Đời thông đắng

22/09/2021 06:49 GMT+7

Giữa những đồi thông bạt ngàn của xã Đăk Trăm (H.Đăk Tô, Kon Tum) là hàng chục túp lều phủ bạt cũ thếch. Đây là chốn che mưa che nắng của hàng chục người cạo mủ thông từ các tỉnh thành khác đổ về.

Nghề du mục

Dưới túp lều phủ bạt, ông Mai Hồng Phượng người gầy rạc, uể oải thức dậy sau giấc ngủ trưa. Thấy người lạ, ông vồn vã chào hỏi rồi kéo vào trong lều để tránh cái nắng ban trưa. 63 tuổi, ông Phượng có 30 năm lang bạt hơn 10 tỉnh thành chỉ để đi cạo nhựa thông. Quê ở Lạng Sơn, nhưng vì dịch Covid-19 nên dễ đến hơn 3 năm nay, ông Phượng chưa ló mặt về nhà.
Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (H.Đăk Tô, Kon Tum), cho biết trên địa bàn xã hiện có 22 người từ các tỉnh phía bắc đến hành nghề cạo mủ thông. Theo ông Tuệ, những người này thường chỉ sinh sống làm việc trên địa bàn vài năm rồi lại đi nơi khác, nên họ thường dựng những túp lều bằng bạt ở tạm. Do sống dưới những túp lều tạm bợ sâu trong rừng nên cuộc sống của những người này cũng khá khó khăn.
Ông Phượng tâm sự thời thanh niên làm công nhân cho một công ty nước ngoài. Do áp lực công việc quá lớn nên ông nghỉ ngang. Thôi làm công nhân, ông Phượng xin vào làm nhân viên bảo vệ rừng. Nhưng gặp một số trục trặc trong công việc, ông Phượng cũng nghỉ việc sau đó vài năm. Bắt đầu từ đây, ông đến với nghề cạo mủ thông đầy phiêu bạt.
“Chúng tôi thường đi theo nhóm vài chục người. Các nhà thầu làm việc, ký hợp đồng với chủ rừng thông sau đó giao khoán lại cho chúng tôi thu hoạch. Mỗi ký nhựa thông cạo được có giá 8.000 - 10.000 đồng. Nếu chịu khó làm thì mỗi tháng cũng có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng. Nhưng đến mùa mưa thì chịu, không đi cạo mủ được thì coi như đói”, ông Phượng nói.
Theo ông Phượng, công việc của ông bắt đầu khi trời vừa tảng sáng. Để hoàn thành công việc hằng ngày, nhiều hôm ông Phượng phải làm từ sáng sớm đến tối mịt mới xong. Thường thì thông trồng không theo hàng lối nào cả. Mấy chục năm mọc trên rừng, những gốc thông đã bị cây dại, dây leo bịt kín. Để lấy được nhựa, người thợ chấp nhận bị gai cào, phải dùng dao phát cây xung quanh, vạch từng gốc cây để cạo vỏ. Mỗi cây thông cho nhựa từ 0,5 - 1 kg trong một tháng. Nhưng mỗi ngày người đi lấy nhựa thông phải đều đặn cạo lớp vỏ cây thông để nhựa chảy ra. Một túi ni lông đặt dưới gốc thông để hứng nhựa. Cuối tháng, khi nhựa thông đông cứng, người đi lấy nhựa sẽ gom các túi ni lông này và đóng gói rồi mang đi giao cho chủ hàng.
“Cây thông không giống như cây cao su hay các cây khác đâu, ngày nào không cạo vỏ là mạch bị vít chặt, nhựa không thể chảy ra được. Hằng ngày, để cạo vỏ cho đủ 3.500 cây, tôi phải đi lại quãng đường cả chục cây số. Đi mãi rồi cũng quen, như tập thể dục ấy mà”, ông Phượng cười nói.
Ở mỗi tỉnh, ông Phượng chỉ lưu lại vài năm, sau khi cây thông đã cạo hết mủ, ông lại dạt sang tỉnh khác. Bởi vậy những người cạo mủ thông không xây nhà kiên cố, họ dựng tạm túp lều bạt lấy chỗ chui ra chui vào. Có những nơi không có điện, ông Phượng lấy nhựa thông làm đèn thắp sáng. Có nơi xa nguồn nước, ông lấy bao phân bón trữ nước mưa dùng dần.
“Đợt này làm ở đây, cách trung tâm huyện hơn chục cây số thì còn đỡ. Mấy đợt trước nhóm chúng tôi cạo mủ ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) cách trung tâm huyện cả 20 km. Đường vào rừng khó đi lại nên anh em chủ yếu ăn cá khô với rau dại. Rễ, lá thông đắng lắm nên cây thông mọc lên ở đâu thì chỗ ấy chẳng thể trồng được rau củ gì. Họa hoằn lắm mới có hôm ra huyện mua được bó rau tươi”, ông Phượng tâm sự.
Một mình nơi rừng thiêng nước độc, nhiều hôm đau ốm ông Phượng chẳng biết kêu ai, đành nằm đấy chờ những cơn sốt qua đi rồi bò dậy tìm đường mua thuốc. Không người thân, gia đình bên cạnh, hằng ngày ông Phượng chỉ biết vui đùa cùng chú chó nhỏ.
Ông Phượng vừa âu yếm xoa đầu chú chó vừa nói: “Ở đây sóng điện thoại yếu, radio lúc có lúc không, kể ra có con chó bầu bạn cũng đỡ buồn các chú ạ. Mà con này khôn lắm, nhiều hôm đi cạo mủ thông với tôi, cu cậu phát hiện rắn rết nên sủa cảnh báo. Nhờ vậy tôi biết trước mà tránh được”.

