Dự án Thủ Thiêm: Khẩn trương giải quyết quyền lợi cho hộ dân trong 4,3 ha ngoài ranh

20/07/2019 05:56 GMT+7

Ngày 19.7, UBND TP.HCM họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và các giải pháp những tháng cuối năm.

Đáng chú ý tại cuộc họp, liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của người dân ở dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND TP, bắt đầu từ ngày 19.7, UBND Q.2 lên kế hoạch tiếp 331 hộ dân nằm trong diện tích 4,3 ha được xác định nằm ngoài ranh dự án theo Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Do số lượng người dân khá đông và phải tiếp từng hộ dân nên dự kiến các tổ công tác của Q.2 làm việc kéo dài trong vòng 4 ngày. Kết quả buổi tiếp xúc sẽ được tổng hợp báo cáo lãnh đạo TP để trình HĐND TP.

Ước tính bồi thường 2.000 - 3.000 tỉ đồng cho 4,3 ha ngoài ranh

Về Kết luận 1037 thanh tra dự án KĐTM Thủ Thiêm của TTCP công bố hôm 26.6, ông Nguyễn Thành Phong cho hay đây là kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư dự án KĐTM Thủ Thiêm. “UBND TP đã có dự thảo kế hoạch thực hiện trình Thường vụ Thành ủy. Hiện TP đang hoàn thiện kế hoạch để xin ý kiến bộ ngành T.Ư”, ông Phong nói và cho biết tiến độ thực hiện kết luận TTCP chậm do TP phải xin ý kiến cơ quan T.Ư.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên sau cuộc họp, về phương án đền bù cho 331 hộ dân nằm trong khu 4,3 ha, KP.1, P.Bình An (Q.2) được xác định ngoài ranh Thủ Thiêm đã, đang lấy ý kiến từng hộ dân. Dự kiến số tiền đền bù trên 2.000 - 3.000 tỉ đồng.
Một lãnh đạo trong Thường trực UBND TP cho hay, chính sách đối với diện tích đất 4,3 ha này sẽ không khiến 331 hộ dân ở đây thiệt thòi. Theo đó, tất cả loại đất có nguồn gốc khác nhau của người dân nằm trong diện tích này đều được quy về giá đất ở thời điểm hiện tại.
UBND TP đang tính toán phương án cụ thể là hỗ trợ bằng tiền, đất hay nhà. Việc bồi thường cho các hộ dân được tính theo giá nhà nước, nhưng sẽ có “hệ số quy đổi” theo giá thị trường để người dân không bị thiệt. Sau khi thống nhất được với người dân, UBND TP sẽ trình phương án đền bù tại kỳ họp bất thường của HĐND TP dự kiến diễn ra cuối tháng 7.2019.

Tính lại đất đã giao cho doanh nghiệp với “giá bèo”

Đáng chú ý trong Kết luận 1037 của TTCP ngày 26.6 chỉ rõ việc UBND TP và các sở ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định. Điều này đã giúp nhà đầu tư được hưởng chênh lệch địa tô rất lớn. Từ đó TTCP yêu cầu bộ ngành cùng UBND TP tính tiền sử dụng đất cho phù hợp.
Lý giải vấn đề này, một lãnh đạo TP cho hay tại thời điểm năm 2013, TP muốn thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Thủ Thiêm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tại thời điểm này, đơn vị tư vấn dựa theo giá đất tại một số dự án ở Q.1 và Q.7 đã tính toán giá đất ở Thủ Thiêm trung bình khoảng 35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên TP nhận định mức giá trên khá cao rất khó thu hút nhà đầu tư, nên lấy giá của một số dự án liền kề ở Thủ Thiêm để tính chi phí bình quân giá đất là 26 triệu đồng/m2 giao cho DN. Do sự chênh lệch về giá này nên diện tích đất dành cho DN lớn hơn so với dự tính.
Về hướng khắc phục, sắp tới TP sẽ tính lại giá trị đất bình quân ở thời điểm 2013 để xác định đúng chi phí thực tế với sự tham gia của đơn vị tư vấn. Nếu mức giá mới cao hơn mức 26 triệu đồng/m2 thì TP sẽ xem xét, tính toán, cấn trừ và thu hồi một phần diện tích đã giao cho DN.
Ngoài ra, TP sẽ tính chi phí bình quân giá đất năm 2019 ở Thủ Thiêm, từ đó làm cơ sở để đưa giá khởi điểm đấu giá đất ở Thủ Thiêm, qua đó giải quyết những dự án BT đang treo “lơ lửng” ở khu đô thị. Việc xác định mức giá đất mới năm 2019 cũng làm cơ sở có hướng xử lý hai dự án tái định cư rộng hơn 38 ha và hơn 30 ha ở Thủ Thiêm. Những dự án này TP giao đất cho DN xây nhưng khi xây xong TP lại không có nhu cầu sử dụng nên đã xin chủ trương bán cho DN theo giá đất thương mại. Tuy nhiên kết luận của TTCP yêu cầu TP phải thu hồi dự án sau đó mới bán đấu giá.
Tại cuộc làm việc mới đây với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, liên quan hai dự án tái định cư nêu trên, lãnh đạo UBND TP đề xuất bán chỉ định cho DN trên cơ sở tính toán giá đất theo giá thị trường. Giá đất thị trường sẽ được tính toán theo chi phí đất năm 2019 cộng với các chỉ tiêu quy hoạch và lợi thế vị trí địa lý của dự án để xác định giá khởi điểm đấu giá. Đề xuất trên của TP cũng được DN ủng hộ và đang được T.Ư xem xét.

60% người dân đề nghị hoán đổi đất

Chiều 19.7, PV Thanh Niên có mặt tại trụ sở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2, ghi nhận về việc người dân đến tiếp xúc với tổ công tác của UBND Q.2. Khi trở ra, hầu hết người dân tỏ ra hài lòng và cho biết buổi tiếp xúc họ chỉ nêu ý kiến và nguyện vọng, còn việc giải quyết, đền bù như thế nào còn phải chờ.
Tại UBND P.Bình An (Q.2), khi vừa bước ra từ phòng tiếp công dân của phường, một người dân (đề nghị giấu tên) cho biết: “Đại diện tổ công tác đề nghị tôi chọn các khu đất ở một số phường, và tôi đưa ra nguyện vọng chọn đất ở P.Bình Khánh. Lúc trước đất giải tỏa nhà tôi có diện tích hơn 110 m2, giờ được tổ công tác cho biết đổi khu đất rộng hơn 70 m2 ở P.Bình Khánh. Theo tôi bước đầu thỏa thuận vậy là ổn”.
Tối 19.7, Chủ tịch UBND Q.2 Nguyễn Phước Hưng cho hay kết thúc ngày đầu tiên các tổ công tác đã tiếp 125 người dân. Trong 3 ngày tới, Q.2 sẽ cố gắng tiếp hết toàn bộ 331 người dân. Trong các phương án hỗ trợ, bồi thường Q.2 đưa ra có 60% hộ dân đồng ý với phương án hoán đổi vị trí đất. Ông Hưng cho biết sau khi tiếp hết các hộ dân, Q.2 sẽ có tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết lên UBND TP.
Trác Rin - Đình Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.