Dự án đường sắt cao tốc: Vẫn chờ Quốc hội “bấm nút”!

17/06/2010 23:39 GMT+7

* Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Chưa thể thở phào! Trao đổi với báo giới sáng 17.6 bên hành lang kỳ họp QH, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết dù có tới 57,17% ĐB QH tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương xây đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM thì ông vẫn chưa thể thở phào vì còn chờ đến phút cuối QH “bấm nút”.

Dự kiến xây trước tuyến TP.HCM - Nha Trang

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng

* Vừa rồi Ủy ban TVQH công bố kết quả kiểm phiếu ý kiến của ĐB QH về đường sắt cao tốc, có tới 57,17% ĐB đồng ý ra Nghị quyết về chủ trương xây đường sắt cao tốc dù trước đó chưa phân định rõ ý kiến đồng thuận hay phản đối trong quá trình thảo luận. Bộ trưởng có ngạc nhiên và thở phào nhẹ nhõm trước kết quả này?

- Nếu QH thông qua thì mới thở phào nhẹ nhõm chứ. Tôi cũng không ngạc nhiên lắm, vì nếu có giải pháp thích hợp, lộ trình thích hợp thì thuyết phục được ĐB QH. Ví dụ như về vốn, con số 56 tỉ USD mới đầu nghe hơi "dội" nhưng phân kỳ đầu tư làm trong mươi mười lăm năm chứ không phải cần ngay lập tức. QH quyết chủ trương từ bây giờ là cơ sở rất tốt để cơ quan chức năng tiếp tục chuẩn bị báo cáo khả thi dự án. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng thế nào còn phải chờ QH "bấm nút" chính thức. Cho nên chưa thể thở phào nhẹ nhõm được!

* Bộ trưởng nghĩ sao trước tỷ lệ ĐB không tán thành với phương án đệ trình của Chính phủ cao hơn cả số tán thành?

- Thì tôi cũng nói rất nhiều lần rồi, đây là một dự án rất lớn, có thể có nhiều rủi

Vẫn phải chờ Chính phủ lập đề án khả thi mới quyết định thực hiện

QH đang dự kiến ra nghị quyết về chủ trương xây đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Số đại biểu đồng tình ra nghị quyết về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc là cao rồi. Trường hợp QH thông qua chủ trương thì vẫn phải chờ Chính phủ làm đề án khả thi xem có đáp ứng được yêu cầu không mới cho thực hiện. Kỳ họp này cho chủ trương, kỳ họp khác mới bàn để quyết xem làm đoạn nào trước, sử dụng công nghệ nào, nguồn tiền từ đâu, thời gian khởi công từ lúc nào...

Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn

ro, sẽ có nhiều khó khăn, tiềm ẩn, tiềm lực kinh tế của đất nước sẽ tiếp tục có những vấn đề cần xem xét, cho nên sự đắn đo của các ĐB QH và dư luận là hoàn toàn chính đáng. Tuy là cơ quan xây dựng đề án nhưng chúng tôi không thể nào nói đây là một việc dễ dàng. QH đắn đo, cân nhắc là đúng. Nếu được QH đồng ý cho thực hiện, chúng tôi càng phải rất thận trọng, lường hết các yếu tố.

* Vậy nếu được QH thông qua chủ trương, khi làm báo cáo khả thi, Chính phủ dự kiến ưu tiên xây dựng đoạn tuyến nào trước?

- Đoạn Nha Trang - TP.HCM làm trước, trong đó ưu tiên số 1 là TP.HCM - Phan Thiết. Nếu QH cho phép thì sau này trong báo cáo dự án tính theo hướng như thế.

Vẫn bỏ ngỏ phương án lựa chọn đối tác

* Chính phủ có dự tính đến chuyện đấu thầu tư vấn không, vì trước đây cũng có nhiều ĐB QH cho rằng báo cáo nội dung dự án đường sắt cao tốc vì không có đấu thầu nên không đảm bảo tính công khai minh bạch?

