Đóng cửa lò gạch hoffman

26/12/2014 08:00 GMT+7

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vừa có cuộc họp với UBND tỉnh Bình Dương về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman (loại lò nung đốt theo công nghệ cũ), giải quyết việc làm cho người lao động.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vừa có cuộc họp với UBND tỉnh Bình Dương về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman (loại lò nung đốt theo công nghệ cũ), giải quyết việc làm cho người lao động.

Công nhân làm việc ở lò gạch hoffman Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường
Khu nhà ở của công nhân ngay tại nơi sản xuất gạch hoffman - Ảnh: Đỗ Trường
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman, tháng 7.2012 UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các huyện, thị xã thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch này trên địa bàn tỉnh (chậm nhất là đến ngày 30.6.2014). Sau khi có chỉ đạo, một số cơ sở sản xuất gạch hoffman không chấp nhận chuyển đổi công nghệ và vẫn tiếp tục sản xuất.
Kiên quyết đóng cửa “cứu” môi trường
Theo Sở Xây dựng, đối với các cơ sở, doanh nghiệp (DN) xây dựng không phép, sai phép, không chấp hành chấm dứt hoạt động… UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các huyện, thị xã xem xét mức độ và lĩnh vực vi phạm của các cơ sở, DN để tiến hành xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với các cơ sở, DN chấp hành tốt các quy định thì UBND tỉnh Bình Dương khuyến khích cho chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý như xây dựng, đất đai… để các DN sớm ổn định và tiếp tục hoạt động trong môi trường mới. Giao cho UBND các huyện, thị xã phối hợp Sở LĐ-TB-XH, LĐLĐ tham mưu các chính sách hỗ trợ đối với lao động trong và ngoài độ tuổi làm việc tại các lò gạch Hoffman. Tập trung giải quyết chế độ cho người lao động có đóng BHXH và hướng dẫn họ thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong trường hợp không có BHXH, thì bắt buộc DN đó phải tự giải quyết hỗ trợ cho người lao động…Tính đến ngày 10.6, toàn tỉnh có 105/114 cơ sở sản xuất lò gạch hoffman đã ngừng hoạt động. Hiện nay, Bình Dương có 54 lò gạch tuynel (nung đốt theo công nghệ mới) với tổng công suất thiết kế khoảng 1,62 tỉ viên/năm, cao hơn gấp đôi so với định hướng tổng công suất thiết kế gạch nung.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Trần Nam-Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết quy hoạch và lộ trình của tỉnh Bình Dương về việc chấm dứt hoạt động các lò gạch hoffman là hợp lý, đúng quy định. Theo ông Nam, nước ta hiện nay mỗi năm sản xuất khoảng 22-24 tỉ viên gạch, dự kiến đến năm 2020, tăng lên 40 tỉ viên.“Với số lượng gạch như vậy, nếu sản xuất hoàn toàn bằng đất nung thì sẽ tiêu tốn khoảng trên 2.000ha đất mỗi năm, tương đương với diện tích của một xã và sẽ tiêu hao khoảng 6 triệu tấn than. Chưa hết, hiện nay mỗi năm chúng ta sản xuất 40 triệu tấn than và theo quy hoạch thì khoảng 60 triệu tấn than cung cấp cho nhiệt điện. Với số lượng này, hàng năm chúng ta thải ra môi trường khoảng 17 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường”, ông Nam phân tích.
Theo ông Nam, sau khi kiểm tra và làm việc đoàn sẽ có kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời ông Nam cũng lưu ý, việc xử lý cần căn cứ vào pháp luật, đúng định hướng, đúng chủ trương. “Trong Quyết định số 1469 ngày 22.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ có giao cho UBND các tỉnh xem xét điều chỉnh, căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng vùng miền, quy định mà rà soát lại quy hoạch. Từ đó xem chỗ nào có thể chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây dựng không nung, chỗ nào chuyển sang sản xuất bằng công nghệ lò gạch Tuynel có bài bản, căn cơ và trật tự, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh”, ông Nam kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.