Động lực từ vùng đông nam Quảng Nam

29/05/2020 08:00 GMT+7

Hơn 20 năm chia tách, tái lập tỉnh (1997-2020), Quảng Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong quá trình phát triển đi lên.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhiều cơ sở kinh tế hình thành, trong đó có nhà máy với quy mô lớn mang tầm quốc gia đã tham gia giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam.

Quy hoạch KKTM Chu Lai

Ảnh: H.T

Chắp cánh cho Chu Lai
Dù vậy, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã nhận ra một số trở ngại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế mở Chu Lai (KKTM Chu Lai) và vùng đông nam ven biển nên tổ chức nhiều hội nghị để định hình lại cơ cấu kinh tế, xác định dự án trọng điểm đầu tư tạo động lực phát triển lan tỏa, quy hoạch sắp xếp dân cư… nhằm phát huy tối đa lợi thế của Quảng Nam trong tình hình mới. Ngày 27.4.2016, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Kết luận số 25/KL-TU, đưa ra 6 nhóm dự án động lực cho mục tiêu phát triển bền vững KKTM Chu Lai và vùng đông nam ven biển Quảng Nam, trên cơ sở đa dạng hóa các ngành công nghiệp, dịch vụ, gắn dự án động lực với các nhà đầu tư chiến lược… Tầm nhìn chiến lược và những kỳ vọng đặt ra từ 6 nhóm dự án này thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị Quảng Nam nhằm tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho KKTM Chu Lai cũng như vùng đông nam ven biển.
Để thực hiện thành công 6 nhóm dự án trọng điểm, Tỉnh ủy Quảng Nam nêu rõ cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những vấn đề trọng tâm là điều chỉnh, rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư. Tập trung giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khung mang ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng, trong đó phát triển mạnh các tuyến giao thông đường bộ ven biển từ Hội An đến sân bay Chu Lai, kết nối QL1 và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các tuyến quốc lộ kết nối Tây nguyên… Đồng thời, tiếp tục nạo vét cải thiện luồng tàu biển Kỳ Hà và đầu tư mở rộng bến cảng đáp ứng cho tàu 50.000 tấn, nâng cấp hạ tầng sân bay Chu Lai, đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực cho phát triển...

Cảng biển, cảng hàng không, khu công nghiệp gắn kết với khu đô thị sinh thái, du lịch… là động lực để phát triển bền vững cho Quảng Nam

Ảnh: Minh Hải

Tín hiệu lạc quan từ vùng Đông Nam
Vùng đông nam Quảng Nam được xác định nằm dọc dài theo đường 129, đi qua các xã ven biển của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Cũng như bao vùng quê nghèo của dải đất miền Trung, đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do điều kiện canh tác, sản xuất không thuận lợi. Đất rộng, người thưa, cát trắng, nắng tràn; hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa cơ sở không đảm bảo, việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân cũng bế tắc… Vì vậy, khi dự án Vinpearl nam Hội An do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đã mở ra một cơ hội mới cho đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở H.Thăng Bình. Tiếp đó, dự án đầu tư Khu nghỉ dưỡng nam Hội An của liên danh 3 tập đoàn Chow Tai Fook, Suncity Group, VinaCapital tại H.Duy Xuyên khởi động với số vốn 4 tỉ USD (hiện đang chờ khánh thành giai đoạn 1) hứa hẹn mang lại nguồn thu 700 tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách. Điều quan trọng hơn, hàng nghìn lao động địa phương tìm được việc làm mới, dần dần cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình. Chưa kể, hàng chục nghìn hộ dân được quy hoạch, di dời, bố trí vào các khu dân cư mới với hệ thống hạ tầng cơ sở không khác gì khu dân cư nơi phố thị. Diện mạo vùng ven biển thay đổi, nhà cửa khang trang, đời sống người dân được nâng lên…
Những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như Vinpearl nam Hội An, đô thị sinh thái dành cho hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân có tay nghề cao như Vịnh An Hòa (do Công ty CP Chu Lai Hội An đầu tư) rồi trường học đạt chuẩn quốc tế, những dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, logistic, dệt may, da giày… sẽ lần lượt hình thành trên quy hoạch 6 nhóm dự án động lực cho vùng đông nam và KKTM Chu Lai. Đây chính là nền tảng quan trọng, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng từng dự án nói riêng và cho toàn vùng ven biển của Quảng Nam nói chung…
Để triển khai hiệu quả Kết luận số 25-KL/TU ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam (xây dựng vùng đông nam thật sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh), tháng 3.2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tiếp tục yêu cầu quán triệt sâu rộng Kết luận số 25-KL/TU, nâng cao nhận thức, hành động trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân về định hướng và giải pháp thực hiện các nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhóm dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu thành lập Tổ công tác để hỗ trợ các xã kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, cơi nới trái phép, lập lại trật tự kỷ cương pháp luật trên lĩnh vực này… Những chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy Quảng Nam đã tạo niềm tin trong nhân dân về sự phát triển bền vững và tạo sự an tâm cho nhà đầu tư.
6 nhóm dự án động lực của Quảng Nam
Tổng diện tích sử dụng đất trên 10.000ha, thuộc địa bàn Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ; quy hoạch phát triển dựa trên trục xương sống là đường ven biển từ TP.Hội An đến KKTM Chu Lai (đường 129, nay đổi thành đường Võ Chí Công, quy hoạch rộng 100m). Bao gồm:
- Nhóm dự án Khu đô thị, du lịch nam Hội An: quy mô khoảng 4.000ha, định hướng đầu tư khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp.
- Nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: khoảng 2.000ha, thuộc KCN Tam Hiệp và Tam Anh.
- Nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ: góp phần phát triển ngành công nghiệp dệt, may và công nghiệp phụ trợ ngành may, giải quyết việc làm và hình thành đô thị phía đông Tam Kỳ.
- Nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai: Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và định hướng đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn cấp 4F; công suất đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn hàng hóa và 4,1 triệu hành khách/năm.
- Nhóm dự án khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí: khoảng 1.000ha, kỳ vọng tạo đột phá cho vùng đông nam và toàn tỉnh Quảng Nam; cơ sở để xúc tiến đầu tư các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, công nghiệp hóa chất, sản phẩm thứ phẩm sau khí.
- Nhóm dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.