Dự cảm - Truyện ngắn của Song Ngư

15/10/2015 09:06 GMT+7

Một lần, khi đang bách bộ qua một cửa hàng hoa tươi, không hiểu sao dù không có như cầu mua hoa, nhưng có cái gì đó hối thúc, giằng níu, Luân đẩy cửa bước vào.

Một lần, khi đang bách bộ qua một cửa hàng hoa tươi, không hiểu sao dù không có như cầu mua hoa, nhưng có cái gì đó hối thúc, giằng níu, Luân đẩy cửa bước vào.

Dự cảmMinh họa: Hồng Thiện Cường
Trong hiệu hoa tươi vắng khách, không khí đẫm hương thơm, nhưng im lặng và khá trang nghiêm, đến nỗi Luân chợt nghĩ hình như mình vừa bước vào một nghĩa địa, với những nấm mồ lặng câm mà thao thiết bao câu chuyện cuộc đời. Luân đứng trước một dãy hoa hồng đủ loại, bỗng nhiên thấy trái tim mình nhói đau, không chỉ một giây mà nhói liên tục, như người ta đâm liên tiếp nhiều lưỡi dao một lúc. Luân ôm ngực đờ đẫn ngồi xuống sàn. Một lúc, cơn đau dứt, Luân đứng dậy ra về. Chính lúc ấy, Luân đã gặp cô, người con gái mà sau đó không lâu Luân gặp lại khi dọn đến một ngôi nhà trọ ngoại ô.
***
Luân chưa kịp dựng xe, một phụ nữ ăn mặc hở hang, lộ những hình xăm ở bụng và bắp tay sấn sổ, chỉ mặt Luân:
“Đồ nhà quê cống rãnh, mày không giữ mẹ mày một chỗ thì đừng bảo bà không báo trước”.
Luân lạnh người, cơn giận khiến anh cứng họng, không sao thốt được câu nào. Con mụ chành chọe này chỉ đáng tuổi em út Luân, mà sao ăn nói khốn nạn, thô lỗ thế. Anh nhào lại, nếu không bị bàn tay to thô của một gã đầu trọc thì anh đã đấm vào mặt con ranh láo toét kia. Gã đầu trọc nắm tay anh, không nói không rằng, lẳng anh ngã ngồi vào cái xe máy đã bị chính anh làm đổ vì chưa kịp dựng chân chống. Tất cả chỉ diễn ra trong vài phút, đủ làm nháo nhào khu nhà trọ, rồi chúng bỏ đi.
Mẹ Luân ngồi thu lu trong góc nhà, không sợ hãi, không đau đớn. Chỉ một khối buồn tê tái đè nặng, phủ trùm lên bà. Luân muốn ôm mẹ, muốn khóc to, nhưng anh không ôm mẹ, cũng không khóc. Một nỗi buồn thẳm sâu cũng bao trùm anh.
Luân đón mẹ lên thành phố để tiện chăm sóc bà. Câu chuyện làng quê muôn thuở đối với những người dân lao động di cư là sự cô đơn của những người già. Mẹ Luân cô đơn là một lẽ, một lẽ khác, Luân muốn bứt lìa bà khỏi một quá khứ đau buồn. Một thứ liệu pháp tâm lý mà Luân không chắc có thành công.
Mấy năm trước mẹ Luân bị căn bệnh u uất phát tác khiến ngày nào bà cũng ra bến đò cũ của làng ngồi khóc. Khi đó, cỏ hoang đã mọc trùm lên bến vì người ta đã bắc cầu qua sông. Ngoài việc đợi một đứa con không biết còn sống hay đã chết từ ngày bà mang nó đặt trộm lên thuyền của dân vạn chài thì bà không có biểu hiện điên loạn như những người điên khác. Ngày ấy, bến sông làng Luân thường có những tốp dân chài ghé qua một đôi hôm rồi chèo thuyền qua bến khác, nhiều tháng sau mới quay lại một lần. Trong một đêm lạnh tăm tối, mẹ Luân bế đứa con gái mới sinh của mình đặt trộm lên thuyền của một gia đình vạn chài. Sáng hôm sau, tỉnh cơn mê dại, bà lao ra bến đòi lại con. Nhưng bến sông vắng hoe, đoàn thuyền vạn chài đã bỏ đi, không để lại dấu vết như chưa từng đến.
Mùa đông năm đó, cha anh từ chiến trường trở về, thấy vợ đang cho một đứa trẻ sơ sinh bú, ông không một lời than trách, lẳng lặng kê chõng ra hiên ngủ.
Có thể sự im lặng, những cơn gió đông và mưa phùn phủ kín giấc ngủ đau khổ của người lính ấy đã khiến người vợ thiếu thủy chung không chịu nổi, và trong một cơn mê dại, người phụ nữ ấy đơn giản nghĩ rằng chỉ cần mang đứa bé đi là gia đình sẽ sum vầy như cũ.
