Du lịch “bực mình” - Giấc mơ du lịch Việt Nam

16/07/2005 21:56 GMT+7

Câu chuyện thương hiệu du lịch Du lịch xuyên Việt với Tây ba lô, Sinh café là một tên tuổi quen thuộc. Nhưng cách cư xử của hãng này với khách quả thực đáng thất vọng.

Tôi đã mua tour của Sinh café đi Hạ Long, vé đề lúc 7h15 sáng 8/7/2005 khởi hành. Đúng 7h sáng, chúng tôi có mặt tại văn phòng số 52 Lương Ngọc Quyến, văn phòng chưa mở cửa. Đến 7h20, sau hàng loạt tiếng gõ cửa của khách ta lẫn khách Tây, anh nhân viên uể oải bước ra với duy nhất cái quần đùi trên người, không buồn mời khách vào, cũng không có bất cứ thông tin nào cho khách. Trong vai một du khách bức xúc trước sự thờ ơ và trễ giờ của những người điều hành, tôi gọi điện thoại về văn phòng chính của họ tại đường Đề Thám, TP.HCM, đòi gặp ông chủ của Sinh café, một giọng nam hằn học tiếp chuyện. Chúng tôi phản ánh sự việc thì anh ta bảo: "Chị chờ chúng tôi gọi điện thoại ra để xem ý kiến hai bên mới giải quyết (!?)". Chờ 7 phút, chẳng thấy chuông điện thoại tại văn phòng reo, chúng tôi điện thoại lại và bảo rằng nếu anh ta không có lời giải thích sẽ gọi đến đường dây nóng của các báo để khiếu nại, anh ta trả lời ngay lập tức: "Chị cứ làm điều chị muốn, chị cứ đưa ra công luận nếu chị thích". Thực là một sự thách thức lẫn coi khinh khách hàng. Trong khi cùng lúc, văn phòng công ty du lịch kế bên họ, số nhà 50 đã mở cửa từ 6h để đón khách. Có 2 vị khách Nga đứng vạ vật trước cửa, thêm 2 người khách nước ngoài bỏ đi sau khi vào văn phòng để ngỏ cửa mà chẳng có ai (vì anh nhân viên đã đi rửa mặt và tắm), họ đã sang văn phòng kế bên để hỏi. Tour đi Hạ Long - Cát Bà đề lúc 7h15 khởi hành nhưng thực tế đến 8h40 sáng 8/7/2005 xe mới chính thức lăn bánh.

Thương hiệu nào cho Sinh café nếu cứ coi khinh hành khách như thế?

Tính nghiệp dư làm mất điểm du lịch VN

Tại đường Lý Thường Kiệt, thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi đọc thấy một biển hiệu của khách sạn mini: "Bedroom". Trên đường phố Hội An, tôi đọc được một biển hiệu quảng cáo: "Bike for rent, goodpricccs". Hàng loạt những biển hiệu, khẩu hiệu, quảng cáo sai chính tả, văn phạm tiếng Anh như thế khắp từ Bắc chí Nam. Chưa kể hàng chục khẩu hiệu "Welcome to Vietnam" khắp nơi, trông tẻ nhạt và có gì đó khó chịu bởi hàng loạt những lời chào mừng giống nhau đến thế.

Có lẽ, không thể bàn thêm gì về điều này. Sự chuyên nghiệp bắt đầu từ những biển hiệu, nhưng ở đây, dấu vết nghiệp dư thể hiện quá rõ.

Hang Tả Phìn, được quảng cáo là một trong những điểm đến hấp dẫn của Sapa thì tối tăm, ẩm thấp, không có lấy một bảng hướng dẫn hay chú thích bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, Pháp. Bãi đá cổ cũng chẳng hơn gì những cục đá bình thường vì ngoại trừ tấm bảng nhỏ giới thiệu sơ lược về bãi đá thì chẳng có chú thích gì thêm.

Với khách du lịch, điều cần thiết nhất là những biển chỉ đường đến những điểm tham quan. Hầu hết các thành phố du lịch của VN đều không làm được thao tác này, ngoại trừ Huế đã làm rất tốt. Tại Hà Nội, chúng tôi đã phải đi lòng vòng gần 1 giờ để tìm được đường đến Văn Miếu vì mải loay hoay với những con đường một chiều mà chẳng có một bảng chỉ dẫn nào cho du khách.

Chính sách hai giá tưởng đã biệt tăm, không ngờ lại trở lại ở Huế. Giá vào lăng là 20.000 đồng cho người Việt Nam và 55.000 đồng cho người nước ngoài (biển ghi giá treo trước phòng bán vé vào lăng Khải Định - Huế). Ông Smith, một nhà nghiên cứu lịch sử châu Á, bức xúc với chúng tôi trước lăng Khải Định: "Tại sao lại phân biệt đối xử như thế? Chúng tôi thực sự yêu mến đất nước các bạn". Tại Vườn quốc gia Cát Bà cũng có hiện tượng này. Văn Miếu cũng thế. Trong các cửa hàng bán hàng lưu niệm thì tinh vi hơn. Tại cửa hàng ở Hải Dương, tôi thấy để con số 20 USD trên một chú heo gỗ, nhân viên giải thích: "Người Việt thì 200.000 đồng, còn "bọn Tây" thì 20 đô la, để thế để họ không biết".

* "Tôi có một ước mơ..."

Anh Tony Trần, một Việt kiều thuộc thế hệ thứ hai, về nước, đi du lịch xuyên Việt với ước mong: "Tôi sẽ dẫn bạn bè, con cháu về chơi VN, tôi muốn tự mình làm hướng dẫn viên cho họ nên chuyến đi này xem như tiền trạm...". Thoáng vẻ ưu tư, anh nói tiếp: "Tôi rất lo, cứ như thế này, tôi e mình sẽ khó lòng dẫn họ về đi du lịch đích thực. Chặt chém thế này...". Cũng trên chuyến xe từ Hà Nội về, chúng tôi gặp khá nhiều Việt kiều Mỹ, Canada, Pháp, họ đều về thăm quê, du lịch và cùng có chung mong muốn đưa người thân của họ du lịch thăm quê nhà. Tất cả đều bày tỏ một ước mơ đưa quê hương gần hơn với đất nước mà họ đang sống. Nhưng họ vẫn còn không ít băn khoăn chưa được giải đáp.

Những người bạn đường của chúng tôi trên những chuyến bay, chuyến xe, tàu có một ước mơ đưa người nhà về thăm Việt Nam. Còn chúng tôi, chúng tôi cũng có một ước mơ, hơi khác với họ. Tôi ước mơ bà Võ Thị Thắng hoặc ông Phạm Từ sẽ bỏ thời gian 1 tháng, du lịch ta ba lô đến các nơi trong nước, nếm trải những cảnh ngộ của du khách để về mà có biện pháp hiệu quả phát triển du lịch VN. Còn bạn tôi lại có một ước mơ khác: tổ chức cho những người làm du lịch, dịch vụ VN bay sang Thái Lan một chuyến, để biết người ta làm du lịch chuyên nghiệp như thế nào mà học hỏi.

Nhưng xem ra, mơ ước chỉ là mơ ước. Bao giờ cho đến ngày chúng ta tự hào thốt lên rằng: "Tôi hạnh phúc được đi du lịch Việt Nam"!

Ghi chép của Hạ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.