Đời xiếc rong - Kỳ 2: Nghiệp bầu

22/09/2011 23:45 GMT+7

“Nếu ghét ai đó, anh chỉ cần xúi họ đi… làm bầu xiếc”, một ông bầu gánh xiếc nói về cái sự “chua” của nghề mà anh đang theo đuổi.

>> Kỳ 1: Rã gánh sau mùa mưa gió

Bầu “liều”

Thật khó để gặp được một gánh xiếc trong những ngày mưa gió này. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đôi khi những gì chúng tôi có là tin gánh xiếc mình cần tìm đã ngưng hoạt động. May mắn hơn thì gặp được một diễn viên nọ đang kiếm cơm ở một tụ điểm vùng hẻo lánh. Nhưng với những con người rày đây mai đó này, để có cái hẹn cũng là một vấn đề. Một lần nghe đoàn Minh Tân đang biểu diễn tại Hậu Giang, chúng tôi đến nơi thì đoàn này đã nhổ sào.

Ngay cả ông chủ đoàn Minh Tân cũng có khi không biết đích xác đoàn xiếc mang tên mình đang diễn ở đâu. Mấy tháng trước, ông giao vai trò lèo lái đoàn cho người “con nuôi” đi lưu diễn để có thu nhập nuôi cơm anh em trong mùa mưa ế ẩm. Nhưng lần sau gặp lại, ông cho hay người ta đã bán dây điện, bán luôn cái ampli của đoàn để mua gạo…

Những ngày “con thoi” như thế, chúng tôi vô tình là sợi dây liên lạc giữa những con người bèo nước hợp tan. Những con người bôn ba với nghề xiếc rong vốn không xa lạ gì nhau, nhưng dường như khi dẫn đoàn đi diễn, họ tránh nhau là chính. Bầu Hoàng Long nói trước đây, những gánh xiếc cỡ như gánh Hải Long Sao Đỏ của anh khi đi lưu diễn, gặp đoàn Minh Tân thì phải “tránh xa mười cây số”. Một thời những tiết mục thách thức khả năng con người của đoàn Minh Tân, đại loại như: nuốt kiếm, nuốt rắn sống, xuyên phá vật cứng, móc mắt, nâng vật nặng, song thương kích hầu, đinh đóng qua vai, lẹm xuyên qua ngực… hao hao giống các pha của cánh Sơn Đông mãi võ đã trở thành nam châm hút vé. Nhưng những thành tựu khổ luyện hay đầu tư cho mấy thì cũng không thể diễn đi diễn lại trên cùng một bến.

Về điều này, Hoàng Long nể người đồng môn Trọng Kha của mình ở óc tìm tòi, sáng tạo. Hết xiếc rồi tới ảo thuật, dường như năm nào đoàn Hương Xuân của Trọng Kha cũng cho trình làng những tiết mục mới. Nhờ đó, họ tránh được sự nhàm chán của khán giả.

Nhưng cũng ít ai như Hoàng Long lại dám “xách” đoàn đi diễn xuyên suốt mùa mưa bão. Đồng nghiệp gọi anh là “bầu liều”. Nhưng trong một lần trò chuyện rất khuya sau đêm diễn, Hoàng Long nói thật rằng mình đã không còn đường lùi. “Giống như người ta bị yếu trong mình mà nằm xuống thì sẽ khó gượng lên được”, anh mường tượng. Bởi nếu anh cho đoàn tạm ngưng thì diễn viên trong đoàn sẽ tứ tán. Đến khi tựu hợp lại thì khó lòng có đủ người để diễn. Nhiều đoàn sở hữu nhiều tiết mục hay, nhưng cứ mỗi mùa nằm bến là họ lại mất người. Đến nỗi những đoàn xiếc này chỉ còn là nhóm xiếc, rồi dần dần rã gánh.

“Chua” như đời bầu xiếc

Mộng làm nghệ sĩ cải lương, nhưng năm 17 tuổi, Hoàng Long lại xin vào một chân hậu đài ở đoàn xiếc Ngọc Giao. Thấy anh ham học hỏi, chịu khó, nhiều anh em trong đoàn thương nên không giấu nghề. Thế rồi đoàn Ngọc Giao giải tán, anh lại phải nổi trôi nhiều nơi khác. Đến khi được một nữ phụ diễn xinh đẹp tại đoàn Đại Dương nhận lời yêu, Hoàng Long thấy mình nên chấm dứt phận làm thuê. Số tiền 8 triệu đồng dành dụm cũng cho anh “có cảm giác làm chủ” khi hùn với hai người khác ra một đoàn xiếc nho nhỏ.