Năm sau, cha Luân ly dị và cưới một người phụ nữ khác. Họ xây một ngôi nhà nhỏ ngoài xóm bãi. Bây giờ, mỗi lần về quê, Luân đi qua bến đò năm xưa mẹ anh trong cơn mê dại đã bỏ đi của anh đứa em gái nhỏ, qua một dải đồng xanh, vàng, trắng rạ để đến thăm cha, xóm bãi đìu hiu ngày ấy nay đã trở nên trù phú.
***
Cô mang đến một ít bánh nếp cho mẹ Luân. Từ ngày Luân đưa mẹ lên thành phố, cô hay đến thăm. Cô trọ ở dãy nhà của gã mặt ngắn lưng dài. Gã này nghe đâu là dân tứ chiếng, nhờ bài bạc lọc lừa thủ đoạn mà có tiền mua đất ven sông xây thành dãy nhà trọ cho dân lao động di cư ồ ạt đổ về thành phố. Nhà trọ của hắn có cả hệ thống thang máy và chốt bảo vệ. Gã đầu trọc nắm cổ tay Luân du anh ngã chính là một trong số những người làm bảo vệ cho khu nhà trọ, còn con ranh láo toét chửi anh ban chiều chính là bồ của gã chủ. Ngoài dân lao động ở trọ, còn có những hoạt động mờ ám nào khác ở khu nhà đó không, Luân không biết.
Cô không đẹp, nhưng dịu dàng và duyên ngầm. Mỗi lần gặp cô, Luân luôn cảm thấy ấm áp, thân thương. Tình cảm ấy đôi lúc xuyến xao như một tình yêu nhỏ, đôi lúc khựng lại vì những rào cản mơ hồ. Luân chưa từng dám đặt vấn đề yêu đương với người con gái nào, cũng chưa từng có mối quan hệ một đêm với bất kỳ một gái ăn sương nào chỉ vì trong lòng anh luôn lấn cấn: Bất kỳ người con gái nào anh gặp trong đời đều rất có thể là đứa em gái cùng mẹ khác cha đã thất lạc.
Mẹ anh bảo: Nếu ông trời trừng phạt, một ngày nào đó run rủi mà hai anh em yêu nhầm nhau thì bà sẽ chết. Có dấu hiệu nào để anh nhận biết em gái mình không? Có dấu hiệu nào để mẹ anh nhận ra con gái mình không? Không. Đứa bé gái mẹ anh bỏ đi ấy bình thường như mọi bé gái, nó không hề có một dấu hiệu trên thân thể nào, như vết bớt, sự khiếm khuyết chẳng hạn. Nghĩa là để nhận biết em gái mình, anh chỉ còn một cách duy nhất, đó là tin vào trực giác và nguồn gốc xuất thân. Mẹ anh tin rằng, khi gặp em gái, trái tim anh sẽ mách bảo cho anh biết. Anh sẽ nhận ra em, nếu gặp.
Nhưng Luân chưa từng gặp người con gái nào mà trái tim anh mách bảo. Tất cả những người ấy đều giống nhau và đều lặng lẽ đi qua anh, trừ cô. Chỉ duy nhất có cô cho anh cảm giác hồi hộp, ấm áp. Nhưng đó là cảm giác của tình ruột thịt, hay đơn giản là tình yêu đôi lứa. Cô nói gia đình cô ở rất xa và việc tìm hiểu nguồn gốc xuất thân của cô là việc không đơn giản. Anh không thể đòi cô đưa về nhà rồi đùng đùng hỏi cha mẹ cô xem cô là con nuôi hay chính họ sinh ra. Đúng lúc đang chao chát rối bời thì anh quyết định đón mẹ từ quê lên.
Mẹ anh ngồi hàng giờ để nhìn sang khu nhà trọ đối diện. Có lẽ phải đến hơn một trăm người trọ ở khu nhà đó, trong đó có cô và không ít cô gái trạc tuổi cô từ những miền đất xa xôi khác đến. Một ngày kia, bà già làm náo loạn khu nhà, khi bà sồng sộc xông vào phòng của các cô gái, sấn sổ săm soi từng cô. Bảo vệ nhấc bổng bà đem ra cổng, xua đuổi như một người điên quấy nhiễu. Bệnh của mẹ Luân không những không thuyên giảm mà càng ngày càng nặng hơn. Luân những tưởng bứt lìa bà khỏi cái bến đò cũ đau khổ thì căn bệnh của bà sẽ đỡ, ngờ đâu, đó là giải pháp sai lầm.
Cô khuyên Luân nên đưa mẹ về quê. Không gian quen thuộc của làng quê sẽ khiến bà tĩnh tâm. Nhưng Luân chưa thể làm gì. Ở quê, cha anh đã có gia đình mới, ông dường như đã vĩnh viễn quên người vợ cũ nhẹ lòng. Luân cũng không thể ngay lập tức từ bỏ công việc để về với mẹ. Lẽ ra anh đã có thể lập gia đình, nhưng cái ý nghĩ về tội vô tình loạn luân từ bé đã ngấm vào máu Luân, và điều Luân không ngờ tới, nó đã trở thành một thứ thuốc độc, ngấm sâu vào tim và giết chết mọi cảm xúc khi gặp người khác giới, trừ cô.
