Đóng cửa trường vì sợ dịch bệnh “tấn công”

14/07/2011 16:26 GMT+7

* 20 ca tử vong vì tay chân miệng (TNO) Trong những ngày qua, lo sợ bệnh tay chân miệng (TCM) lây lan, nhiều trường mầm non tại TP.HCM đã “đóng cửa”, không nhận giữ trẻ. Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM khẳng định: “Dịch bệnh không lây lan trong trường học”.

>> Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tăng cao
>> Tư vấn trực tuyến: Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng
>> Bệnh tay chân miệng tăng kỷ lục
>> Tại sao bệnh tay chân miệng tăng chóng mặt?
>> Virus bệnh tay chân miệng biến đổi, nguy hiểm hơn
>> Nhiều loại bệnh "vào mùa"

“Đóng cửa” trường vì bệnh TCM

Tại trường mầm non Vàng Anh (Q.8, TP.HCM), phụ huynh được thông báo về việc trường tạm ngưng giữ trẻ trong thời gian này vì bệnh TCM.

 
Trường mầm non Vàng Anh (Q.8) "cổng đóng then cài" vì bệnh TCM - Ảnh: Nguyên Mi

Giải thích lý do dẫn đến quyết định trên, đại diện nhà trường cho biết, vừa qua, có một học sinh của trường bị bệnh TCM nhưng phụ huynh không biết và bé vẫn đến lớp. Sau khi bé nhập viện, cơ quan y tế đã đến trường khoanh vùng, chống dịch, kiểm tra tình trạng sức khỏe của tất cả học sinh. Chính vì vậy, để an toàn, nhà trường quyết định tạm ngưng giữ trẻ trong những ngày hè này.

Tương tự, nhiều trường mầm non khác tại Q.8 cũng tạm “đóng cửa” trường, không dạy hè.

Không có sự lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học. Do đó, việc “đóng cửa” của các trường mầm non tại Q.8 không phải là ý kiến của Sở Y tế
Ông Lê Trường Giang
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Hôm nay (14.7), UBND Q.8 có thông báo các trường mầm non công lập trên địa bàn quận đã thống nhất với phụ huynh ngưng giữ trẻ dịp hè do tình hình bệnh TCM đang lây lan.

Các trường mầm non, điểm giữ trẻ ngoài công lập vẫn tổ chức hoạt động bình thường nhưng có sự kiểm tra, giám sát định kỳ của ngành y tế, giáo dục về vệ sinh phòng dịch.

Một số trường nói rõ với phụ huynh không nhận các bé khi có triệu chứng sốt, nổi mẩn đỏ ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối...

Số học sinh tham gia hoạt động hè tại các trường chiếm tỉ lệ 40% trên tổng số học sinh trong năm học.

UBND Q.8 cho biết, tính đến ngày 13.7, có 10/26 trường mầm non tại Q.8 có trẻ bị nhiễm bệnh TCM, với 12 ca mắc. Toàn quận có 3 ca tử vong.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Đây là thời gian các trường mầm non tổ chức dạy hè, giữ trẻ cho phụ huynh đi làm, theo nhu cầu của phụ huynh. Vì là học hè nên việc nhận giữ trẻ hay nghỉ học, cụ thể như trường hợp của các trường mầm non tại Q.8 như đã nêu, là trên cơ sở thỏa thuận ý kiến của hiệu trưởng và phụ huynh. Sở GD-ĐT không thể bắt buộc trường nhận hay không nhận giữ trẻ trong dịp hè được. Sở GD-ĐT cũng như Phòng GD-ĐT Q.8 không hề có ý kiến chỉ đạo “đóng cửa” trường học.

Theo ông Sơn, còn trong năm học thì về việc quyết định “đóng cửa” trường nếu có bệnh lây lan thì từ trước tới giờ Sở Y tế và Sở GD-ĐT đều phải thực hiện theo quy trình: nhà trường phát hiện bệnh thì phải báo ngay cho cơ quan y tế đến thực hiện các biện pháp phòng dịch, đánh giá tình hình; hiệu trưởng nhà trường phải báo cáo với phòng GD và báo cáo với UBND TP, dựa vào kết luận của bên y tế, nếu đến mức độ phải “đóng cửa” thì UBND TP, Sở GD-ĐT mới chỉ đạo “đóng cửa” trường.

Bệnh chưa lây lan trong trường học

Thông tin mới nhất, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, sáng nay (14.7): đã có thêm 3 ca tử vong do bệnh TCM tại TP.HCM trong nửa đầu tháng 7 (tính đến thời điểm 14.7), đưa tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên đến 20 (chiếm gần 1/2 trong tổng số ca tử vong của cả nước).


Bệnh nhi TCM được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn TP.HCM có gần 5.000 ca mắc bệnh TCM. Trong đó, tháng 6 là tháng “giữ” kỷ lục số ca bệnh TCM cao nhất từ khi bệnh được đưa vào giám sát, phòng dịch tại VN, với 2.093 ca.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), đánh giá: Thông thường, theo chu kỳ bệnh của các năm, đây là thời gian xuống thấp điểm của bệnh TCM, chỉ còn rải rác vài ca bệnh nhập viện mỗi ngày. Tuy nhiên, cho đến giờ, các bác sĩ vẫn phải căng sức ra chống bệnh TCM.

Tại hai khoa nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM), trung bình vẫn có 150-200 bệnh nhi tay chân miệng nằm viện và có khoảng 60-80 bệnh nhi mới nhập viện mỗi ngày.

Trả lời phóng viên Thanh Niên Online, ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: “Không có sự lây lan bệnh tay chân miệng trong trường học. Do đó, việc “đóng cửa” của các trường mầm non tại Q.8 không phải là ý kiến của Sở Y tế”.

 

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, bệnh TCM hiện chưa có thuốc phòng ngừa và chữa trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh ở mỗi hộ gia đình: vệ sinh khử khuẩn môi trường; rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, để bàn tay không mang con virus này đưa vào cơ thể; vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với đồ chơi, vật dụng của trẻ cũng như môi trường trẻ sinh hoạt.

Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyên phụ huynh: Nếu thấy trẻ có biểu hiện lở miệng, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, gối, mông, kèm theo sốt cao liên tục, giật mình (nhất là khi ngủ), hốt hoảng, bứt rứt, run tay chân, đi đứng loạng choạng, ói nhiều, thở nhanh,… thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám chữa. Trẻ nhập viện trễ, sốc thì rất khó cứu.

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.