Động đất kinh hoàng tại Nepal, hơn 1.500 người chết

26/04/2015 06:50 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên qua điện thoại, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal Trần Quang Tuyến cho hay sứ quán đang nhờ người quen ở Nepal tìm hiểu thêm xem bà con ở Nepal có ai bị ảnh hưởng vì trận động đất kinh hoàng này không.

>> Hơn 1.500 người chết (tính đến 0 giờ ngày 26.4)
>> Dư chấn gây thiệt hại nhiều nước lân cận
>> Chưa có thông tin về người Việt bị nạn

Hơn 1.500 người thiệt mạng ở Nepal và nhiều nước láng giềng sau khi trận động đất 7,9 độ Richter xảy ra gần thủ đô nước này.

Lực lượng cứu hộ và người dân tập trung tại đống đổ nát của tháp Darahara ở thủ đô Kathmandu - Ảnh: AFP
Trận động đất xảy ra lúc gần 12 giờ trưa 25.4 (giờ địa phương) tại khu vực cách TP. Pokhara 68 km và cách thủ đô Kathmandu 81 km của Nepal, với tâm chấn nằm ở độ sâu 15 km, AFP dẫn thông báo từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho hay. Đây là trận động đất tồi tệ nhất mà Nepal hứng phải trong vòng 81 năm qua, sau trận động đất mạnh 8,1 độ Richter năm 1934, khiến 10.700 người thiệt mạng.
Tờ The Washington Post dẫn lời Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nepal Minendra Rijal xác nhận số nạn nhân tử vong đã lên tới 1.457 người và lo ngại con số này có thể tăng lên do vẫn chưa liên lạc được với các khu vực hẻo lánh. Tại các nước láng giềng Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc cũng có ít nhất 52 người chết.
Một nạn nhân bị vùi dưới đống đổ nát ở Kathmandu -  Ảnh: El Pais
Trận động đất đã khiến tòa tháp cổ Darahara ở Kathmandu đổ sập, khiến ít nhất 200 người mắc kẹt. Một phóng viên AFP tại Kathmandu kể lại: “Nhiều bức tường đổ sập xung quanh tôi. Tất cả gia đình ở đó chạy ra sân và ôm chặt lấy nhau”. Một người dân địa phương tên Anupa Shrestha chưa hết bàng hoàng kể lại với AFP: “Mọi thứ bắt đầu rung lắc rồi đổ ngã. Những bức tường xung quanh con đường chính sập xuống. Cổng sân vận động quốc gia cũng sập”.
Cảnh sát xác nhận với AFP rằng mức thiệt hại rất lớn, do có nhiều ngôi nhà và tòa nhà đổ sập. Động đất còn làm hư hại sân bay quốc tế duy nhất của Nepal, khiến các hành khách hoảng loạn. Quan chức tại Đại sứ quán Hà Lan Kari Cuelenaere cho hay chấn động đã khiến nước tóe ra khỏi hồ bơi của một khách sạn ở Kathmandu. “Thật khủng khiếp, bất thình lình, nước tóe ra khỏi hồ, khiến mọi người ướt sũng và trẻ con kêu gào… Nhiều phần của thủ đô đổ sập, bụi bay mù mịt”, bà Cuelenaere kể.
Anh Surendra, một người dân ở Kathmandu nói với Thanh Niên rằng tình hình hết sức hỗn loạn sau trận động đất, nhiều cơn dư chấn liên tiếp xảy ra sau đó. Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên qua điện thoại, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal Trần Quang Tuyến cho hay sứ quán vẫn liên hệ được với một người quen ở Nepal và đang nhờ người này tìm hiểu thêm xem bà con ở Nepal có ai bị ảnh hưởng không. Ông Tuyến cho biết đại sứ quán cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng ở Nepal để tìm hiểu tình hình.
Sau trận động đất khoảng 2 giờ, nhiều đợt dư chấn lớn xảy ra, gây thương vong ở nhiều nước láng giềng của Nepal như Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Cụ thể, giới chức Ấn Độ cho Reuters hay có ít nhất 36 người chết và hàng trăm người bị thương tại 3 bang ở miền đông bắc nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã triệu tập cuộc họp cấp cao để đánh giá tình hình. Không quân Ấn Độ cũng đã ban bố tình trạng báo động cao và sẵn sàng cho công tác cứu hộ, theo Tân Hoa xã.
Nhà chức trách Bangladesh thì cho hay sau trận động đất ở Nepal, dư chấn 5,5 độ Richter đã làm rung chuyển nước này, khiến 4 người chết, hơn 100 người bị thương và nhiều tòa nhà bị nứt. Còn tại Trung Quốc, Khu tự trị Tây tạng đã hứng đợt dư chấn 5,9 độ Richter, khiến ít nhất 12 người chết.
Tuyết lở ở núi Everest, 18 người thiệt mạng
Trận động đất còn gây ra lở tuyết ở ngọn núi cao nhất thế giới Everest, làm ít nhất 18 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Theo Reuters, động đất gây lở tuyết lớn gần trạm nghỉ chân Everest Base Camp (ở độ cao khoảng 5.200 m). Một quan chức ngành du lịch tên Gyanendra Shrestha ở Nepal cho hay một phần của trạm nghỉ chân đã bị chôn vùi. “Số thương vong có thể còn tăng cao, có thể bao gồm nhiều du khách nước ngoài cũng như người bản xứ”, quan chức trên nói.
Đài Sky News dẫn lời Ang Tshering thuộc Hiệp hội Leo núi Nepal cho hay vào thời điểm thảm họa xảy ra, khoảng 700 người leo núi có mặt ở vùng Solukhumbu, vốn bao gồm cả núi Everest và chừng 300 người trong số này được cho đang nghỉ ngơi ở Everest Base Camp. “Chúng tôi đang cố liên lạc qua điện thoại để xem họ có an toàn hay không, song không được”, một quan chức cảnh sát địa phương cho AFP biết.    
Danh Toại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.