Đối thoại là chìa khóa

06/11/2017 05:47 GMT+7

Tuần này, Quốc hội dành khá nhiều thời gian để nghe các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (nhấn mạnh nội dung về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân), báo cáo của Chính phủ, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có một phiên thảo luận tại hội trường, được tường thuật trực tiếp.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, cả về số lượt và đơn khiếu nại. Tuy nhiên số đoàn đông người thì tăng 10,2%. Ủy ban TVQH trong báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội cũng nhận định: tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, đông người có xu hướng gia tăng.
Để giảm bức xúc của người dân, luật Khiếu nại tố cáo, luật Tiếp công dân đặc biệt chú trọng phương pháp đối thoại; coi đó là giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết các bức xúc, tâm tư của người dân ngay từ cơ sở, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban TVQH, báo cáo về tiếp công dân của các cơ quan chính quyền thường rất mờ nhạt. Quy định tiếp công dân định kỳ đối với người đứng đầu chính quyền (một tháng một lần) hầu như không được thi hành. Trên thực tế, có những nơi, cả năm cử tri không gặp chủ tịch huyện một lần, chưa nói gì đến tháng/lần theo luật định. Tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan thanh tra hoặc bộ phận tiếp công dân là phổ biến.
Đây chính là nguyên nhân gây phát sinh bức xúc, là tiền đề khiến công dân khiếu kiện đông người.
Bài học Đồng Tâm (Hà Nội) còn nguyên giá trị cho thấy đối thoại với dân là cực kỳ quan trọng. Chỉ có tôn trọng dân và bình tĩnh lắng nghe ý kiến của dân mới hiểu được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của dân, thấu hiểu được những bức xúc, thiệt thòi của họ.
Cũng Đồng Tâm cho ta thước đo về thái độ đúng đắn của chính quyền đối với việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Đó là khi xem xét, giải quyết các trường hợp khiếu tố, không nên truy xét xem ai khiếu nại, tố cáo hoặc ai cầm đầu các vụ khiếu tố mà quan trọng là nội dung khiếu tố đúng hay sai. Nếu dân đúng thì phải cương quyết giải quyết kịp thời; nếu không đúng thì giải thích, phân tích cho dân hiểu. Đừng “bỏ bóng đá người” sẽ khiến người dân e ngại mà trở thành đối đầu với chính quyền.
Nhưng pháp luật về tiếp công dân, cũng như nhiều quy định luật pháp khác, luôn thiếu chế tài. Mặc dù đánh giá tiếp công dân, đối thoại với dân là chìa khóa giải quyết khiếu nại tố cáo thành công, nhưng lại không có điều luật nào chế tài những trường hợp người đứng đầu không, hoặc lơ là tiếp công dân.
Quốc hội nên giám sát và chế tài đối với những người đứng đầu mà không hiểu nội hàm câu “nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.