Đóng cửa điểm tham quan để nghỉ trưa

27/10/2016 10:00 GMT+7

Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế mới đây cho biết, vào mùa hè 2017 một phần Đại Nội sẽ thí điểm mở cửa đón khách tham quan vào ban đêm.

Nhiều hãng lữ hành ủng hộ phương án này và đề xuất hệ thống bảo tàng ở VN, những nơi có đông du khách lui tới, nên mở cửa xuyên trưa.
Vật vã chờ mở cửa
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3, TP.HCM) nằm trên đường Võ Văn Tần trong năm 2015 thu hút gần 720.000 khách nước ngoài và 220.000 khách trong nước. Tuy nhiên, cũng như các bảo tàng và điểm tham quan khác trong cả nước, bảo tàng này đóng cửa buổi trưa từ 12 giờ đến 13 giờ 30. Vì thế, khoảng 13 giờ chiều, nhiều nhóm du khách người nước ngoài tụ tập trước cổng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vật vã đợi tới giờ mở cửa để vào tham quan. Nhóm khách của chị Naoko (Nhật Bản) là một trong số đó. Chị cho biết, ở nhiều bảo tàng trên thế giới không đóng cửa vào buổi trưa nên nhóm của chị chủ quan không kiểm tra giờ giấc, do đó phải ngồi chờ để vào bên trong lúc 13 giờ 30.
Anh Lâm Minh Tâm, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp ở TP.HCM, kể: Các bảo tàng, điểm tham quan đóng cửa vào buổi trưa gây nhiều bất tiện cho du khách. Nhiều lúc, khách đang coi đã phải vội vã đi ra vì tới giờ đóng cửa nghỉ trưa. “Đúng giờ đóng cửa, các bảo tàng ngay lập tức tắt đèn và đóng cửa, mặc khách đang coi dở dang. Khách vội vàng đi ra. Nhiều khách mới vào nửa tiếng chưa kịp đi hết các phòng; nhiều khách muốn xem kỹ hơn cũng không được”, anh Tâm nói. Theo anh, khách châu Âu, Mỹ… đến VN do lệch múi giờ nên thức khuya và dậy trễ. Có khi, hơn 10 giờ họ mới ăn sáng xong và rời khách sạn để đi tham quan. Các điểm đến như bảo tàng, dinh Thống Nhất… không thể coi hết trong một hoặc hai giờ. Có người dành cả ngày trong bảo tàng để ngắm nghía, nghiên cứu nên trưa phải ra ngoài và chiều quay lại. Có ý kiến cho rằng, buổi trưa ở TP.HCM thường có khí hậu nóng bức không phù hợp với việc tham quan, tuy nhiên, khách nước ngoài thường không ngại nắng nóng. Hơn nữa, các bảo tàng đều có hệ thống máy lạnh bên trong; dinh Thống Nhất, Bảo tàng Lịch sử... đều nằm giữa khu vực cây cối mát mẻ.


Không phải đợi đến lúc Đại Nội thí điểm mở cửa vào ban đêm để thu hút du khách, mà từ lâu, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ VN (Hà Nội) đã gia tăng thời gian phục vụ bằng cách mở cửa xuyên trưa. Hiện, đây là hai bảo tàng hiếm hoi ở VN mở cửa thông tầm. Với nội dung trưng bày phong phú, Bảo tàng Dân tộc học nhiều lần vào danh sách bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á; Bảo tàng Phụ nữ VN cũng là điểm đến phổ biến ở Hà Nội.

