Đổi tên trường gây nhầm lẫn cho người học

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/03/2019 09:46 GMT+7

Sau khi giáo dục nghề nghiệp chính thức do Bộ LĐ-TB-XH quản lý về mặt nhà nước, nhiều trường CĐ nghề đã đổi tên cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều trường đã đặt tên theo kiểu cố tình tạo sự nhầm lẫn cho người học.

Trường ở Nha Trang, đặt tên Sài Gòn

Mới nghe tên Trường CĐ Y dược Hà Nội, nhiều phụ huynh và học sinh nghĩ rằng đó là một trường có trụ sở chính tại Hà Nội. Tuy nhiên, giấy phép đăng ký hoạt động của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp lại có địa chỉ ở Khúc Xuyên, TP.Bắc Ninh với tên gọi trước đây là Trường CĐ Y dược Thăng Long. Trường này còn đăng ký hoạt động tuyển sinh và đào tạo ở các địa điểm Hà Nội và Hải Phòng.
Tương tự, Trường quốc tế Nam Việt có giấy phép thành lập của Bộ LĐ-TB-XH ngày 18.7.2008. Tại giấy phép này, trường có trụ sở chính tại thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Thế nhưng mới đây, tại Quyết định số 320 ngày 23.3.2018 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trường đã đổi tên thành Trường CĐ Y dược Sài Gòn, được phép đào tạo một số ngành khối sức khỏe tại cơ sở Nha Trang, Q.Bình Tân (TP.HCM) và Q.12 (TP.HCM).
Không chỉ trụ sở chính ở một nơi, tên gọi một nẻo, còn có trường hợp trường CĐ chưa có yếu tố quốc tế (chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất, bằng cấp...) nhưng vẫn có thể đặt tên có chữ “quốc tế”, như Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, trước có tên gọi là Trường CĐ nghề Kinh tế - Công nghệ TP.HCM.
Trao đổi về việc này, một đại diện của Trường CĐ Y dược Sài Gòn cho biết: “Việc đổi tên là chiến lược của hội đồng quản trị nhằm phát triển theo hướng từ đa ngành sang chuyên ngành y dược và mở rộng quy mô đào tạo ở TP.HCM. Ngoài ra, lấy địa danh có tên tuổi có lẽ tuyển sinh cũng sẽ thuận lợi hơn một chút”.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, lý giải: “Năm 2016 trường đổi tên thành Trường CĐ Quốc tế TP.HCM với mục đích hướng đến việc đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trong thời gian qua, trường cũng hợp tác với nhiều trường ở Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan để học hỏi kinh nghiệm nhằm thực hiện chiến lược này”.

Không có quy định chặt chẽ

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ: “Việc đổi tên là nhu cầu của không ít trường trong thời điểm từ năm ngoái đến nay. Lý do là bây giờ không còn chữ “nghề” trong tên gọi. Bên cạnh đó, các trường cũng muốn có một cái tên ấn tượng hơn, hoặc phù hợp hơn với chiến lược phát triển lâu dài nhằm thu hút tuyển sinh”.
Về những trường không có yếu tố nước ngoài (chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, giảng viên...) nhưng vẫn đặt tên quốc tế, ông Minh cho rằng như vậy dễ gây hiểu lầm cho người muốn đăng ký học và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không có quy định cấm nên các trường vẫn có thể đặt nhưng phải tự chịu trách nhiệm với người học.
Thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết gần đây khi Trường CĐ Y dược Sài Gòn tuyển sinh tại TP.HCM, rất nhiều phụ huynh gọi điện đến hỏi trường này mới hay cũ, trụ sở chính ở đâu, chất lượng đào tạo như thế nào... “Có thể nói, việc trụ sở chính một nơi khác mà đặt tên thành phố lớn, là việc khiến không ít phụ huynh và học sinh hiểu lầm. Có thể các trường muốn đặt tên như vậy để dễ thu hút tuyển sinh hơn, dễ khiến người học có niềm tin hơn. Việc đặt tên hiện nay cũng không có ràng buộc, chế tài cụ thể, nên các trường đặt tên như thế nào cũng được”.
Đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết việc đặt tên, đổi tên trường thực hiện theo Quyết định số 51 ban hành Điều lệ mẫu trường CĐ nghề và điều 5 luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chỉ có những quy định như: “Tên bằng tiếng Việt của trường CĐ nghề gồm các cấu phần sau: “Trường cao đẳng nghề + lĩnh vực hoặc nhóm nghề đào tạo chính hoặc tên riêng (nếu có)”; Tên trường không được trùng với tên trường đã thành lập trước đó; Tên bằng tiếng Việt của trường được ghi trong quyết định thành lập, con dấu, các văn bản, giấy tờ giao dịch của trường và được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh của trường”.
Tên trường phải phản ánh đúng
Đúng là trên thực tế có không ít trường có tên gọi dễ gây hiểu lầm cho người học. Việc trường ở nơi này nhưng tên gọi lại mang một địa danh khác thì đúng là rất khó chấp nhận. Bộ LĐ-TB-XH nên có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để các trường đặt tên phù hợp, tên trường gắn với địa danh, ngành nghề, bản chất... tránh để người học hiểu lầm.
Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng)
Cần quy định rõ hơn
Tên gọi của một trường phải giúp người học hình dung về ngành nghề đào tạo, hoặc địa danh, hoặc một tên tuổi của danh nhân tạo nên thương hiệu lâu năm của trường... Hiện nay có nhiều trường công lập và tư thục đặt những cái tên na ná nhau, khiến người học không phân biệt được. Có lẽ do quy định hiện tại vẫn còn chung chung nên mới có tình trạng đặt tên chưa phù hợp như thế.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.