Tuy là “ông chủ”, nhưng anh cũng kiêm luôn diễn viên, bốc vác, hậu đài… và tiếp tục huyễn hoặc mình cho đến khi người ta phát cho vợ chồng anh 7.000 đồng ăn xôi, gọi là tiền thù lao sau đêm diễn. Tủi thân, vợ chồng ông bầu trẻ quay lại kiếp diễn thuê. Có lúc vì mải đi sô, anh đã “gửi” vợ lại ở một đoàn xiếc nào đó cả tháng trời. Đến lúc vợ sinh con, anh lại chở chị về “gửi” nhà mẹ vợ. Và khi con anh ra tháng, vợ chồng anh tiếp tục gửi cháu cho nhà ngoại nuôi nấng, lại bắt đầu cuộc đời gạo chợ nước sông.

Mưa bão, nằm bến, trả vé… là chuyện thường của đời xiếc rong. Không thể kể hết những buồn vui trong thời thắt ngặt. Nhiều địa phương thấy đoàn diễn ế ẩm, không doanh thu đã không lấy tiền bến bãi, không thu phí bảo vệ trật tự, thậm chí có nơi người dân, cán bộ còn tổ chức nấu ăn để nuôi đoàn. Mới đây, biết đoàn gặp khó, dân địa phương nơi đoàn về diễn đến gặp nhân viên của đoàn để… kêu công cắt lúa. Vài người xin anh cho “làm thêm”, nhưng Long cự tuyệt. Vì “mình là gánh xiếc chứ không phải gánh… gặt mướn”. Rằng tuy thiếu thốn nhưng cũng phải giữ “tư thế nghệ sĩ”, “ban ngày anh đi gặt mướn cho người ta, ban đêm sức đâu để diễn, mà diễn cho ai coi?”.

Vì không để những người theo mình sống quá thiếu thốn, vợ chồng anh phải bán cả vàng cưới để lo cái ăn cho anh em trong những ngày đoàn không diễn được. Hay phải chia đều hết tiền bán vé trong đêm diễn cho mọi người. Long nói, hết lòng như thế nên đoàn của anh rất ít khi mất người, dù để quản lý những con người “bèo nước gặp nhau” này, lắm khi ông bầu cũng phải cho nhân viên… ăn đòn.

Đoàn Hương Xuân của Trọng Kha thì có một hoàn cảnh khác. Vì diễn viên nòng cốt là anh chị em, con cháu trong nhà nên anh không sợ thiếu người mỗi khi đoàn tái hợp. Nói thế, nhưng những ngày tạm giải tán, bên cạnh đầu tư các tiết mục mới, anh còn phải nhận diễn sô các nơi để có tiền trả lương cho những người ở lại giữ sân khấu, đạo cụ và tập luyện cùng anh. Đường hoàng là một trưởng đoàn xiếc ăn nên làm ra, nhưng Trọng Kha nói đôi khi anh cũng phải diễn tăng cường với thù lao rẻ để giúp anh em đồng nghiệp ở những đoàn khác duy trì hoạt động.

Không ít lần diễn xong, chủ đoàn kêu anh gạ bán lại đoàn với giá rẻ. Có lần sau đêm diễn, vợ chồng bầu sô ôm tiền trốn biệt. Hỏi ra mới biết âm thanh, ánh sáng, trống đờn… tất tần tật họ đều thuê chưa trả tiền. Lần sau gặp lại, cặp vợ chồng này thú thật: “Lỗ lã quá, anh chị gánh không đặng nên… làm liều một phen. Nợ nần gì để sau này, hãy nhớ giùm anh chị”. Nói vậy, nhưng anh lòng nào “nhớ”.

Hoàng Long nói, không hiếm khi đoàn vừa cập bến, nhân viên vừa chạy phát loa quảng cáo thì có người đến đòi tiền… bảo kê. Để yên thân, dăm ba lần anh cũng phải bấm bụng “chung chi”. Một lần anh phớt lờ thì lập tức có người đến áng ngang cửa để thu tiền vé… Vì chống lại chuyện bảo kê của “thổ địa” mà có lần đoàn Hương Xuân đã bị một nhóm “cao bồi vườn” tới “bình địa”. Kết quả là có nhân viên của đoàn phải nhập viện.

Nhiều ông bầu xiếc nói rằng biết cầm đoàn trong thời buổi này là rất “chua”, nhưng họ phải duy trì sân khấu để anh em có đất diễn, có cớ sinh nhai. Trong hoàn cảnh mà nghệ thuật đôi khi chỉ mang lại niềm hy vọng bữa cơm qua ngày, thì lý do để họ bám nghề là để tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin vào một ngày đẹp trời khác.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.