Dự báo kiện tác quyền gia tăng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/03/2019 02:56 GMT+7

Theo các luật sư, số lượng vụ kiện tác quyền sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngày 14.3, vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội xung quanh việc tranh chấp quyền tác giả vở diễn thực cảnh Ngày xưa (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài) sẽ được TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm. Trước đó, Tinh hoa Bắc Bộ - vở diễn có liên quan đến vụ kiện - nhận kỷ lục Guinness Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất VN và Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất VN. Đây là vụ kiện được giới làm sân khấu rất quan tâm, bởi quy mô vở diễn, tên tuổi những nghệ sĩ liên quan tới vở diễn và việc “nói qua nói lại” giữa hai bên đã kéo dài từ lâu.
Một vụ kiện cũng đã được nguyên đơn “đánh tiếng” là vụ tỉ phú Hoàng Kiều, cháu ruột và là chủ sở hữu các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, kiện Công ty cổ phần Sky Music. Theo đó, ông Hoàng Kiều muốn đòi đền bù 150.000 USD cho mỗi bài hát của Hoàng Thi Thơ bị vi phạm quyền tác giả. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cho biết, văn phòng thừa phát lại đã lập vi bằng chứng thực để chứng minh nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là 1 trong khoảng 700 tác giả có tác phẩm đã và đang bị Sky Music xâm phạm. Hiện phía tỉ phú Hoàng Kiều và VCPMC đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện.
Theo ông Vinh, việc xét xử các vụ án này hiện đang còn “kẹt” ở năng lực cơ quan xét xử. “Quan trọng nhất là năng lực của cơ quan xét xử. Họ phải công tâm và hiểu biết, vì hiểu về bản quyền rất phức tạp. Trước đó nữa thì các chế định luật của mình còn sơ sài và đá nhau. Thậm chí, chúng ta còn phải rà lại khung pháp lý về bản quyền để sửa lại”, ông nói.
Hôm 18.2, bản án sơ thẩm vụ kiện quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, một tranh chấp dai dẳng hơn 12 năm, cuối cùng đã được tuyên. Theo đó, Hội đồng xét xử công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, không công nhận bà Mỹ Hạnh là đồng tác giả. Hội đồng xét xử cũng buộc Công ty Phan Thị phải chấm dứt các hoạt động sử dụng 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau, Công ty Phan Thị cũng phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên 2 tờ Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ.
Nếu so sánh những vụ kiện này với vụ việc những bức tranh trở về từ châu Âu cách đây hơn
2 năm sẽ thấy xu hướng đưa các tranh chấp tác quyền ra tòa dân sự đang trở nên rõ ràng hơn. Còn nhớ, khi họa sĩ Thành Chương phát hiện một bức tranh được ký tên Tạ Tỵ trong triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ông đã lên tiếng đó là tác phẩm của mình. Vụ việc rất ầm ĩ, thu hút truyền thông trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, đã không có một vụ kiện dân sự nào tiếp theo sau đó.

“Thần đồng” truyền cảm hứng

Bà Trần Thị Tám, Giám đốc Công ty luật IPCom VN, cho rằng nhiều khả năng các vụ kiện dân sự về tác quyền sẽ gia tăng trong thời gian tới. Trước đây, những vụ bản quyền lên truyền thông đều nửa vời, nguyên đơn hô hào ầm ĩ xong nửa chừng lại xẹp lép. Có nhiều lý do, hoặc chủ thể ngại kiện tụng tốn kém mất thời gian, hoặc thỏa thuận được về cách giải quyết. Chính vì thế, giây phút hạ màn lại là điều ít được phản ánh. Trong khi đó, ông Lê Linh đã theo đuổi vụ kiện đến cùng, đã đi đến giải quyết tại tòa và thắng sơ thẩm.
“Có thể ông vẫn tiếp tục phải theo đuổi kiện tụng nhưng những người làm sáng tạo cũng thấy được rằng họ có thể kiện được và cũng có thể thắng kiện. Sau vụ Lê Linh, nhiều người được truyền cảm hứng, việc khởi kiện dân sự về tác quyền hứa hẹn sẽ gia tăng”, bà Tám nhận định.
Các vụ kiện tác quyền cho thấy hiện trạng không chỉ một bên kiện bên kia. Cả hai đều có thể là nguyên đơn. Chẳng hạn, xung quanh Thần đồng đất Việt, có việc Lê Linh kiện Công ty Phan Thị về các nhân vật của bộ truyện. Ngược lại, Phan Thị cũng kiện Lê Linh vì đã sử dụng nhân vật trong Thần đồng đất Việt vào sáng tác truyện Long thánh. Với vụ việc Việt Tú - Công ty Tuần Châu Hà Nội, chủ đầu tư này đã kiện Việt Tú đòi bồi thường 6,6 tỉ đồng. Sau đó, Việt Tú phản tố đòi bồi thường 7,2 tỉ đồng.
Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty luật Bros và cộng sự, cho rằng việc hai bên kiện lẫn nhau là việc pháp luật cho phép. Tuy nhiên, những vụ việc như vậy cho thấy pháp luật còn những mơ hồ, khiến cho có bên thấy mình cũng có quyền khởi kiện. “Nó cho thấy tính dự đoán của người làm luật về những vụ tranh chấp là rất thấp. Tính dự đoán phụ thuộc vào tính rõ ràng của luật pháp để người ta không được phép hiểu nhầm nhà làm luật. Trong khi đó, luật của chúng ta có khả năng gây hiểu nhầm cao. Họ có thể kiện đi kiện lại là vậy. Hơn nữa, thực tiễn và kinh nghiệm của các thẩm phán về luật cũng kém”, ông Vinh đánh giá.
Ông Vinh cũng dự đoán các vụ kiện dân sự liên quan đến tác quyền sẽ tăng lên. “Trong công nghiệp sáng tạo, các vụ kiện sẽ tăng ở các lĩnh vực: thiết kế thời trang, điện ảnh, xuất bản, âm nhạc. Tuy nhiên, số vụ kiện sẽ rơi vào bản quyền âm nhạc nhiều nhất. Hiện nay, chúng ta “xài chùa” âm nhạc nhiều quá. Hơn nữa, âm nhạc cũng có nhiều hình thức khai thác, sử dụng rất rộng. Vì diện sử dụng rộng nên nguy cơ vi phạm cao. Sau đó, việc copy tài liệu, đạo văn cũng sẽ tăng số vụ kiện. Nói chung chúng ta vẫn đang ở thời kỳ “hỗn mang”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.