Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước nguy cơ dang dở

Bắc Bình
Bắc Bình
25/07/2019 06:51 GMT+7

Sau khi gói thầu xây lắp số 13 đình công, căng băng rôn đòi nợ chủ đầu tư thì hôm sau hàng loạt nhà thầu khác của dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) thông báo sắp 'chết lâm sàng'.

Nhà thầu cạn vốn

Sáng 24.7, cuộc họp định hướng tháo gỡ khó khăn về vốn và tìm giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại công trường dự án (DA) BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận diễn ra tại H.Cái Bè, Tiền Giang với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư là Ban giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát.
Đại diện ban điều hành Công ty CP tư vấn kỹ thuật TP.HCM - CII (nhà thầu CII), một trong các liên danh nhà thầu tham gia từ đầu, cho biết tính đến nay công ty đã đầu tư 300 tỉ đồng vào DA. Nhưng, thời gian gần đây, phía chủ đầu tư báo cáo hàng loạt các khó khăn, nhất là không có nguồn vốn, đã khiến toàn thể nhân công thi công tại công trường chán chường, thất vọng. “Chúng tôi đang tìm chỗ dừng hợp lý để giảm thiệt hại và dự kiến giữa tháng 8 chắc phải tạm dừng. Chúng tôi chỉ muốn biết trình tự thủ tục, pháp lý nguồn vốn đến khi nào mới có”, đại diện nhà thầu CII nói. 
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 23.7, Công ty CP Cầu 12, đơn vị thi công gói thầu số 13 - xây lắp số 13 tại đoạn nút giao Cái Bè (thuộc xã Mỹ Hội, H.Cái Bè, Tiền Giang) cạn vốn, người lao động đã ngưng thi công, giăng băng rôn  tại dự án. Sau khi được chủ đầu tư thuyết phục, tình hình mới ổn định.
Tham gia DA từ lần tái khởi động năm 2016, theo đại diện nhà thầu Tuấn Lộc (Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc), không lâu sau đó cũng bị khó khăn, thi công cầm chừng. Tháng 4.2019, DA được tái khởi động, nhà thầu Tuấn Lộc đã nhanh chóng triển khai thi công, các máy móc được vận chuyển toàn bộ đến đây nhưng đến nay cũng chưa nhận được đồng nào từ phía chủ đầu tư trong khi nhà thầu đã bỏ ra hơn 500 tỉ và giờ không còn đủ tiền trả lương cho công nhân.

Chỉ còn biết chờ... Trung ương

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, thừa nhận DA đang lâm vào thế bế tắc thật sự vì sau các nỗ lực của phía nhà đầu tư, các nhà thầu... thì phía các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan cứ “đủng đỉnh” trong việc ký kết các điều chỉnh của DA. Cụ thể, hiện UBND tỉnh Tiền Giang chưa thống nhất về 2 giải pháp là điều chỉnh xử lý nền đất yếu và điều chỉnh kết cấu mặt đường nhằm rút ngắn thời gian xây dựng và đảm bảo chất lượng, hạn chế rủi ro khi khai thác mặt đường trong điều kiện tuyến cao tốc đi qua khu vực nền đất yếu. Vì vậy, DA chưa thể tiếp cận đồng nào từ phía nguồn vốn cam kết hỗ trợ từ Chính phủ là hơn 2.180 tỉ đồng và phía các ngân hàng cũng dè dặt hơn, đặt nhiều vấn đề chặt hơn cho DA trong khi đưa ra các điều kiện để giải ngân theo cam kết.
“Chưa đầy 3 tháng, chúng tôi đã đầu tư thêm hơn 1.100 tỉ đồng vào DA, nâng tổng khối lượng đã hoàn thành lên hơn 22% (tương đương hơn 3.100 tỉ đồng), tăng hơn 10% so với suốt quá trình 9 năm thi công trước đó. Như vậy là chúng tôi đã có thiện chí đầu tư vào DA hay chưa?”, ông Hồng bức xúc.
Vẫn theo ông Hồng, hiện phía doanh nghiệp DA đang làm việc với các nhà thầu, đơn vị giám sát lập biên bản nghiệm thu hiện trường đảm bảo cho các gói thầu dừng thi công nhưng sẽ có điều kiện tốt nhất khi có vốn thi công trở lại. Dự kiến đến cuối tháng 8.2019, tất cả các gói thầu sẽ dừng thi công, không khác được.

UBND tỉnh đã đăng ký lịch làm việc với Chính phủ để tìm giải pháp

Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, kêu gọi các nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công và đặc biệt là lực lượng nhân công đang gặp khó khăn trong đời sống tại công trường nên hết sức kiềm chế để không phát sinh các vấn đề không mong muốn phải giải quyết.
“Tôi khẳng định phía UBND tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực hết mình vì DA này, kể từ ngày nhận nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hồi tháng 3.2019, thay thế cho Bộ GTVT. Cụ thể, ngân sách tỉnh khó khăn nhưng cũng đã tạm ứng cho DA hơn 224 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng chỉ còn vướng 60 hộ/hơn 3.200 hộ dân vùng DA. Về nguồn vốn, Chính phủ cam kết hỗ trợ hơn 2.180 tỉ đồng thì phải có văn bản phê duyệt của Quốc hội thì Chính phủ mới lập kế hoạch chi được. Hiện nay, Quốc hội chưa có thông báo gì về việc này. Để xúc tiến nhanh hơn, UBND tỉnh Tiền Giang đã đăng ký lịch làm việc trực tiếp với Thủ tướng, Thường trực Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Dũng khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.