Y tế Đồng bằng sông Cửu Long và bước đột phá năm 2020

27/04/2020 08:00 GMT+7

45 năm sau ngày đất nước thống nhất, ngành y tế Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước đột phá quan trọng. Đó là sự ra đời của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình với nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu.

Trung tâm thành lập trên cơ sở khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ - BV tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế tại ĐBSCL. Tại đây đã có rất nhiều ca bệnh khó, phức tạp được xử lý kịp thời, cứu sống bệnh nhân cứu cả tương lai của họ.

Cứu mạng, cứu cả tương lai

Nhìn con trai 26 tuổi băng bó khắp người, bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) mắt đỏ hoe, kể: “Bữa nghe nó bị nạn, tôi điếng hồn. Vô tới cấp cứu thấy coi như chết rồi, tôi khóc không nổi. May mắn gặp được bác sĩ (BS) giỏi mổ kịp thời. Giờ không biết lấy gì đền đáp công ơn BS”. Sau ca mổ 10 ngày, Nguyễn Văn Hậu (con bà Hiền) phục hồi kỳ diệu, có thể giơ chân lên xuống, những cử động mang ý nghĩa sống còn với anh.
Trước đó 3 tuần, Hậu bị tai nạn nguy kịch. Gia đình rối bời khi anh vừa cưới vợ 3 tháng. Hậu được chẩn đoán chân trái đa chấn thương, tổn thương nhiều vị trí, gãy hở mỏm khuỷu, gãy hở xương đùi, gãy bàn chân, gãy 2 xương cẳng chân. Chân phải cũng bị gãy xương đùi, gãy kín 2 xương cẳng chân... Ê kíp BS Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Trung tâm) đã phải tiến hành 2 cuộc phẫu thuật khó cách nhau 5 ngày, mỗi ca kéo dài gần 5 tiếng để cứu Hậu. “Ca mổ không chỉ cứu mạng con tôi mà còn cứu cả tương lai của vợ chồng nó”, bà Hiền xúc động nói.
Cách ca phẫu thuật của Hậu vài hôm, một nữ sinh 15 tuổi (ngụ Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) bị tai nạn giao thông, tới BV trong tình trạng gãy hở gần lìa cẳng chân phải, gãy xương đùi phải... Tổn thương đã qua gần 12 giờ nên tiên lượng phải cưa chân. Các BS đã hội chẩn đánh giá thật kỹ các yếu tố để tìm cách cứu bằng được bàn chân vì người bệnh còn quá trẻ. May mắn mỉm cười, ca mổ thành công, thông nối lại mạch máu, tái lập lại tuần hoàn cho bàn chân, khâu nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu... Ngày biết con gái giữ được đôi chân, bà Lê Thu Hạnh, mẹ H. khóc nức vì mừng: “Con tôi quá nhỏ nếu phải cưa chân làm sao có thể trở lại cuộc sống bình thường. Nghĩ tới vợ chồng tôi càng thương con và mang ơn các BS vô cùng”.
ThS-BS Nguyễn Tâm Từ, Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi - Cổ bàn chân, thăm khám bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Đình Tuyển

ThS-BS Nguyễn Tâm Từ, Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi - Cổ bàn chân, thăm khám bệnh nhân sau mổ