Trở lại với việc mở cửa Đại Nội vào ban đêm, theo lý giải của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, vào mùa hè ở miền Trung nắng nóng, nên nhiều du khách muốn tham quan vào ban đêm. Theo đó, trục từ cửa Ngọ Môn - điện Thái Hòa - Thế Miếu - cung Diên Thọ - cung Trường Sanh - lầu Tứ Phương Vô Sự - cửa Hòa Bình sẽ là lộ trình nằm trong đợt thí điểm này. Thực tế, trong những lần diễn ra Festival Huế, Đại Nội đã mở cửa vào ban đêm để tổ chức các sự kiện văn hóa và đã thu hút rất đông du khách tham quan.
Thêm sản phẩm du lịch
Là người đi nhiều nơi trên thế giới, ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty du lịch VYC, cho biết hầu hết các bảo tàng nằm trong lịch trình tham quan của du khách đều mở cửa buổi trưa. Có bảo tàng bù lại bằng việc đóng cửa vào ngày thứ hai hoặc thứ ba. Không chỉ mở cửa buổi trưa, nhiều bảo tàng ở Mỹ, châu Âu mở cửa tới 11 giờ đêm”, ông Trường nói. Cùng quan điểm, theo ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, các bảo tàng ở VN nên thí điểm mở cửa vào ban đêm kết hợp với một vài hoạt động văn nghệ định kỳ. Như thế, các công ty du lịch sẽ biết lịch trình và đưa khách đến. “Thực tế, ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, ban đêm vẫn còn thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, vì thế, nếu mở cửa bảo tàng vào ban đêm sẽ có sức hút đặc biệt với du khách nước ngoài, tăng doanh thu cho ngành du lịch địa phương. Các bảo tàng ở TP.HCM như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, dinh Thống Nhất có kiến trúc rất đẹp. Nếu được “đánh” đèn sẽ tạo được không gian lung linh, huyền ảo và trở thành điểm nhấn của du lịch thành phố”, ông Huê phát biểu.
Bà Trần Thùy Linh, chuyên gia du lịch, cho biết các bảo tàng ở Đức thường dành một ngày trong tuần mở cửa tới 9 giờ tối, có bảo tàng còn miễn hoặc giảm giá vé vào cổng để khuyến khích du khách và người dân địa phương tham quan. Ở VN, ngoài việc nghiên cứu mở cửa xuyên trưa cho du khách, các bảo tàng cũng nên xem xét thí điểm đóng cửa muộn hơn. Một số bảo tàng có vị trí rất tốt để mở cửa vào ban đêm, như Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội) gần phố đi bộ bờ hồ. Nếu mở cửa ban đêm, Hà Nội sẽ có thêm một sản phẩm du lịch nữa cho du khách và người dân. “Sau khi thí điểm mở cửa một đêm định kỳ trong tuần, nếu có kết quả tốt, sẽ nâng số đêm đóng cửa muộn lên”, bà Linh nêu ý kiến.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết có nhiều du khách đề nghị bảo tàng mở cửa luôn buổi trưa. “Nhưng đối với lượng khách quá đông vào bảo tàng, sau một buổi sáng chúng tôi cần tổng vệ sinh tất cả phòng trưng bày, hành lang, nhà vệ sinh… để khách đến buổi chiều được phục vụ trong điều kiện sạch sẽ”, bà Vân lý giải. Theo bà Vân, sở dĩ bảo tàng không thể vừa tiến hành vệ sinh vừa phục vụ khách do có diện tích quá nhỏ mà lượng khách lại quá đông.
Tuy nhiên, quan điểm của TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học về việc mở cửa bảo tàng vào buổi trưa thì khác. Ông Huy cho biết, Bảo tàng Dân tộc học mở cửa xuyên trưa từ năm 2000 và ngay sau đó, lượng khách đến tham quan tăng lên đột biến. Bảo tàng thay vì mở cửa 7 giờ 30 sáng đã dời lại trễ hơn, lúc 8 giờ 30; buổi trưa cử người trực theo ca; người trực trưa có chế độ riêng. “Các bảo tàng mở cửa vào buổi trưa mới thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch. Nói chung, khách đi du lịch không tính thời gian. Hiện nay, khách ở Bảo tàng Dân tộc học vào buổi trưa rất đông. Còn việc các bảo tàng nói đóng cửa buổi trưa để dọn dẹp vệ sinh là vì họ không muốn mở cửa vào thời gian này”, ông Huy phát biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.