Du lịch có khả quan như báo cáo?

04/01/2013 03:55 GMT+7

Trái ngược với thông tin Tổng cục Du lịch công bố ngành du lịch vượt xa cả 3 chỉ tiêu trong năm 2012, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết họ đang rất lao đao sau 1 năm gặp quá nhiều khó khăn…

Tổng cục Du lịch (TCDL) cho biết, năm 2012 ngành này vượt cả 3 chỉ tiêu: đón 6,84 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,5% so với 2011; khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng 8,3%; tổng thu từ du lịch đạt 160.000 tỉ đồng, tăng 23%. Thế nhưng…

 Du lịch có khả quan như báo cáo?
Nhiều thị trường khách quan trọng của VN suy giảm trong năm qua - Ảnh: D.Đ.M

Doanh nghiệp du lịch giảm người, bán xe…

Qua khảo sát gần 20 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế, công ty vận chuyển du khách và nhà hàng cao cấp, đại đa số thừa nhận khách từ nhiều thị trường trọng điểm suy giảm mạnh, lợi nhuận tính trên đầu khách cũng giảm. Do đó, DN đành phải thu hẹp quy mô hoạt động, cố gắng trụ qua cơn bĩ cực.

 

Thay vì tung hô con số tăng trưởng quốc tế mà DN không tin là thật, TCDL cần thống kê xem bao nhiêu DN lữ hành - dịch vụ du lịch kinh doanh chật vật hoặc “chết lâm sàng”, công suất sử dụng KS 2 - 5 sao đạt bao nhiêu…

Ông Nguyễn Công Hoan
Phó giám đốc Công ty Hanoi Redtours

Ở Hà Nội, Công ty lữ hành quốc tế Nét đẹp Đông Dương từ tháng 7 đã rời ngôi nhà ba tầng mặt phố trung tâm Q.Ba Đình có giá thuê 40 triệu đồng/tháng, chuyển lên tòa nhà văn phòng gần đó, tiết kiệm 1/3 tiền thuê nhà, để cắt lỗ. Chưa hết, 30% nhân viên cũng bị sa thải và việc tham dự hội chợ nước ngoài đã bị ngưng lại… Sở dĩ phải làm vậy bởi lượng khách Đức, Pháp (ngủ khách sạn 3 - 4 sao, đi tour 12 - 14 ngày) của công ty giảm mạnh, kéo tổng lượng khách du lịch quốc tế đón được năm 2012 giảm 25%. Trước đó, năm 2011, khách nước ngoài của công ty cũng đã giảm 20%.

Chuyên vận chuyển khách châu u và Nhật Bản, Giám đốc Công ty thương mại và du lịch Tuấn Minh, ông Nguyễn Kiên Cường, kêu trời vì đơn hàng đặt xe của 10 công ty lữ hành quốc tế trong mùa cao điểm đón khách u - Mỹ (tháng 10.2012 - 4.2013) ước giảm hơn 40%. Sau thiên tai đầu 2011, thị trường Nhật Bản phục hồi tốt vào cuối năm, nhưng sang 2012 và dự kiến hai tháng đầu 2013 (thời điểm khách này vào miền Bắc đông nhất trong năm) vắng hẳn. Tình hình khá nghiêm trọng do hai tháng cuối năm ngoái, số đoàn khách Tuấn Minh nhận được đã giảm 30% so với cùng kỳ 2010. “Tôi phải rút văn phòng từ tầng 1 mặt phố lớn trung tâm Q.Hoàn Kiếm về nhà riêng, cả năm 2012 “quên” thưởng cho nhân viên. Nhiều đồng nghiệp đã bán một phần, thậm chí nửa đội xe. Nếu gặp khách trả giá tốt, tôi cũng bán bớt vài chiếc vì khách nội lẫn ngoại đều vắng”, ông Cường ngao ngán.

Tại TP.HCM, Công ty du lịch Vòng Tròn Việt không phải trả trụ sở 5 tầng mặt đường Hồ Hảo Hớn, Q.1 nhờ đã cho thuê lại phần lớn diện tích. Tuy nhiên, Giám đốc Phan Đình Huê vẫn phải cho nghỉ việc gần 50% nhân viên do trong mùa cao điểm khách u - Mỹ chỉ đón được khoảng 1.000 khách (trước ngủ phòng 4 - 5 sao, nay thường chọn 3 - 4 sao để tiết kiệm), giảm 30% so với mùa trước, khách VN cũng giảm gần 40%. Còn Giám đốc Công ty du lịch Việt, ông Trần Văn Long xác nhận khách nước ngoài của công ty giảm ít nhất 30%. “Khủng hoảng tài chính khiến khách ở nhiều nước châu u hạn chế đi tour đường xa là điều dễ hiểu”, ông Long nói.

