Đội tàu chiến không người lái của Mỹ

06/10/2014 02:20 GMT+7

Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ sớm triển khai tàu vũ trang không người lái đến các tuyến đường biển quan trọng trên thế giới.

>> Tàu không người lái theo dõi tàu ngầm

Cận cảnh tàu vũ trang không người lái của Mỹ - Ảnh: Chụp từ clip
Cận cảnh tàu vũ trang không người lái của Mỹ - Ảnh: Chụp từ clip 

Ngày 5.10, Cơ quan Nghiên cứu hải quân Mỹ (ONR) công bố công nghệ mới được đánh giá là “bước đột phá chưa từng có”.

Theo AFP, cơ quan này đã tiến hành thử nghiệm thành công một đội tàu hộ vệ tuần tra vũ trang gần như tự hành hoàn toàn. Cụ thể, các chuyên gia của ONR triển khai 13 con tàu dạng này để hộ tống một tàu hải quân lớn có người lái đi trên sông James ở bang Virginia.

Giữa đường, đội tàu phát hiện một tàu lạ có dấu hiệu khả nghi tiến tới gần. Ngay lập tức, 8 tàu không người lái tự động tách khỏi đội hình và tăng tốc tiến tới để phối hợp bao vây, phong tỏa mục tiêu trong khi 5 tàu còn lại đưa tàu mẹ thuận lợi di chuyển qua khu vực. AFP dẫn lời Giám đốc ONR, Chuẩn đô đốc Matthew Klunder cho hay cuộc thử nghiệm trên được thiết kế mô phỏng một chuyến hải hành qua eo biển.

Ông khẳng định kết quả tích cực nói trên mở ra khả năng triển khai tàu hộ vệ không người lái đến bảo vệ tàu thuyền Mỹ qua lại trên các tuyến đường biển quan trọng về thương mại, địa chiến lược như eo biển Malacca nối biển Đông với Ấn Độ Dương hay eo biển Hormuz tại khu vực vịnh Ba Tư.

Tự hành tối đa

AFP dẫn thông cáo của ONR cho biết tàu không người lái được phát triển trên nền tảng công nghệ xe tự hành do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dùng để thám hiểm sao Hỏa lâu nay. Đây là một loại thiết bị cơ giới tự động có thể hoạt động độc lập trên sao Hỏa và có thể tự thay đổi tuyến đường nếu gặp chướng ngại vật. Tương tự, các tàu nói trên được trang bị một bộ cảm biến sử dụng phần mềm tối tân để có thể tự nhận biết, tương tác với môi trường xung quanh, thậm chí phối hợp đồng bộ để tìm ra con đường tốt nhất nếu gặp rào cản. Nhờ đó, khả năng tự động của chúng được đánh giá là vượt trội hơn cả các máy bay không người lái (UAV) nổi tiếng như Predator hay Reaper. Mang danh là không người lái nhưng thực chất mỗi UAV vẫn có một binh sĩ ngồi trong phòng điều khiển theo dõi và điều chỉnh đường đi nước bước cũng như nhấn nút phóng tên lửa. Còn với tàu chiến tự hành, một người điều khiển có thể giám sát cùng lúc 20 tàu và không phải động tay động chân gì nhiều, chỉ cần theo dõi và phản ứng khi có sự cố bất ngờ.

Các chuyên gia cũng đã thiết kế những tình huống ứng phó sự cố để tàu tránh đâm nhau. Nếu hệ thống liên lạc bị cắt, đội tàu sẽ tự ngắt mọi hoạt động và đứng yên trên biển, theo ONR. Chưa hết, ngoài hệ thống chính còn có thêm 2 đường dây liên lạc phụ để người giám sát có thể ra lệnh cho tàu dừng lại nếu cần. “Điều đặc biệt về công nghệ này là tính tự chủ. Chúng ta sẽ giảm thiểu được nhân lực ngồi ở bàn điều khiển”, Chuẩn đô đốc  Klunder nhấn mạnh.

Trong cuộc thử nghiệm nói trên, không có phát súng nào được bắn ra nhưng theo ông Klunder, các tàu có thể được trang bị nhiều loại vũ khí, từ phi sát thương như đèn cao áp đến súng máy 12,7 mm.

Rẻ chưa từng có

Theo AFP, các tàu không người lái nói trên được cải tạo từ loại tàu tuần tra đệm hơi có người lái dài 11 m và bình thường chở theo từ 3 - 4 binh sĩ. Kết quả thử nghiệm chứng tỏ quân đội Mỹ không cần chế tạo tàu mới mà có thể trang bị công nghệ tự hành cho các tàu chiến có sẵn và giảm thiểu chi phí xuống mức thấp nhất. “Chỉ cần cải tạo lại những gì có sẵn và chi phí chỉ khoảng vài mươi ngàn USD. Hãy so sánh con số này với hàng triệu USD phải bỏ ra để sắm sửa tàu mới”, AFP dẫn lời Chuẩn đô đốc Klunder nói.

Theo ONR, ngoài chức năng tuần tra và hộ tống, tàu không người lái còn có thể được dùng để vận chuyển các đội đặc nhiệm đến vị trí định sẵn một cách an toàn. “Chúng tôi cho ra đời loại tàu này để cứu mạng thuyền viên và lính thủy đánh bộ, để bảo vệ các đội tàu cũng như bảo vệ các bến cảng quan trọng”, ông Klunder nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, Lầu Năm Góc sẽ không dừng lại chỉ với các tàu hộ vệ tuần tra nhỏ khi công nghệ tự hành mới được đánh giá là có tiềm năng trang bị cho cả các tàu hải quân lớn trong tương lai. Nếu viễn cảnh này thành sự thật, Mỹ sẽ sở hữu một đội quân tàu chiến robot trên khắp các vùng biển trên thế giới, như ONR hớn hở tuyên bố: “Công nghệ mới sẽ và sẽ góp phần thay đổi cách thức hoạt động và chiến đấu của hải quân”.

Nhật có thể hỗ trợ quân đội Mỹ trên toàn cầu

Giới chức Nhật và Mỹ sẽ xóa bỏ những giới hạn địa chiến lược hiện nay để cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) có thể hỗ trợ quân đội Mỹ bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Tờ Asahi Shimbun dẫn một số nguồn tin tiết lộ thay đổi mang tính bước ngoặt này có nghĩa là vai trò hỗ trợ của SDF trong các cuộc xung đột có quân đội Mỹ tham gia sẽ không còn bị giới hạn ở những khu vực xung quanh Nhật như hiện nay. Nội dung này là một phần trong bản sửa đổi Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ dự kiến sẽ được công bố chính thức vào ngày 8.10.

Theo Asahi Shimbun, bước đi mới được cho là nhằm tạo điều kiện cho Nhật hỗ trợ đồng minh ứng phó các nguy cơ an ninh tiềm ẩn tại châu Á - Thái Bình Dương.

Văn Khoa

>> Mỹ, Nhật phối hợp phát triển tàu ngầm không người lái
>> Trung Quốc thử nghiệm tàu ngầm mini không người lái ở biển Đông
>> Mỹ đưa máy bay không người lái mang bom và tên lửa đến Iraq

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.