Y tế nơi chen chân, nơi vắng khách: Cần xã hội hóa

08/03/2016 07:35 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Huy động mọi nguồn lực để phát triển y tế trên Thanh Niên số ra ngày 7.3.

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Huy động mọi nguồn lực để phát triển y tế trên Thanh Niên số ra ngày 7.3.

Ảnh minh họaẢnh minh họa
Vì sao vắng khách
Vì sao bệnh viện (BV) tư vắng khách mà BV công thì quá tải? Đơn giản vì BV tư giá quá cao, chưa thật sự nhận được sự tin tưởng của bệnh nhân về chất lượng. Hơn thế, trong tư tưởng của nhiều bệnh nhân, đến BV tư chỉ có người giàu có nên không ai “rầm rộ” đến BV tư, dù có BV tư khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nguyễn Trần Minh Hoàng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Phát triển mạnh bệnh viện tư
Nhà nước cần hỗ trợ để các BV tư phát triển, lớn mạnh, thu hút được nhiều bệnh nhân. Đó có thể là sự ưu đãi về thuế cũng như các chính sách khác để giá cả của BV tư giảm, chỉ nhỉnh hơn các BV công một ít. Nên giúp BV tư trong việc chuyển giao công nghệ, hợp tác về nhân lực, về kỹ thuật y tế… để giúp các BV tư đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, từ đó hút bệnh nhân từ BV công sang, tránh tình trạng quá tải.
Võ Thị Phương Thảo (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)
Xã hội hóa bệnh viện
Những BV cơ sở vật chất quá kém như Ung bướu, An Bình (TP.HCM)... cần xây mới, nâng cấp càng sớm càng tốt. Nếu nhà nước không có kinh phí thì nên kêu gọi sự đầu tư của tư nhân, xã hội hóa BV. Hiện có rất nhiều cá nhân đầu tư vào BV nhưng không hiệu quả, nếu nhà nước kêu gọi họ đầu tư để nâng cấp, xây mới các BV công vốn đã “có tiếng” thì chắc chắn sẽ có nhiều người tham gia, tiến độ xây dựng nhờ có đồng vốn lớn cũng sẽ nhanh chóng hơn, từ đó giải quyết được bài toán về cơ sở vật chất quá xập xệ hiện nay.
Ngô Công Tiến (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM)
Phát huy nguồn lực tuyến dưới
Không chỉ BV tư mà các BV công ở tuyến quận, huyện vẫn còn rất trống dù BV nào cũng đa khoa, nhiều giường, quy mô không nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn giỏi đều tập trung ở tuyến trên. Máy móc, thiết bị ở tuyến dưới có nhưng người có trình độ sử dụng máy móc không nhiều. Vì vậy, BV tuyến trên phải chuyển giao công nghệ, kỹ thuật về cho BV tuyến dưới. Nâng cao chất lượng ở tuyến dưới thì tuyến trên sẽ giảm tải ngay thôi.
Nguyễn Thanh Vỹ (P.3, Q.6, TP.HCM)
Phát triển bác sĩ gia đình
Chìa khóa cho giảm tải là phát triển bác sĩ gia đình. Tuy nhiên phải có lộ trình phù hợp. Bác sĩ gia đình đã có và phát triển từ rất lâu ở các nước và là một mô hình đúng nên không cần phải thí điểm. Đây là nhiệm vụ của cấp Bộ Y tế, cần phải có tầm nhìn xa để có một hướng đi phù hợp. Mô hình đúng nhưng bước đi không phù hợp thì sẽ loay hoay với câu chuyện giảm tải.
Nguyễn Trường Thọ (TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Hiện nay việc quá tải hầu như tập trung ở BV công chuyên khoa. Vì vậy, nên chăng nhà nước cần khuyến khích đầu tư, phát triển BV tư chuyên khoa có sự liên kết chặt chẽ với BV công chuyên khoa.
Trần Hữu Thủy
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Hiện nay BV công ở TP.HCM quá tải còn có nguyên do bệnh nhân ở các tỉnh lên khám, điều trị khá đông. Muốn giảm quá tải cần thiết phải có sự liên kết từ các BV ở TP.HCM với các BV tỉnh để nâng cao chất lượng chuyên môn ở tuyến này. Đây là một trong những phương án tối ưu, giảm được công sức, chi phí đi lại của các bệnh nhân và người nhà khi phải lên TP.HCM để khám, chữa bệnh.
Nguyễn Văn Thuận
(H.Nhà Bè, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.