 

Khách giàu giảm sút

Năm 2012, hàng loạt thị trường có mức chi trả cao của VN giảm hoặc tăng trưởng rất thấp so với năm 2011 như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Úc, Mỹ, Bỉ, Hồng Kông, Canada... Các thị trường có lượt khách tăng cao thì mức chi tiêu thấp hơn, tập trung ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Singapore, Đài Loan. Tương tự, khách vào VN bằng đường hàng không tăng trưởng thấp, chỉ 10% so với 23% của năm 2011. Trong khi khách đường bộ và đường biển (chủ yếu tới VN làm ăn, buôn bán) tăng cao. Còn khách đường biển, dù là khách giàu, nhưng do VN chưa thể khai thác được nên khách này chi tiêu rất thấp. Đó là lý do, những thành tích mà TCDL công bố đang bị cho là mâu thuẫn với thực tế kinh doanh của ngành du lịch.

 

 

Khách sạn, nhà hàng thưa khách

Khách du lịch giảm, hoạt động của các ngành liên quan cũng ảm đạm theo. Trưởng phòng kinh doanh một khách sạn (KS) 4 sao trên đường Đồng Khởi (TP.HCM) phàn nàn phải giảm giá phòng thêm 15 - 20% mới đạt công suất sử dụng bằng với 2011. “Nếu không, chắc chắn công suất sẽ giảm mạnh. Khách của chúng tôi chủ yếu đến từ Nhật Bản, Mỹ, Úc và đều sụt giảm”, vị này phát biểu. Đại diện một KS 5 sao, cũng nằm trên đường này, thất vọng vì dù liên tục khuyến mãi, giảm giá, song công suất sử dụng phòng vẫn giảm 6% trong năm qua.

Chủ tịch Hội KS TP.HCM Tào Văn Nghệ xác nhận tình hình kinh doanh không như mong muốn: “Nhiều KS chỉ đạt 70 - 80% chỉ tiêu doanh thu vì nguồn thu từ dịch vụ ăn uống, thuê hội trường cũng đều giảm. Tình hình khách lưu trú năm 2013 vẫn không cải thiện hơn”. Ông Nghệ phân tích, nguyên nhân là ảnh hưởng của kinh tế thế giới suy thoái nhưng có phần do năng lực cạnh tranh của du lịch VN yếu kém, đặc biệt là giá tour quá cao so với nhiều nước Đông Nam Á. “Từ đầu năm nay, lệ phí cấp thị thực sẽ tăng lên khá mạnh, cộng với hàng loạt loại giá khác sắp tăng - điển hình là giá điện…, sẽ khiến điểm đến VN kém hấp dẫn hơn”, ông Nghệ lo ngại.

Nhận xét về các con số mà TCDL công bố, Phó giám đốc Công ty Hanoi Redtours (Hà Nội) Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Thay vì tung hô con số tăng trưởng quốc tế mà DN không tin là thật, TCDL cần thống kê xem bao nhiêu DN lữ hành - dịch vụ du lịch kinh doanh chật vật hoặc “chết lâm sàng”, công suất sử dụng KS 2 - 5 sao đạt bao nhiêu… Kèm theo là tỷ lệ lao động trực tiếp trong ngành du lịch bị bán thất nghiệp hoặc buộc phải chuyển nghề khác, DN đang khẩn thiết trông chờ gì từ Chính phủ và các bộ… Đó mới là số liệu phản ánh đúng “sức khỏe” thị trường du lịch, từ đó đề nghị chính sách phù hợp”.

Làm thuê trên sân nhà

Báo Thanh Niên ngày 13.8 có bài viết phản ánh tình trạng làm thuê trên sân nhà của du lịch VN: Các đối tác nước ngoài gom khách từ bên trong thị trường (chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) của họ và đưa qua VN, có cả hướng dẫn viên đi theo và được các nhà cung cấp của chính nước họ phục vụ. Vì thế, dù đón đông khách quốc tế, nhưng các công ty du lịch VN (chủ yếu là DN vừa và nhỏ) chỉ phục vụ một lượng nhỏ du khách, số còn lại phần vào tay các công ty du lịch chui của nước ngoài, phần vào VN làm ăn, buôn bán…

N.T.Tâm - Hữu Thắng

 >> Nguy cơ làm thuê của du lịch nội địa
>> Nguy cơ làm thuê cho nhà thầu nước ngoài
>> Giải bài toán nguồn nhân lực du lịch
>> Phát triển du lịch tại Trường Sa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.