Đợi văn bản

Vũ Hân
Vũ Hân
17/06/2021 04:43 GMT+7

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến nhanh, số ca F1 quá lớn, từ cuối tháng 5, Bắc Giang đã “xin” cách ly F1 tại nhà.

Đầu tháng 6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, trong cuộc họp với 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cũng yêu cầu khẩn trương thí điểm “cách ly tại chỗ, cách ly tại nhà, tự lấy mẫu xét nghiệm” khi dịch tại đây qua cao điểm nóng. Bộ Y tế cũng nhiều lần khẳng định “đã có hướng dẫn, đã có văn bản gửi Bắc Ninh, Bắc Giang”… Đến nay, thêm TP.HCM cũng “nghiên cứu” hướng này. Nhiều chuyên gia dịch tễ trong nước đã lên tiếng ủng hộ, dẫn cả kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế.
Nhưng thực tế Việt Nam, là chưa một địa phương nào thí điểm.
Trao đổi với người viết, một chuyên gia trong ngành lý giải, do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn, nên các địa phương còn “ngại”.
Vì sao Bộ thì khẳng định đã hướng dẫn, mà các địa phương lại cho là chưa có hướng dẫn? Có vẻ vấn đề nằm ở việc thiếu… văn bản. Văn bản mới nhất của Bộ Y tế trong Quyết định 2787 ngày 5.6 chưa hướng dẫn cụ thể các điều kiện để cách ly F1 tại nhà. Thực tế là chưa có văn bản nào hướng dẫn các điều kiện cụ thể này, mới chỉ có các trao đổi, chỉ đạo chuyên môn bằng miệng, như gia đình phải có phòng riêng, phải đảm bảo giám sát từ chính quyền và y tế địa phương, cộng đồng… Mà chưa có văn bản thì các địa phương còn chưa được yên tâm.

Bản tin Covid-19 ngày 16.6: Ngày dịch bệnh "kỷ lục" ở TP.HCM; virus len lỏi tấn công bệnh viện

Trong đợt chống dịch Covid-19 này, không phải lần đầu xu hướng “phòng vệ” (có phần thái quá?) của lãnh đạo các địa phương được đề cập đến. Hồi tháng 8.2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong lần chỉ huy chống dịch ở Đà Nẵng, đã phải kiến nghị Chính phủ tháo gỡ việc mua sắm thiết bị, vì “anh em rất sợ”. Thủ tướng, ngay sau đó, đã chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng phải thốt lên “dịch giã thế này, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai”. Tức là dù Chính phủ nhiều lần khẳng định, chỉ cần vì công việc chung, chỉ cần không tư lợi, thì cứ quyết đi, đừng sợ, thì các địa phương vẫn sợ.
Tâm lý phòng vệ này khiến cho sự chủ động bị hạn chế, và sự sáng tạo không có cơ hội nảy mầm. Do đó, làm việc gì địa phương cũng xin ý kiến, sau đó phải đợi có chỉ đạo bằng văn bản hẳn hoi mới yên tâm thực hiện. Văn bản mà chưa rõ thì lại xin ý kiến, lại đợi hướng dẫn, cho rõ hẳn mới thôi.
Không thể phủ nhận, bất kể các vướng mắc, vượt trên tâm lý phòng vệ, Việt Nam vẫn chống dịch thành công - cho tới lúc này. Nhưng tình huống ngày càng khó hơn, với quy mô dịch lớn hơn, diễn biến nhanh hơn và khó lường hơn. Lúc này, sự ngần ngừ có thể gây tai họa. Nhưng làm sao để hết ngần ngừ? Làm sao để các lãnh đạo địa phương không nhất quyết phải đợi văn bản?
“Nhà nước có trách nhiệm gì ở đây không?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng đặt câu hỏi khi nhắc đến sai phạm trong mua sắm đã khiến lãnh đạo CDC Hà Nội lĩnh án tù (mà nhiều người cho là nguồn cơn của sự “sợ sắm, sợ sai”) và yêu cầu “tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn”, mà trong đó có một thứ, là bức tường phòng vệ của những người “đứng mũi chịu sào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.