“Đồng nghiệp” của những người làm báo

21/06/2007 13:55 GMT+7

Bắt đầu một ngày làm việc vào lúc gà... lên chuồng và chỉ rời công sở khi gà gáy sáng, đấy là thời gian biểu của những kỹ thuật viên, công nhân in... Họ được ví như những “người hùng” thầm lặng của mỗi toà soạn báo.

Mỗi tối vác hơn 1 tấn chì

“Nhớ đời cái bữa chì đang sôi, chuẩn bị đổ vào khuôn đúc cong thì trào ra ngoài. Cứ tưởng "đi" luôn. May mà có thằng Hải nhanh chân nhảy lên được cái táplô điện, vớ thanh sắt đập miệng cái cuốclum, chì mới không chảy ra. Chứ nếu không, chắc thành... món thịt nướng rồi. Tới giờ vẫn còn hãi”. Đấy là một trong những kỷ niệm khó quên của Dương Sơn, công nhân tổ Chế bản điện tử. Tròn 50 tuổi, tóc bạc gần hết, ông theo nghề in báo từ khi còn công nghệ in typo.

Bên ấm chè sen ngát hương, ông Sơn hồ hởi bắt đầu câu chuyện: “Hồi đó làm in Typo là khổ lắm. Nói hơi quá thì quanh năm suốt tháng, chẳng biết ông mặt giời là như thế nào cả. Chung thân đi làm đêm. Tối nào cũng như tối nào. Và vội bát cơm rồi dắt xe đi, chẳng kịp ngồi uống chén nước, cà kê với vợ, con một tí. Tới lúc sáng ra, mình về thì cả nhà đã dậy lo đi làm, đi học. Còn mình lại lên giường đi ngủ. Mà này, công việc cực khổ thế nhưng không dễ được nhận vào làm đâu nhé. Phải trẻ, phải khoẻ, rồi 3 đời lý lịch trong sáng mới mong có cơ hội”.

Đầu năm 1980, anh thanh niên Dương Sơn được nhận vào làm việc tại tổ Đúc chì cong (hay còn gọi là Đúc cuốn), Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội. Phương pháp in chữ rời (in typo) do người Đức sáng chế năm 1440. Tất cả các khuôn in, bát, con chữ... đều được đúc từ hợp kim (chì, thiếc, antimon). Các con chữ rời bằng hợp kim được sắp chữ, ghép trang, ép phông... làm nên khuôn đúc cong. Thông thường, mỗi khuôn in đúc chì chỉ nặng cỡ 25 kg.


Bắt báo và đọc kiểm tra tờ in - Ảnh: M.S

Để có được một khuôn đúc cong, anh em công nhân phải vác khuôn đúc, đi tới đi lui không dưới 4 lần, tức là khối lượng cõng trên lưng lên tới 100 kg. “Trung bình một tối, mỗi ông "chơi" hơn 10 khuôn. Lắm hôm nhìn lịch phân công công việc, nhẩm tính cần ngót nghét 3 tấn chì, anh nào anh nấy mặt nhăn hơn quả táo tàu ngâm rượu. Ấy vậy thôi, chứ khi vào việc cũng chạy vù vù.

Trong phòng lúc nào cũng rôm rả tiếng đọc tin, bài trên khuôn đúc, rồi tiếng bình luận... Nhoáng cái là tới sáng. Chỉ có điều, mùi chì khiếp quá. Đi tới đâu cũng thấy chì. Mùi chì bay lơ lửng trong không khí, ám cả vào quần áo, theo cả lên... giường ngủ !”, Dương Sơn kể vậy.

Nghề... bạc tóc

Cùng tổ Đúc cuốn còn có Bùi Lợi, Tuấn Thìn, Văn Vượng, Vũ Bảo... Mỗi người một tính cách, một lứa tuổi. Nhưng tất cả đều có chung một nhân dạng là mái tóc bạc quá nửa và những nếp nhăn dày trên gương mặt. “Thì thức hết đêm này qua đêm khác, nước da có đẹp mấy cũng chuyển dần sang màu bờn bợt, rồi khô sạm đi, dày bì bì lên. Các nếp nhăn cũng nhanh chóng hằn sâu. Nhìn ai cũng già hơn so với tuổi”.

Đưa tay vuốt mái tóc bạc trắng, anh Đức Vượng - bộ phận bình phơi cười buồn: “Chưa đến tuổi nghỉ hưu, vậy mà hôm trước đi làm về, vào quán ăn sáng, có đứa gần 50 nó gọi mình bằng chú”. Còn Hùng “Hugô”, trực kỹ thuật in Báo Thể thao thì cười khà khà kể: “Sợ quá, hồi mới đi làm đêm, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, thân thể mình mà lúc nào cũng như đi mượn của người khác. Có hôm được nghỉ ở nhà, lên giường nằm mà không tài nào nhắm mắt nổi. Thế là lại mò lên nhà in, tếu táo cho đến sáng sớm thì về ngủ. Giờ cũng đỡ hơn, nhưng lắm hôm,  2, 3 giờ mới chợp mắt nổi”.

Nhưng từng đó cũng chưa “thấm” vào đâu so với việc Khánh - công nhân phân xưởng máy bị bà con lối xóm nghi ngờ làm bảo kê, thành thử không ai dám bắt chuyện, kết thân. Mà cũng chỉ tại cái dáng vẻ bề ngoài to lớn, dữ dằn, ít nói, chuyên cưỡi xe phân khối lớn, nhất là việc toàn hoạt động về buổi đêm của Khánh. Mọi việc chỉ “ba năm rõ mười” khi bà con hiểu rõ được đặc thù công việc mà những người như Khánh đang làm.

Vất vả thật đấy, nhưng chỉ cần nghĩ rằng mình là người đầu tiên cầm tờ báo lên mỗi sáng, là người đầu tiên đọc báo thì mọi mệt nhọc dường như tan biến hết. Thú vị nhất là có những thông tin quan trọng gì cũng là người được biết đầu tiên. Chẳng hạn như hai lần đổi tiền - kỷ niệm khó quên của những người làm nghề in báo. Kể từ lúc nhận được thông tin, báo sẽ đăng thông báo đổi tiền, tất tất công việc, từ khâu sắp chữ, ghép trang, ép phông, đổ khuôn đúc cong đến in, phát hành... đều do những thợ bậc cao là Đảng viên đảm nhận. Và tất cả phải tuân thủ quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập, ngủ tại chỗ, cơm ăn có người mang. Phấp phỏng, lo lắng, bức bí nữa. Nhưng cũng thấy vừa vui vừa... hãnh diện. Thử hỏi nếu không phải là người “đọc” báo sớm, liệu mấy ai được trải qua cảm giác ấy?

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.