- Luật đấu thầu của mình có quy định việc đấu thầu lập dự án nhưng việc này thực hiện rất là khó vì đấu thầu quá phức tạp, cho nên thường là mình lựa chọn tư vấn, sắp tới cũng theo cách đó. Nhưng tới bước thiết kế xây dựng là dứt khoát phải đấu thầu rộng rãi.

* Một số chuyên gia cho rằng giá của các dự án ODA thường đắt hơn 20% so với bình thường, mình lại lệ thuộc vào công nghệ của Nhật thì liệu có bị “ép giá” hay không?

- Tôi không có thông tin nào cho thấy giá ODA đắt hơn 20%. Bởi vì thực hiện dự án ODA là phải đấu thầu hết. Đấu thầu trong nước và quốc tế.

* Nhưng thường vay ODA phải kèm theo điều kiện về đối tác?

- Không có điều kiện về đối tác. Ví dụ ODA step thì nó là đấu thầu giữa các doanh nghiệp nước cho vay. Còn ODA song phương là phải đấu thầu quốc tế, chứ không có điều kiện nào là chỉ định nhà thầu A, nhà thầu B.

* Nhưng xây dựng dự án thì mình đang hướng đến nước nào, tổ chức nào cho mình vay vốn?

- Bây giờ thì mình đang trao đổi với đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên việc lựa chọn đối tác thì mình vẫn bỏ ngỏ. Sau khi có báo cáo đầu tư xong, chúng ta xem xét quốc gia nào, doanh nghiệp nào, nhà thầu nào đáp ứng tốt nhất điều kiện mình đề ra thì mình sẽ xem xét lựa chọn vì dự án này rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã có thể hợp tác để làm hết mà phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu. Còn hiện tại Nhật đang giúp mình trong việc chuẩn bị dự án.

Nhiều cơ hội tham gia cho doanh nghiệp trong nước

* Có cơ hội nào cho các doanh nghiệp trong nước khi dự án được triển khai không, thưa Bộ trưởng?

- Cơ hội rất lớn cho các nhà thầu trong nước về xây dựng cơ bản. Ví dụ như làm hệ thống cầu cạn, nó tương tự như hệ thống cầu cạn Sài Gòn - Trung Lương. Sài Gòn - Trung Lương là hệ thống cầu cạn gần như phức tạp nhất thế giới rồi vì nó đi qua hệ thống vũng lầy. Các nhà thầu ta hoàn toàn có thể đảm đương được.

* Nhiều ý kiến lo ngại trong bối cảnh điện đang thiếu lại vận hành thêm đường sắt cao tốc liệu có đáp ứng nổi. Bộ trưởng nghĩ sao trước lo ngại này?

- Thì công nghiệp hóa - hiện đại hóa sử dụng năng lượng phải tăng lên, cho nên mới có chiến lược điện, có Sơn La, Lai Châu, điện hạt nhân... ra đời để đón những công trình như vậy. Nhưng có cái lợi là sử dụng năng lượng điện thì ổn định, còn các nhiên liệu khác thì rủi ro hơn vì giá ngày càng tăng cao.

* Thời gian vừa qua trong quá trình xây dựng báo cáo dự án đường sắt cao tốc, các đơn vị độc lập, các nhà khoa học, chuyên gia... ít có cơ hội phản biện về dự án. Liệu tới đây, nếu được QH thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi về dự án này không?

- Trong quá trình lập báo cáo tiền khả thi, chúng tôi cũng đã lắng nghe các tổ chức phản biện, hội thảo nhưng chưa rộng lớn, đầy đủ lắm. Tới đây khi lập dự án khả thi sẽ tổ chức nhiều hội thảo, kêu gọi các cơ quan độc lập, tổ chức, chuyên gia tham gia góp ý cho dự án này.

Hải u (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.