Mẹ anh bảo con gái bà đang sống trong khu nhà đối diện, trước mặt bà. Bà cảm thấy điều đó, nhưng bà không thể nào chứng thực. Có mấy chục cô gái, từ công nhân may mặc đến nhân viên văn phòng ở đó, ai cũng có câu chuyện cuộc đời riêng, và ai cũng xa lạ với mẹ con Luân. Làm sao Luân biết ai là em gái thất lạc của mình.
Chính Luân cũng có cảm giác người em gái của mình đang ở đâu đó quanh anh, rất gần, chỉ là anh không biết là ai.
Luân nảy ra một ý định táo bạo: Nhờ cô cung cấp những thông tin về họ, những cô gái trong khu nhà trọ có thang máy, bảo vệ và vợ chồng tên chủ nhà quen thói giang hồ thủ đoạn. Anh không nhận ra nỗi buồn và sự thất vọng trong ánh mắt cô. Một ngày nọ, Luân đã thuộc tên của rất nhiều cô gái, những Ngọc những Nhung những Chi những Huyền. Nhưng cô nào cũng có nguồn gốc rõ ràng, không ai là con nuôi hay trẻ mồ côi.
Vào một ngày, cô không đến gặp Luân để kể về một cô gái nào đó, hay thăm mẹ anh nữa. Cô biến mất khỏi thành phố, cũng như đoàn thuyền chở em gái nhỏ của Luân trên bến đò làng năm xưa, không để lại dấu vết, như chưa từng đến.
Gã đầu trâu lạ mặt thình lình như mọc lên từ lòng đất ném một nắm đấm vào mặt Luân. Luân ôm mặt, ngã nhào xuống sân. Đầu trâu bồi thêm hai cú đấm, ba cú đá chí mạng vào người Luân, trước khi rút khỏi đám người náo loạn, gí mặt hắn vào mặt Luân, giọng thối hoăng: “Mày là thằng chó nào mà dám dò hỏi về người của tao?”.
Người bị đánh, đồ đạc bị phá, cô gái mà có thể là em gái nhỏ, cũng có thể là người Luân yêu đã biến mất. Luân biết cô không thể bị chúng giết. Cô chỉ đang ở nơi nào đó mà cô buộc phải rời đến. Sao lại có chuyện vô lý thế được. Tại sao? Luân chỉ muốn tìm người em gái đã thất lạc thôi mà...
***
Từ ấy, Luân đưa mẹ đến trọ nhiều nơi trong thành phố. Nơi nào cũng chỉ được một thời gian ngắn, vì căn bệnh của mẹ Luân không hề thuyên giảm. Bà vẫn sồng sộc sấn sổ đến những cô gái trẻ, để hỏi họ là ai, từ đâu đến. Luân đưa mẹ đi, để tìm em gái, và cũng tìm cô. Luân chờ đợi dự cảm về tình thân nếu gặp em gái mình, điều mà anh tin rằng khi gặp, dự cảm ấy sẽ mách bảo. Đó là điều duy nhất Luân có thể bấu víu giữa biển người vô tận.
Một buổi chiều Luân đi qua hiệu hoa tươi năm nào, một dự cảm bất chợt, rằng hình như có ai đó đang đợi Luân, đang gọi tên Luân. Luân đứng sững, phải rồi, nơi này, vào một ngày như thế này, có cái gì giằng níu và Luân đã bước vào, giữa một vùng hương hoa im lặng, Luân đã gặp một cơn đau nhói từ tim, và Luân đã gặp cô, người con gái cho Luân cảm giác ấm áp và hy vọng.
Luân đẩy cửa bước vào. Hiệu hoa không đông khách, chỉ có hai người phụ nữ đứng tuổi đang chọn hoa, và chủ hiệu cũng là một người đàn bà đứng tuổi. Không phải cô, và ba người phụ nữ kia cũng không thể là em gái Luân được. Hẫng hụt và ái ngại, Luân đứng một lúc rồi ra về.
Một chiếc xe hơi trờ tới, ló đầu ra nhăn nhó là gã mặt ngắn lưng dài. Từ trong hiệu hoa tươi, ả tình nhân chành chọe của gã ôm bó hoa hồng vàng õng ẹo bước ra.
“Đàn bà con gái gì mà xăm trổ trông thấy gớm”.
Chủ hiệu hoa liếc nhìn chiếc xe đã sập cửa và phóng đi, thở dài:
“Dân giang hồ đó chị, nhưng cũng mê hoa lắm. Tuần nào ả cũng đến đây, ngồi cả tiếng ở góc kia, như ma ám”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.