Đột phá 2021

01/01/2021 04:34 GMT+7

“Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp” là điều mà Chuyên gia kinh tế trưởng của WB đã nói khi khép lại năm 2020 với quá nhiều khó khăn, thách thức, từ đại dịch Covid-19 đến hạn hán, bão lũ, sạt lở đất...

Chúng ta kiên cường khi vừa kiểm soát được dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, GDP tăng 2,91% - mức tăng thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong bối cảnh các quốc gia đều suy thoái và mức bình quân toàn cầu là -4%. Nếu nhìn chỉ số tăng trưởng GDP trong 4 quý có thể thấy một mô hình tăng trưởng hình chữ V, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi và đi lên với con số xuất siêu 19,1 tỉ USD - mức cao nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 91,1%, cũng là mức cao nhất trong 10 năm qua. Con số này càng đáng chú ý hơn khi mức đầu tư toàn xã hội trong năm nay lại đạt mức thấp nhất trong 10 năm. Điều này cho thấy nguồn lực nhà nước đã phát huy vai trò là bệ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhất...
Bên cạnh những thành công về mặt kinh tế, hiện chúng ta còn những hạn chế, khó khăn như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực…
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021 - 2025. Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 6,7% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6 - 7% các năm tiếp theo.
Dựa trên kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ có sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU, điều này sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của Covid-19, cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Kỳ vọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có những tín hiệu, triển vọng lạc quan nhờ bước tiến mới trong thực thi các hiệp định thương mại tự do và công tác ứng phó với dịch bệnh đạt kết quả tích cực.
Muốn phục hồi kinh tế trong bối cảnh cả cầu trong nước và ngoài nước vẫn đang suy giảm bởi tác động của dịch bệnh thì cần phải có các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, tư duy điều hành và khung khổ điều hành cần phải có những đột phá. Kích thích kinh tế thì rõ ràng là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phải khác, thâm hụt ngân sách phải lớn hơn, nợ công thay đổi và kèm với đó phải tập trung kích thích kinh tế vào đâu và chi tiêu của nhà nước phải tăng lên, đặc biệt chi tiêu về đầu tư.
Phải đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, coi đây là giải pháp căn bản để đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu dùng cốt yếu. Nếu dịch được kiểm soát, năm 2021 đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng cho 2021. Bên cạnh đó, nên dùng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ nông nghiệp vì đây là sống lưng của kinh tế Việt Nam và năm 2021 chưa phải là thời điểm để kỳ vọng nhiều vào du lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.