Ông Phượng bầu bạn cùng chú chó nhỏ

ĐỨC NHẬT

Chìm nổi phận đời

Cách lều của ông Phượng chừng 500 m là túp lều dã chiến của chị Đặng Thị Liễu, 40 tuổi, cũng quê Lạng Sơn. Trong túp lều trống trước hở sau, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài mấy chiếc nồi nhôm. Những người lớn trong nhà đã lên rừng cạo mủ, trước vuông sân nhỏ hẹp chỉ còn một cậu bé 7 tuổi tha thẩn chơi đùa. Cậu là Nguyễn Duy Lâm, con trai út của chị Liễu.
Hằng ngày, khi mẹ và anh đi cạo mủ thông, cậu quanh quẩn ở nhà với những gốc thông đang rỉ nhựa. Thấy chiếc máy ảnh của phóng viên, cậu bé bỗng nhảy cẫng lên: “Chú cho cháu xem với nhé, hằng ngày cháu chỉ biết chơi với con mèo, cái xe đẩy này chứ chưa thấy máy ảnh bao giờ”.
Trong rừng sâu, những đàn muỗi cứ thấy hơi người là vây lấy. Chúng bám xung quanh cậu bé Lâm, tìm những chỗ da thịt hở ra mà cắn. Có lẽ đã quen với tiếng vo ve của bầy muỗi, cậu chỉ lấy tay phủi đi rồi dán mắt vào những nút bấm sắc màu trên chiếc máy ảnh hiện đại. “Cháu ở nhà một mình suốt. Nhiều hôm muốn đi theo mẹ với anh nhưng toàn bị mẹ đuổi về. Ở nhà một mình cháu buồn lắm, nhưng chẳng có ai chơi cùng cả”, cậu bé nói.

Chị Liễu luồn rừng đi cạo nhựa thông

Mặt trời tắt dần sau những rặng thông già, chị Liễu mệt mỏi trở về sau một ngày rong ruổi khắp các ngọn đồi. Vào Kon Tum hơn 20 năm trước, chị Liễu có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Khi gia đình đổ vỡ, chị dắt mấy đứa con về lại quê nhà. Cha mẹ hắt hủi, hàng xóm dị nghị vì tội “bỏ chồng”, tủi hờn chị dắt mấy đứa con trở lại Kon Tum. Không nhà không cửa, không mảnh đất cắm dùi, chị dựng lán ở dưới những tán rừng của H.Đăk Tô rồi xin một chân cạo nhựa thông.
Cực khổ quá, cô con gái đầu 17 tuổi của chị về lại quê làm công nhân xưởng may. Hai năm nay, chị nhận cạo 4.500 cây thông ở xã Đăk Trăm. Riêng đứa con thứ hai mới học đến lớp 5 cũng bỏ học để theo mẹ đi cạo mủ. Gắng sức lắm mỗi tháng mẹ con chị Liễu cũng thu về hơn 8 triệu đồng. Trừ các khoản mắm muối, gạo, thuốc..., mẹ con chị cũng chẳng dư được mấy đồng.
“Mấy mẹ con làm mãi chẳng dư được đồng nào. Mấy bữa mưa gió đã không làm ra tiền, 3 mẹ con còn ăn hụt vào tiền ứng trước. Giờ đang phải lo làm trả nợ cho chủ thầu”, chị Liễu tâm sự và bảo rằng ở trên rừng sợ nhất là vào mùa mưa. Túp lều quây bạt của mẹ con chị chẳng thể trụ nổi trước một cây thông ngã đổ. Có hôm mưa to gió lớn, mẹ con chị ôm nhau chui xuống gầm bàn để trốn.
Đang dở câu chuyện, Nguyễn Duy Nguyên (14 tuổi, con trai thứ 2 của chị Liễu) từ trên rừng trở về. Thả bó củi khô nhặt ở bìa rừng xuống góc bếp, Nguyên ngượng ngùng chạm mặt người lạ. Cậu vội vàng đem can đi xin nước bên lều hàng xóm cách đó chừng hơn cây số. Nhìn đứa con khắc khổ, chị Liễu chợt buông tiếng thở dài.
Bữa cơm tối của mẹ con chị Liễu cũng bắt đầu khi bóng tối đã bao trùm lên khắp nẻo. Gọi là bữa cơm nhưng thực chất chỉ có gói mì tôm với mấy miếng thịt mỡ sót lại từ buổi trưa. Ấy vậy mà cậu bé Lâm vẫn ăn một cách ngon lành. Ngại tiếp xúc với người lạ, nên Nguyên cứ trốn mãi bên nhà hàng xóm chẳng chịu về.
Ở một góc nào đó, chiếc đài cũ đang phát tin báo bão, đôi mắt chị Liễu cũng chợt chùng xuống, thẳm sâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.