Ảnh: Đình Tuyển

Giảm tải cho tuyến trên

Khó kể hết những ca chấn thương nặng đã được các BS Trung tâm, BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị thành công, giúp họ trở lại cuộc sống. Nhất là khi mỗi ngày Trung tâm phẫu thuật từ 20 - 25 ca, có ngày tới 30 ca, trong đó kỹ thuật cao như phẫu thuật cột sống cổ, phẫu thuật thay khớp háng, gối, vai; nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, nội soi khớp vai… chiếm phần lớn. “Mừng là Trung tâm quy tụ được đội ngũ mạnh, đoàn kết với 22 BS, 30 điều dưỡng. 100% BS phẫu thuật viên chính được đào tạo ở nước ngoài”, BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ nói và cho rằng thành lập Trung tâm là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ với các y, BS. “Công việc tăng nhiều nhưng vui vì có điều kiện phát triển. Mỗi BS sẽ được đào tạo chuyên sâu về một chuyên ngành trong chấn thương chỉnh hình, đó cũng là nhu cầu điều trị của người dân ĐBSCL”, ThS-BS Nguyễn Tâm Từ, Trưởng khoa Phẫu thuật nội soi - Cổ bàn chân, thuộc Trung tâm chia sẻ. Bước đầu thành lập, Trung tâm có 3 chuyên khoa gồm: chuyên khoa phẫu thuật cột sống - chấn thương, nơi xử lý chấn thương cột sống, bệnh lý cột sống, gãy xương tứ chi, khung chậu…; Chuyên khoa phẫu thuật nội soi các khớp, phẫu thuật cổ bàn chân; tập trung vào mổ nội soi các khớp, vai, háng, gối, các tổn thương chóp xoay, dây chằng, sụn chêm… Và chuyên khoa phẫu thuật thay khớp - ung bướu học chỉnh hình. “Có chuyên khoa sâu, máy móc, phòng mổ cũng được đầu tư nhiều hơn. Và tự bản thân chúng tôi cũng phải trau dồi, học tập làm sao để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, ThS-BS Nguyễn Hữu Thuyết, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống - Chấn thương, bày tỏ.
 Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ có 100% BS phẫu thuật viên chính được đào tạo ở nước ngoài; hơn 80% có trình độ sau đại học. Ảnh: Đình Tuyển

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ có 100% BS phẫu thuật viên chính được đào tạo ở nước ngoài; hơn 80% có trình độ sau đại học

Ảnh: Đình Tuyển

“Bàn đạp” hợp tác quốc tế

Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình ra đời còn thúc đẩy mạnh hơn mảng hợp tác quốc tế của BV. Đây vốn là thế mạnh của khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình trước đây với nhiều hợp tác quan trọng như với đoàn International Extremity Project (IEP), Mỹ. Hợp tác diễn ra suốt 20 năm qua, đã mổ dị tật cổ bàn chân miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo ĐBSCL. Hay hợp tác với Nhật Bản về phẫu thuật cột sống cổ; với Australia về cấp cứu chấn thương, với Đức về nội soi khớp... “Hợp tác với các nước tiên tiến đã mang lại nhiều cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cho các BS. Nhiều người đã được đưa đi đào tạo tại các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn trên thế giới. Ngược lại, các đoàn chấn thương chỉnh hình các nước cũng thường xuyên đến làm việc tại BV. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của các BS ngày càng nâng cao, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu điều trị tốt nhất cho người dân ĐBSCL”, BS Phong nói.
20 năm hợp tác cùng BVĐK Trung ương Cần Thơ, mổ từ thiện cho biết bao bệnh nhân nghèo, BS Jeffrey Spanko (Đoàn Y khoa IEP, Mỹ), thổ lộ, điều làm ông hạnh phúc nhất là thấy sự tiến bộ của lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ. Ông nói: “Hợp tác của chúng tôi không chỉ giúp nhiều bệnh nhân đổi đời sau mổ mà còn là cơ hội cùng tiến bộ, học hỏi lẫn nhau để trưởng thành. Tôi tin rằng, hiện chất lượng điều trị ở BV này, đặc biệt là chấn thương chỉnh hình cũng giống những gì ở Mỹ có”.
Như niềm tin BS Jeffrey Spanko, với sự ra đời và phát triển của Trung tâm cùng những kỹ thuật cao nhất, người dân ĐBSCL có lẽ không còn nặng nỗi lo bệnh khó phải chuyển tuyến trên.
Thành lập Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình tại BVĐK Trung ương Cần Thơ là quyết định rất sáng suốt, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của bệnh nhân nhất là dân nghèo ĐBSCL. Với đội ngũ BS chuyên môn giỏi đã được tiếp cận, học tập từ các giáo sư, BS đầu ngành ở khu vực châu Á, tôi cho rằng điều trị bệnh nhân tại chỗ sẽ hiệu quả hơn. Người bệnh liên quan tới các lĩnh vực chuyên sâu có thể điều trị ngay tại Cần Thơ mà không phải lên TP.HCM như trước kia, nơi chi phí luôn tốn kém hơn. Đây cũng là bước tiến đáng mừng của y tế ĐBSCL khi cả nước hiện không có nhiều trung tâm chấn thương chỉnh hình phát triển mạnh. Dẫu vậy, BV cũng cần làm việc với Bộ Y tế, mạnh dạn chấp thuận cơ chế thoáng, hỗ trợ chuyên môn các mặt kinh phí, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên sâu phục vụ phát triển chuyên môn. 
PGS-TS-BS Võ Văn Thành, Chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.