ise (Ise Jingu), linh hồn nước Nhật
Mie có thể gọi là linh hồn Nhật Bản, với Thần cung Ise nằm lặng lẽ, thâm nghiêm trong một khu rừng đầy những cây cổ thụ ngàn năm tuổi.
Chúng tôi đến Thần cung Ise khi ánh tà đang chiếu loang loáng xuống dòng sông có chiếc cầu gỗ bắc ngang, tất cả đều cúi đầu chào khi bước qua Thần xã bằng gỗ uy nghiêm, chúng tôi đang bước vào lãnh địa của những vị thần (kami). Nước Nhật có 2 tôn giáo chính là Thần đạo và Phật giáo, trộn lẫn vào nhau một cách hài hòa, trong đó quan trọng nhất là Thần đạo (Shinto), và Thần cung Ise chính là một trong những ngôi đền quan trọng nhất của Thần đạo Nhật Bản.
Lữ khách và những người hành hương có thể tiếp cận và thực hiện nghi thức cầu nguyện ở mọi đền thờ lớn nhỏ trong quần thể Thần cung Ise, duy chỉ có đền chính Kotai Jingu ở khu vực Nội cung (Naiku) thì bị ngăn lại bằng một lớp rào gỗ uy nghiêm. Đây là nơi lưu giữ một bảo vật trấn quốc, một trong Tam Chủng Thần Khí của nước Nhật, đó chính là Bát Chỉ Kính, tượng trưng cho trí huệ và sự khôn ngoan.
Theo đúng tín ngưỡng của Thần đạo, Thần cung Ise được bao bọc xung quanh bởi những cánh rừng cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, đây là các khu rừng cấm, không ai được phép chặt phá, và hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Tuy nhiên Thần cung Ise sẽ được tháo dỡ và xây mới lại sau mỗi 20 năm. Nghi thức đó có tên gọi là “Thức Thiên Niên Cung” (Shikinen Sengu), nghĩa là di dời thần cung.
Thần đạo quan niệm rằng vạn vật trên đời, có hủy diệt tất sẽ có tái sinh, nên tháo dỡ và xây mới Thần cung là việc phải làm. Cũng có diễn giải rằng ngôi nhà của các vị thần sau mỗi 20 năm sẽ không còn giữ được nguyên trạng như ban đầu, vì vậy cần tạo lại một ngôi nhà mới cho các thần cư ngụ. Thức Thiên Niên Cung là một kỳ lễ hội vô cùng lớn, việc chuẩn bị mất đến 3 năm trước mỗi kỳ nghi thức diễn ra.
Mọi kỹ thuật xây dựng Thần cung Ise sau mỗi 20 năm vẫn giữ nguyên như từ thời sơ khởi, tức là hoàn toàn thủ công. Và trong suốt chiều dài 20 năm, người Nhật cũng kịp đào tạo cho những thế hệ kế thừa để thực hiện một trong những nghi thức thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng Nhật Bản.
...
Chúng tôi rời nước Nhật vào một sớm trời mờ đục, màn sương giăng ngang làm mờ mịt vịnh biển hẹp, nơi phi trường Chubu tọa lạc ngoài khơi, trên một hòn đảo nhân tạo. Người Nhật nồng hậu quá, làm những lữ khách như chúng tôi thật sự quyến luyến. Đêm trước khi rời khỏi Mie, chúng tôi được khoản đãi một bữa tối hoành tráng, với món thịt bò trứ danh Matsusaka, một trong 3 loại thịt bò Wagyu giá trị nhất của Nhật Bản. Khi chia tay, các bạn còn lưu luyến vẫy tay chào đến khi chiếc xe buýt chở đoàn khuất bóng mới thôi, dù người dân Mie không còn thấy VN là xa xôi vì Vietnam Airlines đã có đường bay trực tiếp hằng ngày đến vùng kinh tế bậc nhất này của nước Nhật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.